Nguyên tắc sử dụng thuốc chống viêm không steroid cần nhớ

Thuốc chống viêm không steroid có tác dụng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm... Nhóm thuốc có nhiều công dụng trong điều trị, nhưng việc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid cần được chỉ định từ bác sĩ bởi nguy cơ gặp các tác dụng phụ tăng cao nếu người bệnh lạm dụng và sử dụng thuốc không đúng cách.

1. Thuốc kháng viêm không steroid là gì?

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc bao gồm các hoạt chất không chứa nhân steroid có tác dụng kháng viêm. Các thuốc trong nhóm bao gồm các dẫn chất có thành phần hóa học khác nhau nhưng có chung cơ chế tác dụng là ức chế các chất hóa học trung gian gây viêm (quan trọng nhất là prostaglandine). Phần lớn các thuốc trong nhóm cũng có tác dụng hạ sốt và giảm đau.

Cơ chế tác dụng hạ sốt, giảm đau và kháng viêm của các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid như sau:

  • Cơ chế hạ sốt: Thuốc ức chế prostaglandin synthetase làm giảm tổng hợp prostaglandin E1 và E2, từ đó ức chế quá trình sinh nhiệt, tăng cường thải nhiệt và thiết lập cân bằng cho trung tâm điều nhiệt. Ở liều điều trị, thuốc có tác dụng hạ sốt khi cơ thể bị sốt do bất kỳ nguyên nhân nào và chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không gây hạ thân nhiệt ở người không sốt;
  • Cơ chế giảm đau: Các thuốc chống viêm không steroid có tác dụng giảm đau từ nhẹ đến trung bình, vị trí tác dụng của thuốc là ở các receptor cảm giác ngoại vi. Thuốc hiệu quả với các loại đau (nhất là các cơn đau do viêm). Khác với thuốc giảm đau trung ương (nhóm opiat), các NSADs không có tác dụng giảm đau mạnh, không giảm đau sâu trong nội tạng, không gây ức chế hô hấp và không gây lệ thuộc thuốc khi dùng kéo dài. Thuốc có tác dụng giảm đau theo cơ chế làm giảm tổng hợp Prostaglandin F2, làm giảm tính cảm thụ của ngọn dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau của phản ứng viêm như Serotonin, Bradykinin...;
  • Cơ chế kháng viêm: Các thuốc kháng viêm không steroid đều ức chế enzym cyclooxygenase (COX), ngăn cản tổng hợp prostaglandin (chất trung gian hóa học gây viêm), do đó làm giảm quá trình gây viêm. Ngoài ra, các thuốc này còn có tác dụng đối kháng với hệ enzym phân hủy protein, ngăn cản quá trình biến đổi protein làm bền vững màng lysosom và đối kháng tác dụng của các chất trung gian hóa học như bradykinin, histamin, serotonin, ức chế hóa hướng động bạch cầu, ức chế sự di chuyển của bạch cầu tới ổ viêm.

Các thuốc kháng viêm không steroid được chia thành 2 nhóm chính:

  • Nhóm ức chế COX không chọn lọc: Piroxicam, Diclofenac, Ibuprofen...Các thuốc trong nhóm này gây nhiều tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa;
  • Nhóm ức chế ưu thế trên COX – 2: Celecoxib, Meloxicam, Etoricoxib... Các thuốc này có ưu thế là tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa thấp, tuy nhiên cần thận trọng ở các trường hợp người mắc bệnh lý tim mạch như bệnh lý mạch vành, suy tim sung huyết...

2. Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid

Một số nguyên tắc sử dụng thuốc chống viêm không steroid như sau:

  • Khởi đầu điều trị bằng các thuốc ít tác dụng phụ nhất. Việc lựa chọn loại thuốc cụ thể phụ thuộc vào từng tình trạng của người bệnh. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở các đối tượng có nguy cơ cao như bệnh lý tim mạch, tiền sử đau dạ dày, suy thận, suy gan, dị ứng, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai...;
  • Khởi đầu điều trị bằng liều thuốc thấp nhất có hiệu quả, không vượt quá liều tối đa và liều thuốc duy trì tối thiểu có hiệu quả. Điều trị bằng thuốc trong thời gian ngắn nhất có thể;
  • Theo dõi các tai biến trên gan, dạ dày, máu, thận, dị ứng...;
  • Không phối hợp sử dụng 2 hoặc nhiều thuốc kháng viêm không steroid, bởi việc kết hợp các thuốc trong nhóm không làm tăng hiệu quả điều trị mà ngược lại còn làm tăng tác dụng không mong muốn;
  • Thuốc dùng bằng đường tiêm bắp không dùng quá 3 ngày. Để giảm ảnh hưởng trên đường tiêu hóa nên dùng thuốc sau bữa ăn;
  • Đối với người bệnh có nguy cơ cao trên đường tiêu hóa cần điều trị dự phòng biến chứng tiêu hóa khi dùng thuốc kháng viêm không steroid.

3. Nguyên tắc sử dụng steroid ở người có nguy cơ biến chứng tiêu hóa

3.1. Đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng tiêu hóa

Nguy cơ cao:

  • Người bệnh là nữ, trên 60 tuổi; người bệnh có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, người bệnh có tiền sử xuất huyết tiêu hóa cao, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng viêm không steroid liều cao, người bệnh đang điều trị kết hợp 2 loại thuốc kháng viêm không steroid, người bệnh đang điều trị kết hợp với Aspirin liều thấp.

Nguy cơ trung bình:

  • Người bệnh là nữ, trên 55 tuổi; người bệnh có tiền sử triệu chứng trên đường tiêu hóa (đầy hơi, đau thượng vị, ợ chua, ợ hơi, chậm tiêu), người uống rượu, hút thuốc lá, nhiễm vi khuẩn HP, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém.

3.2. Nguyên tắc dự phòng biến chứng tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid

Sau đây là nguyên tắc dự phòng biến chứng tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid:

  • Sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian điều trị ngắn nhất có thể.
  • Ưu tiên điều trị bằng thuốc ức chế chọn lọc COX – 2 như Etoricoxib, Celecoxib hoặc các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt như Piroxicam – Beta – Cyclodextrin..
  • Điều trị kèm thêm các thuốc ức chế bơm proton: Giúp tăng hiệu quả dự phòng, điều trị tổn thương dạ dày – tá tràng do thuốc kháng viêm không steroid.
  • Không dự phòng tổn thương dạ dày do các NSAIDs bằng thuốc kháng acid dạng gel có chứa alumin, bởi các thuốc này có tác dụng với cơn đau bỏng rát hoặc tình trạng khó chịu do acid gây ra ở thực quản, dạ dày song không có tác dụng dự phòng. Ngoài ra, chúng còn gây cản trở hấp thu các thuốc khác.

4. Nguyên tắc sử dụng thuốc chống viêm không steroid ở người có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch

  • Trường hợp người bệnh đang điều trị Aspirin, uống Aspirin trước khi dùng thuốc kháng viêm không steroid ít nhất 2 giờ (đặc biệt là Ibuprofen).
  • Không điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid trong 3 – 6 tháng nếu người bệnh có can thiệp tim mạch hoặc có bệnh lý tim mạch cấp.
  • Kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mức huyết áp.
  • Sử dụng thuốc ở liều thấp, lựa chọn loại thuốc có thời gian bán thải ngắn và tránh các thuốc giải phóng chậm.

5. Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid ở người mắc bệnh khớp

Nguy cơ thấp:

  • Người bệnh dưới 65 tuổi, người không mắc bệnh lý tim mạch, người mắc bệnh khớp không đòi hỏi sử dụng thuốc NSAIDs liều cao và kéo dài, không dùng kết hợp với Corticoid hoặc Aspirin: Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid kinh điển liều thấp nhất có hiệu quả, thời gian bán thải ngắn nhất.

Nguy cơ trung bình:

  • Người bệnh trên 65 tuổi, cần điều trị thuốc kháng viêm không steroid liều cao kéo dài, không có tiền sử hoặc biến chứng viêm loét trên đường tiêu hóa: Khuyến cáo điều trị bằng Celecoxib uống mỗi ngày một lần, kết hợp điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc ức chế thụ thể H2 liều cao;
  • Người bệnh có nguy cơ tim mạch thấp, có thể đang điều trị bằng Aspirin với mục đích dự phòng: Nếu cần điều trị bằng Aspirin thì cần dùng liều thấp (75 – 81mg/ngày);
  • Người bệnh cần điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid liều cao kéo dài: Nếu phải điều trị kết hợp với Aspirin cần dùng thuốc NSAIDs cổ điển ít nhất 2 giờ trước khi điều trị bằng Aspirin.

Nguy cơ cao:

  • Người cao tuổi tăng huyết áp, gầy yếu hoặc có bệnh lý gan, thận kèm theo: Tránh sử dụng thuốc kháng viêm không steroid nhất có thể, chỉ định Paracetamol liều thấp hơn 3g/ngày;
  • Người bệnh có tiền sử loét đường tiêu hóa hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ trên đường tiêu hóa: Điều trị bằng thuốc NSAIDs ngắt quãng;
  • Người bệnh có tiền sử tim mạch và đang điều trị bằng Aspirin hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu nhằm dự phòng: Điều trị bằng thuốc NSAID liều thấp (loại thuốc có thời gian bán thải ngắn);
  • Người bệnh có tiền sử suy tim: Chỉ điều trị bằng thuốc NSAID khi thực sự cần thiết, theo dõi và quản lý huyết áp chặt chẽ, theo dõi điện giải đồ và creatinin;
  • Người bệnh có nguy cơ trên đường tiêu hóa lớn hơn nguy cơ trên tim mạch: Chỉ định dùng celecoxib mỗi ngày một lần kết hợp với thuốc Misoprostol hoặc thuốc ức chế bơm proton;
  • Người bệnh có nguy cơ trên tim mạch lớn hơn nguy cơ trên đường tiêu hóa: Chỉ định dùng Naproxen uống kết hợp với thuốc ức chế bơm proton.

Nhóm thuốc chống viêm không steroid tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm nên được chỉ định trên lâm sàng trong điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là trên hệ tiêu hóa. Vì vậy người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ, nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe