Khối u tinh hoàn ác tính là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới từ 15-35 tuổi. Sinh thiết tinh hoàn giúp chẩn đoán u tinh hoàn một cách hiệu quả.
1. Sinh thiết tinh hoàn
Sinh thiết tinh hoàn là quá trình lấy ra một mảnh mô tinh hoàn, khoảng một nửa kích thước của một đầu diêm. Quá trình này được thực hiện dưới gây mê toàn thân, hoặc gây tê tại chỗ. Những mẫu mô tinh hoàn đôi khi được lấy ra để làm xét nghiệm. Các mẫu tế bào này sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có bất kỳ sự phát triển nào của tinh trùng hay không.
Sinh thiết tinh hoàn khá an toàn; có hai loại sinh thiết tinh hoàn:
- Sinh thiết kim nhỏ: Một kỹ thuật có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ có liên quan đến việc đâm kim nhỏ vào tinh hoàn để lấy một mẫu mô khoảng một nửa kích thước của một đầu diêm.
- Sinh thiết mở: Liên quan đến việc lấy ra một mảnh mô lớn hơn về kích thước sau khi cắt qua da và lớp bao dày phủ bên ngoài của tinh hoàn. Kỹ thuật này được thực hiện trong khi người đàn ông được gây mê toàn thân/gây tê tuỷ sống.
Sinh thiết tinh hoàn được thực hiện nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, trong đó sinh thiết tinh hoàn giúp xác định bản chất của khối bất thường ở tinh hoàn hoặc xác định sự tồn tại của ung thư tinh hoàn.
2. U tinh hoàn
2.1 Những đối tượng có nguy cơ bị u tinh hoàn
U tinh hoàn thường gặp ở:
- Những người có tinh hoàn ẩn: Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng (thông thường ở giai đoạn bào thai hay trong 3 tháng đầu sau khi sinh, tinh hoàn của các bé trai sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu).
- Những người bị hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể giới tính.
- Bị chấn thương tinh hoàn.
- Viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi dậy thì.
- Những người làm việc trong điều kiện nhiệt độ quá nóng như thợ mỏ, lái xe đường dài,...
2.2 Triệu chứng u tinh hoàn
Giai đoạn đầu của u tinh hoàn thường không có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ thấy tinh hoàn to và rắn khi sờ nắn bằng mấy đầu ngón tay, cũng có thể không đau hoặc hơi đau. Đôi khi có cảm giác nằng nặng ở bìu, đau ở vú kèm theo sốt.
Nếu được phát hiện sớm thì đối với thể u tinh hoàn thường gặp nhất là ung thư tuyến tinh (Seminoma) thì tỷ lệ chữa khỏi có thể gần 100%. Nếu không được điều trị sớm, các tế bào ung thư có thể lan theo hệ bạch huyết đến các hạch bạch huyết ở bụng, ngực, cổ và cuối cùng là phổi.
Kết quả sau sinh thiết tinh hoàn giúp bác sĩ xác định khối u đó có ác tính (ung thư) hay lành tính (không ung thư) từ đó có hướng điều trị phù hợp.
2.3 Điều trị u tinh hoàn
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là điều trị chính cho gần như tất cả các giai đoạn và các loại ung thư tinh hoàn. Để loại bỏ u tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật rạch một vết mổ ở háng. Sẽ được mê trong phẫu thuật. Tất cả các thủ tục phẫu thuật thực hiện có nguy cơ chảy máu, đau đớn và nhiễm trùng.
- Cũng có thể phải phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết ở bẹn. Đôi khi quá trình này này được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Trong trường hợp khác có thể được thực hiện sau đó. Các hạch bạch huyết được loại bỏ thông qua một vết mổ ở bụng.
- Ngoài ra, để điều trị ung thư tinh hoàn, bệnh nhân còn phải áp dụng thêm phương pháp xạ trị và hóa trị.
Nam giới có thể tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách dùng 2 tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn, nhằm kiểm tra xem có bất kỳ u bướu gì bất thường không. Nếu thấy có những biểu hiện bất thường như: Tinh hoàn đau, có u nhỏ, tinh hoàn không nhẵn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám. Để tìm ra nguyên nhân và có những chỉ định điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.