Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Virus, vi khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh cũng xảy ra rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đây là phản ứng phụ không mong muốn và có thể tự khỏi sau vài ngày ngưng dùng kháng sinh.
1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh
Trong ruột luôn chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi với nhiều loài khác nhau. Bình thường, các vi khuẩn này luôn duy trì cân bằng để đảm bảo quá trình tiêu hóa của cơ thể, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng, đào thải cặn bã và các chất độc hại, đồng thời ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.
Trong khi đó, kháng sinh là loại thuốc cực mạnh, ngay cả khi sử dụng kháng sinh ở nồng độ thấp nhất cũng có thể tiêu diệt, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn. Các vi khuẩn lành tính trong ruột cũng chịu sự ảnh hưởng của kháng sinh, đặc biệt là khi người bệnh dùng kháng sinh liều cao, dùng kháng sinh kéo dài. Sự cân bằng ở đường ruột do đó mà bị phá vỡ, thúc đẩy các vi khuẩn gây bệnh đã ẩn chứa sẵn trong hệ tiêu hóa và vi khuẩn mới xâm nhập dẫn đến rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh.
Có rất nhiều nhóm kháng sinh khác nhau. Mỗi nhóm lại có các loại biệt dược nhất định. Các biệt dược này có thể gây ra sự mất cân bằng vi khuẩn trong ruột. Nếu muốn dùng kháng sinh thì phải biết nó thuộc nhóm nào và biết được mức độ ảnh hưởng của loại kháng sinh đó. Một số loại kháng sinh dễ gây rối loạn tiêu hóa như: ampicillin, các cephalosporin, clindamycin, erythromycin...
2. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do kháng sinh
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh đều có diễn biến rất nhẹ. Đa số bệnh nhân sẽ bị đi ngoài, đi phân lỏng, đi ngoài nhiều lần trong ngày. Rất hiếm trường hợp bệnh nhân sốt. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất ngay sau khi dừng kháng sinh hoặc sau khi dừng kháng sinh khoảng 1 - 2 ngày.
Nếu bệnh nhân bị đi ngoài kèm theo biểu hiện sốt, nôn hay đau bụng, mức độ tiêu chảy ngày càng nặng thì có khả năng là rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Cần phân biệt hai trường hợp này để có biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh lý đi kèm khi dùng kháng sinh nhiều ngày, kháng sinh liều cao có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa nặng hơn, gọi là viêm đại tràng giả mạc. Khi đó, trẻ sẽ có biểu hiện: tiêu chảy, đi phân nhiều nước, phân có máu, đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt. Nếu trẻ bị viêm đại tràng giả mạc sau khi dùng kháng sinh thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành điều trị.
3. Làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh?
Nếu bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh cần lưu ý:
- Trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ các triệu chứng sẽ tự hết sau khi ngưng dùng kháng sinh
- Trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần dùng thêm các chế phẩm vi sinh có chứa các vi khuẩn có lợi cho đường ruột để cân bằng lại vi khuẩn đường ruột
- Có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn và đổi loại kháng sinh phù hợp
- Cho bệnh nhân ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch oresol. Đối với trẻ nhỏ cần tăng cường bú sữa để bù nước.
- Chú ý chế độ ăn uống: Ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu nhưng vẫn phải đầy đủ chất dinh dưỡng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.