Sinh thiết tinh hoàn là một phương pháp tìm kiếm sự hiện diện của tinh trùng trong tinh hoàn /mào tinh, được chỉ định khi mẫu tinh dịch xuất ra không có tinh trùng, để chẩn đoán bệnh lý ác tính cũng như sử dụng trong hỗ trợ sinh sản.
1. Sinh thiết tinh hoàn là gì?
Sinh thiết tinh hoàn là một kĩ thuật mà bác sĩ sẽ lấy mẫu mô tinh hoàn để nhằm mục đích đem đi kiểm tra giải phẫu bệnh về sự tồn tại của bệnh lý ác tính, để chẩn đoán nguyên nhân vô sinh, hoặc sử dụng trong biện pháp hỗ trợ sinh sản.
2. Tại sao cần phải sinh thiết tinh hoàn?
Sinh thiết tinh hoàn được thực hiện nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, dựa trên từng bệnh nhân cụ thể, bao gồm:
- Xác định bản chất của khối bất thường ở tinh hoàn hoặc xác định sự tồn tại của ung thư tinh hoàn.
- Chẩn đoán nguyên nhân vô sinh ở nam giới.
- Lấy tinh trùng phục vụ cho hỗ trợ sinh sản (kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn: intra-cytoplasmic sperm injection – ICSI).
3. Các kĩ thuật sinh thiết tinh hoàn
Sinh thiết tinh hoàn có thể sử dụng các kĩ thuật sau:
- Sinh thiết mở: Kỹ thuật này có thể được thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê. Bác sĩ sẽ mở bìu để lấy mẫu mô tinh hoàn phục vụ cho mục đích sinh thiết. Đây là kĩ thuật đảm bảo độ chính xác cao nhất nếu cần xác định ung thư hay nguyên nhân vô sinh, và cũng là kĩ thuật hiệu quả nhất để lấy tinh trùng cho phục vụ hỗ trợ sinh sản.
- Sinh thiết qua da: Kỹ thuật này sử dụng kim cắt (true - cut needle) hoặc kim hút nhỏ (fine needle aspiration - FNA). Ưu điểm của kĩ thuật sinh thiết qua da là không cần các trang bị phẫu thuật, chỉ cần gây tê mà không cần gây mê, chuẩn bị bệnh nhân cũng như chăm sóc sau khi thực hiện kĩ thuật đơn giản. Tuy nhiên sinh thiết bằng kim hút nhỏ cũng có những hạn chế, như độ chính xác phát hiện ung thư tinh hoàn tại chỗ (carcinoma in situ - CIS) chưa được các nghiên cứu đánh giá đầy đủ, hay số lượng tinh trùng lấy được sẽ thấp hơn so với sinh thiết mở.
4. Những rủi ro có thể xảy ra khi sinh thiết tinh hoàn
Giống như bất kì kĩ thuật nào khác, sinh thiết tinh hoàn cũng có những rủi ro nhất định trong quá trình thực hiện, bao gồm:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Tổn thương nặng tinh hoàn hoặc cấu trúc xung quanh (hiếm gặp)
Sinh thiết tinh hoàn không gây ra rối loạn cương dương hoặc các vấn đề về sinh sản sau khi thực hiện kĩ thuật.
5. Chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết tinh hoàn
- Bệnh nhân có thể tham vấn với bác sĩ về mọi thắc mắc của bản thân. Bệnh nhân cũng cần viết cam kết đồng ý thực hiện kĩ thuật sinh thiết tinh hoàn.
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh lý của bản thân, cũng như tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, đặc biệt là các thuốc chống đông.
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu bản thân mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thứ gì.
- Tùy vào kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn sẽ được thực hiện, và tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn chuẩn bị cụ thể và những yêu cầu riêng (nếu có).
6. Chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết tinh hoàn
Tùy vào kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn đã thực hiện và tình trạng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc.
Bệnh nhân thường được hướng dẫn tránh quan hệ tình dục sau khi sinh thiết từ một tới hai tuần. Đau sau sinh thiết là điều hay gặp, hãy uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng đá lạnh để giảm sưng đau trong 24 giờ đầu.
Cảm giác bất tiện, sưng đau sẽ biến mất sau vài ngày. Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Chảy máu tăng lên.
- Xuất hiện khối máu tụ.
- Sưng, đau ngày càng nặng.
- Sốt và/hoặc rét run.
7. Nhận kết quả sinh thiết tinh hoàn và những bước cần thực hiện tiếp theo
Mẫu mô tinh hoàn lấy ra từ quá trình sinh thiết sẽ được mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh hoặc lấy tinh trùng phục vụ biện pháp hỗ trợ sinh sản, tùy thuộc vào mục đích thực hiện sinh thiết ban đầu.
Các kết quả sinh thiết bất thường khác có thể là:
- Ung thư tinh hoàn.
- Nang tinh dịch: Là một nang chứa dịch nằm trên ống dẫn của tinh hoàn.
- Viêm tinh hoàn: Tình trạng tinh hoàn sưng đau, do hoặc không do nhiễm khuẩn.
Tùy kết quả cụ thể của mỗi trường hợp mà bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn cho bệnh nhân và đưa ra những quyết định tiếp theo. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm nếu cần thiết, hoặc thảo luận chi tiết với bệnh nhân về các phương pháp điều trị có thể thực hiện, để thống nhất phương án tối ưu đối với trường hợp của người bệnh. Bệnh nhân nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời tái khám đầy đủ và đúng hẹn để đạt kết quả điều trị cao nhất.
Nên lựa chọn sinh thiết tinh hoàn tại các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.
Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI
XEM THÊM: