Rung nhĩ là một trong những tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Theo phân loại rung nhĩ, căn bệnh này có nhiều loại khác nhau. Và nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời thì bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, thậm chí là tử vong.
1. Bệnh rung nhĩ là bệnh gì?
Rung nhĩ (còn được gọi là rung tâm nhĩ) là một trong những bệnh lý về rối loạn nhịp tim rất thường gặp, đặc biệt là ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Trong rung nhĩ, nhịp tim của người bệnh đập không đều, hỗn loạn ngay cả khi nghỉ ngơi.
Theo thống kê, rung nhĩ là căn nguyên gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Những bệnh nhân bị suy tim có kèm theo rung nhĩ sẽ tăng nguy cơ tử vong lên tới 34%. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh rung nhĩ sẽ tăng dần theo tuổi tác. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh ở người dưới 40 tuổi là khoảng 0,1%, tăng lên mức 1,5 - 2% ở người trên 80 tuổi.
Nhiều bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng gì hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh rung nhĩ đều được phát hiện tình cờ thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Một số bệnh nhân khác có thể gặp các triệu chứng rung nhĩ như:
- Hồi hộp, đánh trống ngực;
- Hụt hơi, nhịp tim không đều;
- Khó thở, đặc biệt khi vận động, tập thể dục;
- Lâng lâng, chóng mặt, có cảm giác muốn ngất xỉu;
- Giảm khả năng gắng sức, dễ đuối sức, yếu trong người;
- Tức ngực, nặng ngực, đau ngực;
- Đột quỵ não - biến chứng của bệnh. Nhiều bệnh nhân chỉ biết mình bị rung nhĩ sau khi nhập viện do nguyên nhân đột quỵ.
2. Phân loại rung nhĩ
Theo phân loại rung nhĩ thì căn bệnh này có những dạng nào? Bệnh rung nhĩ có thể phân chia thành các loại sau:
- Rung nhĩ cơn: Là tình trạng rung nhĩ kết thúc nhanh chóng hoặc chỉ tồn tại không quá 7 ngày kể từ khi xuất hiện. Các cơn rung nhĩ có thể xuất hiện trở lại với tần suất không giống nhau;
- Rung nhĩ bền bỉ: Là loại rung nhĩ xuất hiện liên tục, kéo dài trên 7 ngày;
- Rung nhĩ dai dẳng: Là loại rung nhĩ liên tục kéo dài trên 12 tháng;
- Rung nhĩ mãn tính: Là tình trạng bác sĩ và bệnh nhân đều chấp nhận rằng không thể chuyển nhịp hoặc duy trì nhịp xoang ổn định. Rung nhĩ mãn tính thể hiện thái độ về việc chấp nhận phương pháp điều trị hơn là thuộc tính sinh lý bệnh. Việc chấp nhận rung nhĩ mãn tính có thể thay đổi các triệu chứng, hiệu quả của các phương pháp điều trị can thiệp và lựa chọn ưu tiên của bác sĩ, bệnh nhân;
- Rung nhĩ không do bệnh van tim: Rung nhĩ khi không có tình trạng hẹp van 2 lá do thấp, không có van tim sinh học/cơ học hoặc sửa hẹp van 2 lá.
3. Biện pháp phòng ngừa bệnh rung nhĩ
Theo các bác sĩ, xây dựng một lối sống lành mạnh là phương pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể ngăn ngừa rung nhĩ. Mỗi người có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa rung nhĩ sau:
- Tập đi bộ nhanh 30 phút/ngày hoặc đi cầu thang bộ khi có thể;
- Bỏ thuốc lá. Nhịp tim và huyết áp sẽ trở lại bình thường sau 20 phút bỏ thuốc lá;
- Tránh sử dụng rượu bia và caffeine;
- Kiểm soát sự căng thẳng;
- Kiểm soát tình trạng cao huyết áp;
- Điều chỉnh mức cholesterol trong cơ thể bằng cách ăn nhiều chất xơ, sử dụng dầu oliu, cá...;
- Kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là ở những bệnh nhân tiểu đường.
Những người lớn tuổi, người có bệnh nền tim mạch như tăng huyết áp, bệnh nhân đột quỵ, bệnh van tim, tiểu đường,... nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn, lên kế hoạch tầm soát rung nhĩ. Từ đó, các bác sĩ có thể phát hiện sớm, điều trị bệnh rung nhĩ triệt để.
Theo phân loại rung nhĩ thì bệnh lý này có nhiều loại khác nhau. Tùy từng loại rung nhĩ mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp nhất. Điều quan trọng là người bệnh cần phối hợp với mọi chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất và hạn chế nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, thậm chí tử vong.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.