Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư

Rối loạn lo âu là vấn đề phổ biến và rất dễ xảy ra khi người bệnh phát hiện bị ung thư. Nhiều bệnh nhân đã mắc chứng trầm cảm, vì vậy cần phải phối hợp điều trị các vấn đề về tinh thần, rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư

1. Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư là gì?

Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư rất dễ xảy ra khi người bệnh thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi về sự kiện, tình huống nào đó sẽ xảy ra sau khi chẩn đoán bị ung thư. Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư có thể là sự lo âu về những vấn đề sau:

  • Phát hiện khối u, xuất hiện triệu chứng của bệnh.
  • Làm xét nghiệm điều trị ung thư.
  • Nghĩ về việc phải thường xuyên đến bệnh viện hoặc ở bệnh viện lâu để điều trị.
  • Phương pháp điều trị ung thư, tác dụng phụ có thể gặp phải.
  • Khả năng tái phát, di căn của khối u, thậm chí là đối mặt với cái chết.

Nguy cơ bị rối loạn lo âu ung thư cao hơn nếu người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh trầm cảm cũng như rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, sau khi phát hiện bị ung thư, người bệnh không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ về mặt cảm xúc của người thân, bạn bè hoặc phải đối mặt với gánh nặng tài chính liên quan đến điều trị ung thư thì cũng có thể bị rối loạn lo âu.

2. Biểu hiện rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư?

Nhận biết biểu hiện rối loạn lo âu hoặc trầm cảm khi bị ung thư là việc làm cần thiết và là cơ sở để điều trị. Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư được chia làm hai mức độ là cấp tính và mãn tính.

Bệnh nhân bị rối loạn lo âu cấp tính có biểu hiện lo lắng, sợ hãi với cường độ mạnh hơn, thờ ơ, không quan tâm đến xung quanh hoặc bản thân, hồi hộp, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, tăng huyết áp, đổ mồ hôi, chóng mặt, ớn lạnh, run sợ, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.

Những biểu hiện của rối loạn lo âu cấp tính có thể xuất hiện thường xuyên trong thời gian ngắn. Nếu những triệu chứng nêu trên xuất hiện cùng một lúc, một cơn hoảng loạn đột ngột có thể xuất hiện. Hoảng loạn là triệu chứng rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư nghiêm trọng và đáng báo động. Khi đó, người bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu sốc và cần được xử trí cấp cứu.

Rối loạn lo âu mãn tính có biểu hiện lo lắng quá mức trong thời gian dài, bồn chồn, căng cơ, khó tập trung, mất ngủ, mệt mỏi, hay cáu gắt.


Rối loạn lo âu có biểu hiện lo lắng quá mức, bồn chồn, khó tập trung
Rối loạn lo âu có biểu hiện lo lắng quá mức, bồn chồn, khó tập trung

3. Điều trị rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư

Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư cần được tầm soát sau khi chẩn đoán và trong quá trình điều trị để kịp thời phát hiện. Điều trị rối loạn lo âu nằm trong điều trị ung thư, vì lo âu có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư.

Tùy vào triệu chứng, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của rối loạn lo âu ung thư đối với cuộc sống, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị phù hợp. Khi thực hiện tầm soát, bệnh nhân được khuyến khích truyền đạt rõ ràng cho nhân viên y tế về cảm xúc của bản thân, điều gì gây ra nỗi lo sợ, có biểu hiện như thế nào và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ra sao.

Điều trị rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều liệu pháp sau với nhau:

  • Kỹ thuật thư giãn: Có thể chọn một trong những bài tập như hít thở sâu, giãn cơ, thiền, yoga, tưởng tượng theo hướng dẫn để thực hiện và thư giãn. Có thể kết hợp kỹ thuật thư giãn với các liệu pháp điều trị rối loạn lo âu ung thư khác hoặc không.
  • Liệu pháp tâm lý: Các chuyên gia sức khỏe về tâm lý sử dụng công cụ để cải thiện những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh.
  • Dùng thuốc: Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu ở mức độ từ trung bình trở lên có thể được chỉ định dùng thuốc để điều trị. Vì vậy, bệnh nhân ung thư cần cho bác sĩ biết về các loại thuốc điều trị cũng như thảo dược, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Dùng thuốc thường kết hợp với liệu pháp tâm lý để việc điều trị đạt hiệu quả. Thời gian dùng thuốc điều trị các vấn đề về tâm lý thường từ 6 - 8 tuần.

4. Làm thế nào để hạn chế tình trạng rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư?

Để hạn chế tình trạng rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư, chúng ta có thể:

  • Khuyến khích (nhưng không gượng ép) người bệnh trò chuyện để chia sẻ, giải tỏa cảm giác lo lắng, sợ hãi.
  • Giải thích cảm xúc lo lắng, buồn rầu, thất vọng là hoàn toàn tự nhiên và có thể gặp ở bất kỳ ai, không chỉ riêng bệnh nhân ung thư.
  • Khuyên người bệnh không nên che giấu cảm xúc lo lắng, nỗi sợ hãi của bản thân.
  • Lắng nghe, bày tỏ sự đồng cảm và ý muốn được giúp đỡ người bệnh, coi trọng cũng như chia sẻ cảm xúc của người bệnh.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ thêm.
  • Thăm khám với chuyên gia tâm lý là việc làm cần thiết để tránh rối loạn lo âu ung thư, ảnh hưởng đến quá trình điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Do đó, rối loạn lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân ung thư cần được tầm soát, phát hiện và chữa trị để không ảnh hưởng đến điều trị bệnh ung thư.


Thăm khám với chuyên gia tâm lý là việc làm cần thiết để tránh rối loạn lo âu ung thư
Thăm khám với chuyên gia tâm lý là việc làm cần thiết để tránh rối loạn lo âu ung thư

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe