Công dụng thuốc Carbosin

Carbosin thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch. Thuốc Carbosin sử dụng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch. Để nắm rõ liều lượng dùng thuốc nhằm hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân hãy tham khảo nội dung dưới đây.

1. Carbosin là thuốc gì?

Carbosin là một sản phẩm do trực tiếp Pharmachemie BV. - HÀ LAN sản xuất với số hiệu đăng ký VN-13628-11. Thành phần chính của thuốc là Carboplatin với hàm lượng 10mg/ml hỗ trợ điều trị ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư phổi,...

Thuốc Carbosin được bào chế dưới dạng dung dịch đậm đặc pha dịch truyền, đóng trong hộp 1 lọ 15ml. Thuốc Carbosin bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8°C, không được để đông hay ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.

2. Carbosin có tác dụng gì?

Thuốc Carbosin được chỉ định cho những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị ung thư buồng trứng từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối, tái phát, di căn sau điều trị;
  • Bệnh nhân bị ung thư ở cổ và đầu;
  • Bệnh nhân bị ung thư phổi (cả tế bào nhỏ lẫn tế bào không nhỏ);
  • Bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn;
  • Bệnh nhân mắc bệnh ung thư bàng quang;
  • Bệnh nhân bị u não, u wilms, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc.

3. Chống chỉ định của thuốc Carbosin

Thuốc Carbosin chống chỉ định cho những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Carbosin.
  • Bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Bệnh nhân bị suy tủy nặng.
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng.
  • Bệnh nhân có khối u chảy máu.

4. Liều dùng – cách sử dụng thuốc Carbosin

Để công dụng thuốc Carbosin phát huy hiệu quả cao nhất, bệnh nhân cần nắm rõ cách sử dụng và liều lượng dùng thuốc.

4.1. Cách dùng thuốc Carbosin

  • Thuốc Carbosin được truyền tĩnh mạch trong 15 phút hoặc lâu hơn. Có thể truyền liên tục trong thời gian 24 giờ. Lưu ý: Thuốc Carbosin không có chất chống khuẩn. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, việc tiêm truyền phải hoàn tất trong thời gian tối đa 24 giờ, sau đó bỏ đi phần dư thừa.
  • Có thể pha loãng thuốc Carbosin với dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch Dextrose 5%.
  • Thận trọng khi pha thuốc: Tuyệt đối không để thuốc Carbosin dây bẩn lên da và thuốc bắn vào mắt có thể dẫn tới mù.
  • Tiêm thuốc Carbosin vào trong mạch máu. Nếu tiêm ngoài mạch có thể dẫn tới hoại tử.

4.2. Liều lượng dùng thuốc Carbosin

  • Liều Carbosin khởi đầu dựa vào diện tích bề mặt cơ thể, thông thường 300 – 450mg/m2. Hoặc theo công thức: Tổng liều (mg) = AUC đích (mg/ml/phút) x Cl carboplatin (ml/phút).
  • Tổng liều cao có thể tới 1.600mg/m2 chia đều vài ngày. Liều lặp lại sau ít nhất 4 tuần.
  • Đối với bệnh ung thư buồng trứng: Liều khởi đầu ở người lớn là 300mg/m2. Liều kế tiếp phải sau 4 tuần hoặc lâu hơn nếu độc tính trong máu hồi phục chậm. Tổng đợt điều trị khoảng 6 lần.
  • Đối với bệnh ung thư buồng trứng tái phát: Liều khởi đầu 360mg/m2. Liều kế tiếp phải sau 4 tuần hoặc lâu hơn nếu độc tính trong máu hồi phục chậm.
  • Liều Carbosin cho bệnh nhân suy thận: Trường hợp độ thanh thải creatinin dưới 60 ml/phút, cần giảm liều. Trường hợp độ thanh thải creatinin là 41 – 59 ml/phút, liều lượng khởi đầu 250mg/m2. Trường hợp độ thanh thải creatinin 16 – 40ml/phút, liều lượng khởi đầu 200mg/m2.

5. Xử lý quá liều – quên liều Carbosin

Trường hợp quên liều Carbosin: Thuộc nhóm thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư theo đường tiêm truyền tĩnh mạch với liều lượng sử dụng cách nhau rất xa. Vì vậy, rất khó xảy ra tình trạng quên liều.

Trường hợp quá liều Carbosin: Cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng độc, nặng nhất là suy tủy, độc gan, độc thận, thính giác, thần kinh, tiêu hóa. Khi biết quá liều, ngưng dùng thuốc và báo với bác sĩ để cấp cứu kịp thời.

6. Tác dụng phụ của thuốc Carbosin

Sử dụng đúng cách, công dụng thuốc Carbosin phát huy hiệu quả. Ngược lại, sử dụng sai liều lượng, sai cách dùng, bệnh nhân đối mặt tác dụng phụ khó lường:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Đối với máu: Suy tủy xương, giảm tiểu cầu/ bạch cầu, thiếu máu nghiêm trọng.
  • Đối với hệ tiêu hóa: Bệnh nhân nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, loét tiêu hóa, táo bón.
  • Đối với hệ thần kinh: Yếu cơ, rung giật cơ, dị cảm đầu chi, chuột rút, co giật, mất vị giác. Độc thần kinh ngoại biên, độc thần kinh trung ương, đau người, suy nhược cơ thể,...
  • Đối với tai: Ù tai, giảm thính lực.
  • Đối với thận: Tăng creatinin máu.
  • Đối với gan: Tăng chỉ số AST, phosphatase kiềm,...
  • Mất điện giải: Giảm kali huyết, natri huyết,...
  • Tác dụng phụ với tim mạch: Bệnh nhân nghẽn mạch, suy tim, bệnh mạch não.
  • Đối với hệ thống tiết niệu và sinh dục: Thoái hóa hoặc hoại tử ống thận, phù kẽ.
  • Dị ứng: Nổi mày đay, ban da, ngứa,...
  • Chỗ tiêm: Phồng, đau, đỏ, nếu tiêm ngoài mạch sẽ hoại tử.

Tác dụng phụ ít và hiếm gặp:

  • Đối với tim: Mức độ độc nặng có thể tử vong.
  • Tác dụng phụ toàn thân: Hạ huyết áp, sốc phản vệ.
  • Đối với hệ hô hấp: Bệnh nhân bị co thắt phế quản.
  • Tác dụng phụ với mắt: Thị lực bị giảm ở nhiều mức độ khác nhau.

Lưu ý: Trên đây là tác dụng phụ khi sử dụng riêng thuốc Carbosin. Nếu phối hợp với thuốc khác, mức độ tác dụng phụ cao hơn.

7. Tương tác thuốc Carbosin

Khi sử dụng cùng lúc 2 hoặc nhiều loại thuốc khác nhau, rất dễ xảy ra tương tác, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư Carbosin.

  • Chỉ sử dụng riêng thuốc Carbosin đã gây ra nhiều tác dụng phụ. Nếu phối hợp với thuốc khác, mức độ suy tủy càng nặng hơn. Nếu điều trị xạ trị sẽ làm tăng độc tính trên máu.
  • Nếu phối hợp thuốc Carbosin với Cyclophosphamid sẽ làm tăng độc tính trên máu, thần kinh, tiêu hóa, thị giác và thính giác.
  • Riêng bản thân thuốc Carbosin đã gây độc cho thận nhưng chỉ ở mức độ nhẹ đến vừa. Nếu kết hợp thêm thuốc Aminoglycosid sẽ tăng mạnh độc tính trên thận và thính giác.
  • Nếu kết hợp Carbosin với thuốc có tác dụng độc trên thính giác như thuốc Furosemid, Ifosfamid,... nguy cơ điếc rất cao.
  • Nếu kết hợp thuốc Carbosin với thuốc khác gây nôn sẽ làm tăng nôn.
  • Nếu kết hợp thuốc Carbosin với Warfarin dễ gây chảy máu.
  • giảm tác dụng của thuốc Phenytoin khi kết hợp Carbosin.

8. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Carbosin

  • Carbosin là thuốc rất độc với chỉ số điều trị thấp. Đáp ứng điều trị chỉ xảy ra khi cơ thể có biểu hiện độc. Vì vậy, sử dụng thuốc Carbosin cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ/dược sĩ và chuẩn bị sẵn phương tiện để xử lý tai biến nếu chẳng may sốc phản vệ xảy ra.
  • Khi sử dụng thuốc Carbosin, cần xét nghiệm huyết học hàng tuần vì nguy cơ suy tủy rất cao. Bạch cầu giảm khiến nhiễm khuẩn, tiểu cầu giảm khiến xuất huyết.
  • Theo dõi chặt chẽ chức năng thận, nếu suy thận nặng không được dùng thuốc Carbosin.
  • Đối với bệnh nhân cao tuổi, cụ thể là trên 65 tuổi, sử dụng thuốc Carbosin sẽ gây độc thần kinh, suy tủy, suy thận, bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu, sử dụng thuốc Carbosin sẽ gây ra tác dụng phụ: Sảy thai, quái thai, dị tật thai nhi,... Vì vậy, tuyệt đối không sử dụng thuốc Carbosin với đối tượng này. Trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc cần có sự theo dõi, giám sát từ bác sĩ/dược sĩ.
  • Carbosin sẽ truyền vào trẻ thông qua bú sữa mẹ. Vì vậy, nhóm đối tượng này không nên dùng thuốc.

Bài viết đã tổng hợp đầy đủ công dụng thuốc Carbosin và chưa xác định hết tác dụng phụ đi kèm. Vì vậy, bệnh nhân trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ tờ hướng dẫn, tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ chuyên môn. Lưu ý, Carbosin là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe