Viêm đa khớp ảnh hưởng cùng một lúc nhiều khớp, gây đau, cứng và sưng khớp... Từ đó tác động tiêu cực đến việc vận động, sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Tìm hiểu được những thông tin cơ bản như nguyên nhân, biểu hiện của bệnh viêm đa khớp sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân dự phòng và điều trị bệnh lý này được hiệu quả hơn.
1. Bệnh viêm đa khớp là gì ?
Viêm đa khớp là bệnh lý gây sưng đau và viêm đồng thời ở nhiều khớp xương trên cơ thể cùng một lúc. Thông thường, nếu có từ 4 khớp trở lên bị viêm, sưng đau thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm đa khớp. Bệnh viêm đa khớp có thể xuất hiện ở dạng cấp tính, sau đó dần dần chuyển thành mãn tính nếu tình trạng bệnh liên tục và kéo dài hơn 6 tuần mà không được điều trị hợp lý.
Viêm đa khớp thường xảy ra ở các khớp nhỏ, chẳng hạn như viêm khớp cổ tay, viêm khớp khuỷu tay, khớp bàn tay, hoặc ngón tay, viêm khớp đầu gối, bàn chân, ngón chân, viêm khớp vai. Lúc này, bệnh sẽ gây tổn thương đến các khớp mà cụ thể là phần đầu xương dưới sụn và màng hoạt dịch dẫn tới tình trạng đau buốt và nhức mỏi dai dẳng.
2. Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm đa khớp
Những đối tượng dễ mắc bệnh lý viêm đa khớp thường liên quan đến những yếu tố như:
- Lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
- Tuổi tác: Nguy cơ viêm đa khớp càng tăng ở những bệnh nhân trung niên và người cao tuổi.
- Giới tính: Theo thống kê từ các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nữ mắc viêm đa khớp cao hơn nhiều so với nam.
- Di truyền: Bệnh nhân có tiền sử gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột bị viêm đa khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
- Môi trường sinh sống: Ẩm thấp, nhiệt độ lạnh...
3. Nguyên nhân gây viêm đa khớp
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nên bệnh lý viêm đa khớp bao gồm viêm đa khớp nguyên phát và viêm đa khớp thứ phát.
Về viêm đa khớp nguyên phát, nguyên nhân của tình trạng viêm đa khớp thường bắt nguồn từ quá trình lão hóa của cơ thể. Quá trình này làm các tế bào xương khớp bị suy yếu đi, từ đó làm giảm các chân năn hoạt động của khớp, mất đi tính phục hồi và làm các khớp bị cứng, khó chịu và sưng đau khi vận động.
Viêm đa khớp thứ phát thường liên quan đến những nguyên nhân dưới đây:
- Viêm đa khớp do nhiễm virus: Viêm gan B, viêm gan C, bệnh sởi, Virus Ross River từ muỗi gây ra quai bị, HIV, Parvovirus B19...
- Viêm khớp không đối xứng: Bệnh nhân bị bệnh Gout, viêm khớp phản ứng (xảy ra do các phản ứng của cơ thể với các loại vi khuẩn hay virus), viêm khớp do vảy nến...
- Viêm khớp đối xứng: Viêm do phản ứng thuốc, viêm khớp tự phát, viêm khớp dạng thấp kinh niên, viêm khớp Juvenile, bệnh nhân mắc bệnh Lupus...
- Do bệnh chuyển hóa: Suy chức năng gan, suy chức năng thận, bệnh thống phong giả hình thành các tinh thể bao quanh khớp...
- Do bệnh lý nhiễm trùng: Bệnh lao, bệnh Well, bệnh Whipple, bệnh Lyme...
- Thoái hóa xương khớp, thoái hóa sụn khớp.
- Do bệnh viêm mạch máu hoặc viêm khớp tế bào.
- Do các bệnh liên quan đến nội tiết như sự tụt giảm nội tiết tố Estrogen, Progesterone thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ sau khi sinh con.
- Các bệnh lý ít gặp hơn nhưng vẫn có thể gây viêm đa khớp như bệnh co rút Dupuytren, bệnh thừa sắt, ứ sắt Hemochromatosis, tình trạng viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng...
4. Điều trị bệnh viêm đa khớp
Hiện nay có rất nhiều phương pháp từ đông y đến tây y, từ không dùng thuốc đến dùng thuốc được nghiên cứu và áp dụng để điều trị bệnh lý viêm đa khớp.
4.1. Điều trị không dùng thuốc
Phương pháp không dùng thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị các bệnh lý về xương khớp là vật lý trị liệu. Đây là một phương pháp điều trị an toàn và cho hiệu quả cao trong làm giảm các triệu chứng đau nhức, sưng viêm, đồng thời hỗ trợ phục hồi chức năng vận động xương khớp.
Các hình thức vật lý trị liệu bao gồm:
- Châm cứu và bấm huyệt.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh.
- Sử dụng nhiệt trị liệu
- Xoa bóp, massage trực tiếp tại vị trí khớp bị tổn thương
- Các bài tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng khác.
4.2. Điều trị dùng thuốc
Y học cổ truyền
- Các loại thuốc Nam thường được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh lý viêm đa khớp gồm gừng tươi, nha đam, bạch đàn, lá lốt...
- Các loại thuốc Đông y thường được sử dụng bao gồm gối hạc, phòng phong, bách hộ, dây đau xương, hy thiêm...
Các giải pháp điều trị này có ưu điểm về tính lành tính, an toàn, chi phí thấp và đặt biệt là không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, về nhược điểm, các loại thuốc y học cổ truyền thường chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị triệu chứng trong ngắn hạn chứ không chữa được dứt điểm.
Thuốc tây y
Các thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm :
- Thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol...
- Thuốc giảm đau và chống viêm không steroid – NSAIDs như Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac...
- Nhóm thuốc ức chế miễn dịch như Methotrexate, Hydroxychloroquine...
- Sử dụng thuốc Corticoid dạng uống hoặc tiêm vào vùng tổn thương thường được chỉ định đối với trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng các loại thuốc uống ở trên.
4.3. Điều trị phẫu thuật
Thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc các triệu chứng của bệnh viêm đa khớp ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của bệnh nhân.
Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:
- Phẫu thuật thay thế khớp bị tổn thương bằng các khớp nhân tạo.
- Phẫu thuật loại bỏ màng hoạt dịch hoặc các tổ chức bị tổn thương nặng.
- Hợp nhất khớp.
- Phẫu thuật chỉnh hình cho các trường hợp bị biến dạng khớp.
5. Phòng bệnh viêm đa khớp
Khuyến cáo phòng bệnh viêm đa khớp bằng những biện pháp sau:
- Luyện tập thể thao hằng ngày, tham gia vào các môn thể thao như đạp xe, bơi lội, Yoga, đi bộ...
- Giữ ấm cho cơ thể đặc biệt vào mùa đông.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân hay béo phì.
- Tránh hoạt động nặng, mang vác vật nặng, đứng hay ngồi quá lâu.
- Sinh hoạt điều độ, khoa học, không sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá...
- Có một chế độ ăn hợp lý, thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu canxi và Omega 3. Tránh sử dụng các loại thịt đỏ, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn mặn hoặc đồ ăn ngọt.
Viêm đa khớp là một bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi. Việc tìm ra những nguyên nhân và biểu hiện của bệnh sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm tình trạng viêm đa khớp, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp dự phòng và điều trị hợp lý, nhằm cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.