Sinh thiết tuyến tiền liệt là kỹ thuật y khoa lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt để kiểm tra dưới kính hiển vi, giúp bác sĩ xác định có sự tồn tại của ung thư hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là thủ thuật y tế, không phải phương pháp điều trị. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán cụ thể sau khi có kết quả sinh thiết.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm ở vị trí ngay dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tham gia vào quá trình sản xuất tinh dịch.
Sinh thiết tuyến tiền liệt là thủ thuật y tế nhằm thu thập mẫu mô từ tuyến tiền liệt để kiểm tra dưới kính hiển vi (giải phẫu bệnh lý). Mục đích chính là xác định sự hiện diện của tế bào ung thư. Thủ thuật này được chỉ định khi có kết quả nghi ngờ ung thư tiền liệt tuyến từ các xét nghiệm sàng lọc (xét nghiệm máu hoặc khám trực tràng).

2. Khi nào cần thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến?
Thủ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến có thể được bác sĩ chỉ định khi xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (Prostate Specific Antigen - PSA) trong máu cho thấy kết quả tăng cao hoặc trong quá trình khám trực tràng phát hiện có khối u bất thường.
Ngoài ra, sinh thiết tiền liệt tuyến cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Kết quả sinh thiết trước bình thường nhưng nồng độ PSA vẫn cao.
- Kết quả sinh thiết trước đây phát hiện tế bào bất thường nhưng chưa phải ung thư.
Khám trực tràng là thủ thuật y tế mà bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào trực tràng để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt có sưng to hoặc xuất hiện khối u bất thường hay không.
Trước khi sinh thiết, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân thực hiện siêu âm tuyến tiền liệt.
3. Các kĩ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến
Các kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt gồm:
- Sinh thiết qua thành hậu môn: Đây là kỹ thuật phổ biến nhất. Sử dụng kim sinh thiết xuyên qua thành hậu môn để lấy mẫu mô tuyến tiền liệt.
- Sinh thiết qua đáy chậu: Kim sinh thiết đi qua da vùng đáy chậu (giữa hậu môn và bìu) để vào tuyến tiền liệt.
- Sinh thiết qua niệu đạo: Sử dụng ống soi bàng quang đưa vào niệu đạo, sau đó lấy mẫu mô tuyến tiền liệt.
Sinh thiết tiền liệt tuyến có thể sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để hỗ trợ quá trình thực hiện.
4. Những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sinh thiết
Sinh thiết tiền liệt tuyến cũng như bất kì thủ thuật y tế nào khác, tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Dưới đây là một số rủi ro thường gặp:
4.1 Chảy máu
- Chảy máu trực tràng: Đây là biến chứng phổ biến nhất sau sinh thiết.
- Có máu trong tinh dịch: Sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt, nam giới thường gặp hiện tượng có máu trong tinh dịch, khiến tinh dịch có màu đỏ. Tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể kéo dài vài tuần.
- Máu trong nước tiểu: Có thể xuất hiện, tuy nhiên thường chỉ là lượng nhỏ.

4.2 Khó tiểu tiện
Một số bệnh nhân sau sinh thiết tiền liệt tuyến có thể gặp khó khăn khi đi tiểu, tuy nhiên, rất hiếm khi phải đặt ống thông dẫn lưu bàng quang qua niệu quản.
4.3 Nhiễm trùng
Nguy cơ nhiễm trùng đường niệu hoặc tuyến tiền liệt sau khi thực hiện sinh thiết khá thấp.
5. Chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết
- Trước khi thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần tham vấn kỹ với bác sĩ mọi thắc mắc và ký cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.
- Nếu có bất kỳ dị ứng hoặc mẫn cảm với bất cứ thứ gì, bệnh nhân cần khai báo với bác sĩ.
- Bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh lý, thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, nhất là thuốc chống đông máu.
- Ngoài ra, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể dựa trên kỹ thuật sinh thiết dự định và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

6. Chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết
Việc chăm sóc sau sinh thiết tuyến tiền liệt phụ thuộc vào kỹ thuật sinh thiết đã thực hiện và tình trạng bệnh nhân. Các thông tin sẽ được bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể.
Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể thấy mót tiểu hoặc mót rặn. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường và sẽ tự khỏi sau vài tiếng. Ngoài ra, việc xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân trong vài ngày, cũng như có máu lẫn trong tinh dịch trong vài tuần sau khi sinh thiết cũng là điều bình thường.

Mặt khác, khu vực lấy mẫu có thể gây sưng đau trong vài ngày. Bệnh nhân nên uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng này.
Cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bản thân có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Máu xuất hiện bất thường trong nước tiểu hoặc phân.
- Đau vùng hông hoặc khung chậu.
- Khó khăn khi đi tiểu.
- Thay đổi màu sắc nước tiểu, nước tiểu có mùi hôi hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng.
- Sốt và/ hoặc kèm theo rét run.
7. Kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt
Sau khi nhận kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết, đưa ra các hướng dẫn phù hợp cho bệnh nhân, gồm theo dõi sức khỏe định kỳ, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết hoặc thảo luận về các phương án điều trị phù hợp.
Mục tiêu cuối cùng của bác sĩ là đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho từng trường hợp bệnh nhân. Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ.
8. Chi phí sinh thiết tuyến tiền liệt là bao nhiêu?
Chi phí sinh thiết tiền liệt tuyến không đồng nhất giữa các cơ sở y tế, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Phương pháp sinh thiết: Sinh thiết bằng phương pháp cắt ngang với sự hỗ trợ của hình ảnh siêu âm tại bệnh viện uy tín thường có giá dao động từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng.
- Trang thiết bị và máy móc.
- Trình độ bác sĩ.
- Chất lượng dịch vụ.
Do vậy, mức giá trên chỉ mang tính tham khảo. Để có được thông tin chính xác nhất, bệnh nhân nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và báo giá cụ thể.
9. Sinh thiết tiền liệt tuyến mất bao lâu và có đau không?
Thời gian thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến có thể thay đổi tùy theo kỹ thuật sử dụng.
Ví dụ: Khi sử dụng phương pháp cắt ngang, bác sĩ có thể lấy 10-12 mẫu từ các vị trí khác nhau trong tuyến tiền liệt, bao gồm cả vùng nghi ngờ. Quá trình này thường mất 20-30 phút.
Thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt thường không gây đau đớn khi thực hiện vì bệnh nhân được sử dụng thuốc gây tê hoặc gây mê. Tuy nhiên, sau thủ thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức tại vị trí sinh thiết trong vài ngày.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc giảm đau phù hợp. Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh aspirin và một số loại thuốc giảm đau khác vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
XEM THÊM: