Nồng độ axit uric cao có ảnh hưởng gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em đi xét nghiệm máu và nhận kết quả nồng độ axit uric rất cao (532). Em rất lo lắng về vấn đề này. Vậy bác sĩ cho em hỏi nồng độ axit uric cao có ảnh hưởng gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Trần Hiếu (1999)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nồng độ axit uric cao có ảnh hưởng gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Axit uric là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của base có nitơ nhân purin (adenin và guanidine) của axit nucleic, hình thành chủ yếu ở gan và được đào thải qua thận, với nồng độ axit uric toàn phần được duy trì bởi sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và quá trình đào thải. Các nguồn chính tổng hợp axit uric trong cơ thể người là các thức ăn có chứa purin và từ nguồn axit uric nội sinh do thoái biến các axit nucleic của cơ thể. Axit uric thải trừ qua hai con đường chính là nước tiểu và qua đường tiêu hóa. Tăng quá mức axit uric trong huyết thanh có thể gây nên tình trạng lắng đọng tại các khớp và mô mềm gây bệnh gout, gây nên một quay vòng tế bào gây chậm trễ bài tiết axit uric qua thận dẫn đến tăng nồng độ axit uric máu. Lượng axit uric nước tiểu tăng quá mức có thể bị kết tủa và hình thành sỏi urat trong hệ tiết niệu.

Thực tế, có rất nhiều các loại thực phẩm có chứa một lượng purin cao, nếu con người ăn chúng quá nhiều thì có thể góp phần vào việc làm tăng axit uric trong máu. Các loại thực phẩm có thể là nội tạng động vật, gia cầm, thịt đỏ, cá, cá mòi, nấm men, cá cơm, bia,... Mặt khác, việc ăn kiêng quá mức, tập thể dục vất vả cũng có thể làm tăng axit uric máu và giảm bài tiết, vì cơ thể sẽ tự phân hủy năng lượng trong khi thận không thể bài tiết axit uric hiệu quả. Tăng thứ phát có liên quan đến rất nhiều tình trạng bao gồm suy thận, các bệnh tăng sinh tủy (Myeloproliferative Diseases), bệnh tán huyết, bệnh vẩy nến, đa hồng cầu, bệnh dự trữ glycogen type 1, nghiện rượu, nhiễm độc chì, chế độ ăn giàu purin, nhịn ăn, đói và hóa trị liệu.

Giá trị tham chiếu của xét nghiệm axit uric máu trên người khỏe mạnh:

  • Nam: 208.3 - 428.4 μmol/L
  • Nữ: 154.7 - 357.0 μmol/L

Như vậy nồng độ axit uric máu của bạn đang ở ngưỡng cao. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội để được khám lâm sàng cũng như tư vấn các xét nghiệm chuyên sâu hơn cũng như điều trị bằng thuốc nếu cần thiết. Ngoài ra, bạn có thể phòng ngừa bệnh tăng axit uric máu bằng chế độ ăn lành mạnh nhiều rau xanh, ít mỡ động vật, giảm thức ăn chứa nhiều purin, tập luyện thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Hạn chế rượu bia.

Nếu bạn còn thắc mắc về nồng độ axit uric cao, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe