Sintrom 4mg là thuốc chống kháng đông, được sử dụng chủ yếu để dự phòng và điều trị các biến chứng huyết khối tắc mạch do nhồi máu cơ tim, bệnh van 2 lá, rung nhĩ hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu,... Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng và cách dùng mà bác sĩ đã hướng dẫn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
1. Sintrom 4mg là thuốc gì?
Sintrom 4mg là thuốc thuộc nhóm chống kháng đông, chống kết dính tiểu cầu và tiêu sợi huyết. Thuốc được nghiên cứu và bào chế dưới dạng viên nén, sản xuất bởi Novartis Farma S.P.A – Ý. Thành phần chính của Sintrom 4 là Acenocoumarol (hàm lượng 4 mg), được đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên nén.
2. Công dụng của thuốc Sintrom 4mg
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Sintrom 4mg
Thuốc Sintrom 4mg được chỉ định sử dụng chủ yếu cho các trường hợp dưới đây:
- Dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch do nhồi máu cơ tim, chẳng hạn như rối loạn chức năng thất trái nặng, huyết khối trên thành tim hoặc loạn động thất trái gây tắc mạch trong điều trị tiếp thay cho Heparin. Ngoài ra, thuốc Sintrom 4mg cũng được sử dụng để dự phòng nhồi máu cơ tim tái phát ở những bệnh nhân không dùng được Aspirin.
- Được sử dụng nhằm dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch do bệnh van nhân tạo, van 2 lá hoặc rung nhĩ.
- Điều trị cho tình trạng nghẽn mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu và dự phòng tái phát khi điều trị thay thế tiếp cho Heparin.
- Dự phòng tình trạng nghẽn mạch phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật khớp háng.
- Dự phòng huyết khối trong ống thông.
2.2. Công dụng của thuốc Sintrom 4mg serb
Dược lý và cơ chế tác dụng chính của thành phần Acenocoumarol:
- Acenocoumarol (hàm lượng 4mg) có tác dụng chống đông máu, giúp dự phòng và điều trị cho các tình trạng có huyết khối trong mạch máu. Bản chất của Acenocoumarol là một kháng vitamin K, giữ vai trò can thiệp vào cơ chế khử vitamin K tại gan và tổng hợp nên 4 yếu tố đông máu (bao gồm II, VII, IX và X).
- Tác dụng chống đông máu gián tiếp của Acenocoumarol hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tổng hợp của nhiều yếu tố đông máu. Sau khi uống, Aacenocoumarol sẽ làm hạ prothrombin máu trong vòng từ 36 – 72 giờ. Sau khi dừng thuốc, tác dụng chống đông máu có thể tiếp tục kéo dài lên đến 2 – 3 ngày.
- Ngoài ra, Acenocoumarol còn có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của các cục huyết khối có từ trước. Nhờ đó, những triệu chứng huyết khối tắc mạch thứ phát được ngăn ngừa mặc dù hoạt chất này không có khả năng tiêu huyết khối trực tiếp.
Dược động học:
- Acenocoumarol được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hoá và nồng độ đỉnh ở huyết tương đạt trong 1 – 3 giờ. Thuốc có liên kết mạnh mẽ với protein huyết tương, lên đến 97%, riêng phần tự do là có hoạt tính và bị chuyển hoá. Ngoài ra, Acenocoumarol cũng được hấp thu qua nhau thai và trong sữa mẹ.
- Nửa đời thải trừ của thuốc sẽ diễn ra trong vòng 8 – 11 giờ. Acenocoumarol sẽ được đào thải chủ yếu ở dạng chuyển hoá qua đường nước tiểu và một phần nhỏ qua mật (phân).
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Sintrom 4mg serb
3.1. Liều dùng thuốc Sintrom 4mg
Liều lượng sử dụng thuốc Sintrom 4 sẽ được xác định dựa trên kết quả về thời gian đông máu của người bệnh qua xét nghiệm IRN. Do đó, liều dùng của thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định tuỳ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân khác nhau, cụ thể:
- Trẻ nhỏ: Việc cho trẻ em sử dụng thuốc Sintrom 4mg vẫn còn hạn chế, tuy nhiên nếu cần thiết dùng thuốc, bác sĩ sẽ phải theo dõi bệnh nhi ngay từ khi bắt đầu để có liều lượng thuốc phù hợp.
- Người trưởng thành: Uống 4mg/ ngày (2 ngày đầu sử dụng), ngày tiếp theo cần kiểm tra với bác sĩ để xác định liều phù hợp tiếp theo.
- Người cao tuổi: Sử dụng liều ban đầu ít hơn và chỉ bằng 3/4 hoặc 1/2 so với liều của người trưởng thành.
3.2. Cách sử dụng thuốc Sintrom 4mg
Thuốc Sintrom 4mg thường được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với nước lọc.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên uống thuốc Sintrom 4 theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và dùng vào một thời gian cố định trong ngày. Thời gian tốt nhất để sử dụng thuốc Sintrom 4mg là vào buổi tối. Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi IRN để điều chỉnh liều phù hợp.
4. Cần làm gì khi quá liều hoặc quên liều thuốc Sintrom 4mg?
Cách xử lý khi uống quá liều thuốc Sintrom 4mg:
- Trong trường hợp uống quá liều thuốc Sintrom 4mg, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như ho hay nôn ra máu, bầm tím, đau bụng, nhức đầu, chảy máu mũi, đi ngoài phân có màu đen hoặc đỏ,... Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trên, lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được khám và điều trị kịp thời.
Cách xử lý khi bỏ quên liều thuốc sintrom 4mg:
- Nếu trót quên uống một liều sintrom 4mg trong vòng 8 giờ, người bệnh có thể uống bù liều sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nếu vượt quá thời gian này, bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều tiếp theo đúng như lịch uống thuốc thông thường. Nếu lỡ quên liều, bạn cũng nên ghi nhớ và thông báo cho bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Sintrom 4mg
Khi uống thuốc Sintrom 4mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ từ phổ biến cho đến hiếm gặp sau đây:
- Tác dụng phụ phổ biến bao gồm ngứa, sốt, phát ban, rụng tóc, buồn nôn, tiêu chảy, đau khớp riêng lẻ.
- Tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm đau sưng bất thường, chảy máu cam, tê liệt, khó thở đột ngột, chóng mặt, hoại tử da khu trú, viêm mạch máu, tổn thương gan,...
Ngoài ra, cần báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện những triệu chứng sau đây:
- Chảy máu chân răng.
- Chảy máu từ vị trí vết cắt lâu cầm máu.
- Kéo dài chu kỳ kinh nguyệt hơn bình thường.
- Tê và ngứa ran mặt, chân hoặc tay.
- Đau, sưng hoặc khó chịu ở cơ.
- Có dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng như khó thở, tụt huyết áp, phát ban, sưng mặt hoặc cổ họng.
- Chảy máu trong mắt, nôn ra dịch đen giống bã cà phê.
- Bất tỉnh.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Sintrom 4mg
Thuốc Sintrom 4mg serb chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Người bị dị ứng hoặc quá mẫn với các dẫn chất Coumarin hoặc các thành phần có trong thuốc.
- Người có nguy cơ cao bị chảy máu, mới can thiệp ngoại khoa về mắt và thần kinh hoặc có khả năng phải phẫu thuật lại.
- Người bị suy gan cấp độ nặng.
- Người bị tai biến mạch máu não.
- Người mắc bệnh suy thận cấp độ nặng (với độ thanh thải creatinin dưới 20ml/ phút).
- Người mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng tiến triển.
- Người bị giãn tĩnh mạch thực quản.
- Người đang dùng Aspirin liều cao, Miconazol đường toàn thân / âm đạo, thuốc chống viêm không Steroid nhân Pyrazole, Chloramphenicol, Phenylbutazon hoặc Diflunisal.
Một số loại thuốc có thể tương tác với Sintrom 4mg, bao gồm:
- Thuốc làm tăng nồng độ/ tác dụng của Sintrom: Thuốc kháng sinh (Norfloxacin, Ofloxacin, Ciprofloxacin, Tetracycline, Trimethoprim); thuốc chống loạn nhịp tim (Amiodarone); Acetaminophen (thuốc cảm, paracetamol); thuốc chống đông khác (Enoxaparin, Calciparine hoặc Heparin); thuốc kháng tiểu cầu (Clopidogrel, Aspirin); thuốc kháng nấm (Fluconazol, Ketoconazol); thuốc hạ huyết áp Nicardipine; thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAIDS (Piroxicam, Voltarel); thuốc tiểu đường (Pioglitazone, Sulfonamide); thuốc chống rối loạn lipid Gemfibrozil.
- Thuốc làm giảm nồng độ/ tác dụng của Sintrom: Thuốc chống co giật (Carbamazepine); thuốc ngủ (Secobarbital, Phenobarbital); thuốc chữa lao (Rifampin); Aminoglutethimide.
Trong quá trình sử dụng thuốc Sintrom 4mg, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không uống rượu bia trong quá trình sử dụng Sintrom.
- Tuân thủ theo đúng liều lượng và cách sử dụng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.
- Không ăn kiêng hoặc thay đổi quá nhiều chế độ ăn uống để điều chỉnh trong lượng cơ thể trong quá trình dùng thuốc.
- Theo chuyên gia, phụ nữ đang trong thai kỳ không được sử dụng thuốc Sintrom 4mg, bởi loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, đặc biệt là ở 3 tháng đầu và cuối thai kỳ. Việc sử dụng Sintrom 4mg có thể dẫn đến nguy cơ dị tật thai nhi hoặc sảy thai.
- Đối với phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không nên sử dụng thuốc Sintrom 4mg. Trong trường hợp cần thiết có thể cho trẻ bổ sung thêm vitamin K.
- Những người có đặc thù công việc đòi hỏi sự tập trung cao như vận hành máy móc hoặc điều khiển phương tiện giao thông cần thận trọng khi sử dụng thuốc Sintrom.
- Tránh hoạt động quá mạnh hoặc va chạm gây thương tích/ chảy máu.
- Bảo quản thuốc Sintrom ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và để xa tầm tay trẻ nhỏ.
Tóm lại, Sintrom 4mg là thuốc chống kháng đông, được sử dụng chủ yếu để dự phòng và điều trị các biến chứng huyết khối tắc mạch do một số bệnh lý tim mạch. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.