Mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout - hiểu để phòng ngừa bệnh

Bệnh Gout là một loại bệnh lý viêm khớp phổ biến, xảy ra do sự tích tụ axit uric trong cơ thể. Hiểu rõ về mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout sẽ giúp chúng ta có thể phòng ngừa bệnh tốt hơn.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đào Thị Trang - thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Axit uric là gì?  

Axit uric được tạo ra từ quá trình phân hủy purin trong cơ thể. Purin được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể người và trong một số thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, nội tạng, và đồ uống có đường hoặc đồ uống có cồn. 

Mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout: Khi nồng độ axit uric cao, tinh thể urate có thể hình thành trong các khớp và dẫn đến bệnh gout.
Mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout: Khi nồng độ axit uric cao, tinh thể urate có thể hình thành trong các khớp và dẫn đến bệnh gout.

Hợp chất này sẽ thường được hòa tan trong máu và tiết ra qua thận, sau đó được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Quá trình này giúp duy trì nồng độ axit uric trong cơ thể ở mức ổn định.

Tuy nhiên, nếu như hợp chất này quá nhiều trong máu hoặc chức năng thận bị giảm, dẫn đến tình trạng tăng axit uric máu (hyperuricemia) và tạo điều kiện cho việc tinh thể này tích tụ và lắng đọng trong các khớp và mô xung quanh, gây ra các vấn đề sức khỏe như đau, sưng tấy đột ngột và thậm chí là bệnh gout.

2. Tinh thể axit uric có hình dạng như thế nào?

Quá nhiều axit uric trong máu có thể dẫn đến tình trạng gọi là hyperuricemia, việc hòa tan hoặc loại bỏ ra khỏi cơ thể sẽ khó khăn hơn bình thường. Khi nồng độ axit uric cao, các tinh thể urate dần xuất hiện và lắng đọng.

Những tinh thể này có hình dạng sắc nhọn hoặc hình thoi đọng lại trong các khớp dẫn đến tình trạng viêm khớp. Các tinh thể urate cũng có thể lắng đọng trong thận và gây sỏi thận.

3. Mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout

Cơ thể tạo ra axit uric một cách tự nhiên khi phân huỷ purin, một loại hợp chất có trong nhiều loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản và một số loại rau quả. Axit uric được lọc qua thận và sau đó được tiết ra nước tiểu, nhằm giữ cho nồng độ hợp chất này trong máu ở mức ổn định.  

Tuy nhiên, nếu có quá nhiều axit uric trong cơ thể hoặc khả năng đào thải của thận bị suy giảm, từ đó tạo thành các tinh thể urate trong các khớp.  

Bệnh gout là một dạng của viêm khớp, đó cũng chính là phản ứng của cơ thể trước sự kích thích từ các tinh thể urate lắng đọng trong khớp. Gout có thể gây ra các cơn đau dữ dội và bất ngờ mà không có cảnh báo trước.  

Những người mắc bệnh gout mãn tính có thể cảm thấy trên vùng bàn tay, khuỷu tay, bàn chân…có thể xuất hiện những cục u nhỏ, cứng và tích tụ theo thời gian. Đó là chính là những nơi tập trung tinh thể urate, có thể gây đau và cứng khớp theo thời gian.  

4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới có nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh Gout của phụ nữ tăng lên. Người trưởng thành, đặc biệt là những người từ 30 tuổi trở lên, có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em và thanh niên. 

Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố tăng nguy cơ gout.
Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố tăng nguy cơ gout.

Ngoài ra, những người có bệnh lý sau cũng có nguy cơ mắc bệnh Gout, bao gồm:

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, bao gồm:

  • Di truyền
  • Ăn nhiều protein động vật - đặc biệt là thịt động vật, động vật có vỏ và thực phẩm có chứa nội tạng
  • Lạm dụng rượu bia
  • Dùng thuốc lợi tiểu (thuốc nước)
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch 

5. Cách hạn chế bệnh gout dựa trên mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout

Dựa trên mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout, chúng ta có thể thấy cách hạn chế bệnh gout tốt nhất chính là kiểm soát nồng độ axit uric trong máu.

5.1 Hạn chế thực phẩm và đồ uống giàu purin:

Hạn chế thực phẩm và đồ uống giàu purin là một trong những biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát bệnh Gout. Purin là một loại hợp chất hữu cơ được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống, và nó là nguyên nhân chính gây ra sự tăng axit uric trong cơ thể.

Các thực phẩm giàu purin bao gồm:

  • Thịt đỏ: Bò, heo, cừu.
  • Các loại hải sản: Cá hồi, sò điệp, tôm, cua.
  • Các loại thực phẩm nội tạng: Gan, thận, lòng, não.
  • Các loại thực phẩm đậu và hạt: Đậu, đậu lăng, đậu nành, lạc, hạt hướng dương.
  • Các loại rau cải: Măng tây, cải bắp cải, cải xoong.
  • Đồ uống có cồn: Rượu, đặc biệt là bia.

Nên lựa chọn các loại thực phẩm ít purin như, động vật thịt trắng như gà, cá trắng, đậu, trứng, sữa, trái cây, rau (ngoại trừ các loại rau có hàm lượng purin cao).

5.2 Uống nhiều nước:

Mất nước có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến nguy cơ tái phát bệnh Gout. Vì thế bạn nên uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước) và nước lọc là lựa chọn tốt nhất để giúp thận loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.  

Ngoài việc giúp đào thải axit uric thừa, uống nhiều nước giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và da.
Ngoài việc giúp đào thải axit uric thừa, uống nhiều nước giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và da.

Ngoài ra, uống nhiều nước giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và da.  

5.3 Tập thể dục thường xuyên và giảm cân:

Thực hiện các bài tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe không giúp giảm và đào thải axit uric hiệu quả, mà còn có thể giúp giảm viêm, một triệu chứng phổ biến của bệnh gout. Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe tim mạch, huyết áp và cholesterol.  

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần ở mức độ vừa phải. Chúng ta có thể chia nhỏ thời gian tập luyện thành nhiều đợt mỗi ngày.  

5.4 Theo dõi sức khỏe:

Hãy khám sức khỏe định kỳ để theo dõi nồng độ axit uric và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh Gout. Báo cho bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá,... 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe