Bài được viết bởi các bác sĩ khoa Nội Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, một kế hoạch điều trị sẽ được đưa ra. Bác sĩ đôi khi sẽ đề nghị điều trị bổ trợ sau khi đã hoàn thành điều trị chính (phẫu thuật hoặc xạ trị). Đây được gọi là điều trị bổ trợ để nhằm giảm nguy cơ ung thư trở lại.
Các loại điều trị bổ trợ khác nhau được sử dụng dựa trên từng loại ung thư cũng như bản thân bệnh nhân. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về điều trị bổ trợ mà mọi người cần biết.
1. Các loại điều trị bổ trợ ung thư
Có nhiều loại điều trị bổ trợ được sử dụng ngày nay. Các phương pháp điều trị ung thư được sử dụng phổ biến nhất là:
- Điều trị bằng thuốc
- Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tất cả tế bào ung thư và tế bào lành. Bình thường thuốc được truyền qua tĩnh mạch của bệnh nhân, nhưng cũng có một số loại thuốc dạng uống. Điều trị sẽ theo chu kỳ để cơ thể hồi phục giữa các đợt.
- Điều trị hormone: Điều trị hormone ngăn chặn việc sản sinh một số hormone ảnh hưởng tới ung thư. Không phải tất cả các bệnh ung thư đều nhạy cảm với hormone, vì vậy trước tiên các bác sĩ sẽ phân tích từng trường hợp để xem có phù hợp với điều trị bổ trợ này không.
- Xạ trị: Xạ trị giết chết các tế bào ung thư bằng chùm năng lượng mạnh, tương tự như tia X. Nó nhắm mục tiêu vào khu vực ung thư ban đầu cũng như khu vực xung quanh đó. Xạ trị có thể được thực hiện bên trong hoặc bên ngoài.
- Điều trị đích: Điều trị đích hoạt động tương tự như điều trị hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sự khác biệt chính và quan trọng nhất là nó chỉ tập trung vào các tế bào ung thư thay vì ảnh hưởng đến cả những tế bào lành trong cơ thể.
- Điều trị miễn dịch: Điều trị miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư mới cho kết quả đầy hứa hẹn. Điều trị miễn dịch có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư bằng hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể.
2. Những loại ung thư nào được áp dụng điều trị bổ trợ?
Điều trị bổ trợ có lợi nhất cho các giai đoạn tiến xa hoặc ung thư di căn. Những bệnh ung thư này có thể có khối u quanh khu vực u chính, hoặc nguy cơ có tế bào ung thư ở nơi khác trong cơ thể.
Danh sách các bệnh ung thư thường được điều trị bổ trợ:
- Ung thư não;
- Ung thư đầu cổ;
- Ung thư vú;
- Ung thư phổi;
- Ung thư vòm họng;
- Ung thư tuyến tụy;
- Ung thư đại trực tràng;
- Ung thư tuyến tiền liệt;
- Ung thư cổ tử cung;
- Ung thư nội mạc tử cung;
- Ung thư buồng trứng;
- Ung thư bàng quang;
- Ung thư tinh hoàn.
3. Điều trị bổ trợ ung thư dành cho những đối tượng nào?
Điều trị bổ trợ không áp dụng cho tất cả mọi người vì nó yêu cầu người bệnh cần có thể trạng sức khỏe nhất định.
Điều trị ung thư là rất khó khăn, và không phải mọi bệnh nhân với bất kỳ thể trạng nào cũng có thể được điều trị bổ trợ. Vì lý do này, người bệnh cần thảo luận về các lựa chọn với bác sĩ.
Các chuyên gia về ung thư cho biết đối tượng lý tưởng để điều trị bổ trợ sẽ được hưởng lợi từ việc điều trị thêm, đủ để vượt qua những hạn chế là các tác dụng phụ tiềm ẩn và sự bất tiện của việc điều trị.
Thí dụ như đối với bệnh ung thư vú, một ứng cử viên tốt sẽ là một bệnh nhân ung thư vú trẻ đã di căn sang một số lượng lớn các hạch bạch huyết ở nách.
Trong trường hợp này phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ khối u trong vú và các hạch bạch huyết ở nách. Bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao bị ung thư quay lại cả trong các hạch/vú còn lại và lan đến các cơ quan khác như não, phổi, hoặc xương.
Vì vậy sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được xạ trị bổ trợ vào vú và các hạch bạch huyết (để giảm nguy cơ ung thư quay trở lại ở vú và các hạch bạch huyết), ngoài ra hóa trị liệu bổ trợ (để giảm nguy cơ ung thư quay trở lại trong các cơ quan như não, phổi hoặc xương) cũng rất cần thiết. Hóa trị có thể đi kèm các thuốc sinh học nếu người bệnh có thụ thể Her-2 dương tính. Điều trị kháng nội tiết kéo dài sẽ áp dụng cho những bệnh nhân may mắn có thụ thể nội tiết dương tính.
Nhưng điều quan trọng là bệnh nhân phải đủ sức khỏe để điều trị bổ trợ ung thư, bác sĩ Hanna Lưu là chuyên gia về ung thư vú và CEO của OncoGambit nói. "Một bệnh nhân lý tưởng để xem xét điều trị bổ trợ là bệnh nhân có nguy cơ tái phát ung thư từ trung bình đến cao, không có bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào khác như bệnh tim hoặc gan, và với tình trạng hoạt động tốt", bác sĩ Lưu nói. "Chúng tôi xác định tình trạng hoạt động của bệnh nhân bằng hệ thống phân loại theo ECOG”, được xếp như sau:
- ECOG 0: Hoàn toàn chủ động, có thể thực hiện mọi hoạt động;
- ECOG 1: Hạn chế trong hoạt động nặng nhưng có thể thực hiện công việc nhà nhẹ, công việc văn phòng;
- ECOG 2: Có khả năng tự chăm sóc nhưng không thể thực hiện bất kỳ công việc nào;
- ECOG 3: Có khả năng chăm sóc bản thân nhưng hạn chế, bị bó hẹp trên giường hoặc ghế hơn 50 thời gian trong ngày;
- ECOG 4: Hoàn toàn không thể tự chăm sóc bản thân, bị bó hẹp trên giường hoặc ghế.
4. Tác dụng phụ của điều trị bổ trợ ung thư
Tác dụng phụ với điều trị bổ trợ phụ thuộc vào loại điều trị được đưa ra. Điều trị bổ trợ thậm chí có thể được tăng cường tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân và những điều trị khác đang tiếp nhận.
Hiểu về điều trị sẽ cho phép bệnh nhân chuẩn bị kỹ càng. Hóa trị có thể mất vài tháng để hoàn thành và khiến bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân vào thời điểm đó. Một số chuẩn bị nên được thực hiện để bệnh nhân có thêm hỗ trợ tại nhà và trong quá trình điều trị. Họ có thể cần phải nghỉ học hoặc nghỉ làm.
Melissa Thompson, một người sống sót sau ung thư vú gần đây và là đại diện của Ủy ban Tư vấn cho Bệnh nhân và Gia đình tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, đã trải qua điều trị hóa trị sau phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú chỉ vài tuần sau khi sinh đứa con đầu lòng. Cô đưa ra lời khuyên về cách chuẩn bị điều trị bổ trợ cho các bệnh nhân khác.
"Hóa trị chỉ là một chương trong một câu chuyện lớn. Vào thời điểm đó, tôi có cảm giác như nó không bao giờ kết thúc. Vì ảnh hưởng của hóa trị được tích lũy, mỗi ngày trôi qua đều cảm thấy khó khăn hơn về thể chất và tâm lý. Những người bệnh cần biết rằng sẽ có một ánh sáng ở cuối đường hầm và cùng với đó là cuộc sống và sự lạc quan".
Bệnh nhân nên nói chuyện thường xuyên với nhóm chăm sóc ung thư về cảm giác trong và sau khi điều trị chính. Điều này giúp nhóm nghiên cứu đảm bảo phân loại ung thư một cách chính xác.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải hỏi về tác dụng phụ tiềm ẩn và những gì cần chuẩn bị. Nếu điều trị bổ trợ là quá nhiều cho bệnh nhân, bác sĩ cần được biết trước khi thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch điều trị.
5. Có sự thay thế nào cho điều trị bổ trợ ung thư không?
Không có sự thay thế thực sự cho điều trị bổ trợ ung thư. Dựa trên nguy cơ ung thư trở lại trong từng trường hợp, các bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị bổ trợ nhẹ hơn so với những người khác, nhưng đó là một quyết định phải dựa trên từng cá nhân.
Mặc dù không có cách nào khác thay thế cho điều trị bổ trợ, nhưng một lối sống lành mạnh được khuyến nghị.
Có một số điều mà bệnh nhân có thể thực hiện để tăng cơ hội sống của mình. Một lối sống lành mạnh dựa trên dinh dưỡng tốt và vận động thường xuyên có thể giúp những người mắc bệnh ung thư sống lâu hơn.
"Hiện tại không có lựa chọn thay thế cho điều trị bổ trợ, nhưng điều trị bổ sung có thể được khuyến nghị cho bệnh nhân", bác sĩ Lưu giải thích. "Mặc dù dữ liệu còn hạn chế, chế độ ăn kiêng bao gồm 80% trái cây và rau quả và tập thể dục vừa phải bao gồm 300 phút hoạt động mỗi tuần đã được chứng minh là cải thiện khả năng sống còn ở bệnh nhân ung thư, bao gồm cả những người với giai đoạn tiến xa."
Thiền, yoga và châm cứu có thể làm giảm bớt một số tác dụng phụ liên quan đến việc điều trị, do đó các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động này.
Bệnh nhân ung thư có thể lựa chọn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Vinmec cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết cho người bệnh ung thư bao gồm: hoá trị, xạ trị, điều trị ngoại khoa, điều trị nội khoa, ghép tế bào gốc...; đồng thời giúp kiểm soát các cơn đau bằng cách vật lý trị liệu, phong bế thần kinh ngoại biên, phong bế giao cảm,...
Đặc biệt, Vinmec quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môn Ung bướu - xạ trị được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medical.new