Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh lý đặc biệt và thường liên quan đến quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc vi khuẩn. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ đại tràng, viêm phúc mạc,... Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh thông qua bài viết này nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Lê Thanh Tuấn Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc, còn được gọi là viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh hoặc viêm đại tràng do Clostridium difficile (C. difficile). Đây là tình trạng viêm nhiễm ở đại tràng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile.
Tình trạng này thường xảy ra sau khi bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh trong thời gian nằm viện. Nhiễm khuẩn C. difficile đặc biệt phổ biến ở những bệnh nhân trên 65 tuổi.
2. Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc
Các dấu hiệu của bệnh có thể bao gồm:
- Tiêu chảy (phân rất nhiều nước).
- Đau bụng, đau quặn hoặc ấn đau thực thể.
- Sốt.
- Phân có nhầy hoặc mủ.
- Buồn nôn.
- Mất nước.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện rất sớm, chỉ sau 1-2 ngày sử dụng thuốc kháng sinh, nhưng cũng có thể khởi phát rất muộn, thậm chí hàng tháng hoặc lâu hơn sau khi ngừng sử dụng kháng sinh.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bệnh nhân bị tiêu chảy (dù nhẹ) trong khi đang sử dụng hoặc mới sử dụng thuốc kháng sinh gần đây. Nếu tiêu chảy nghiêm trọng, kèm theo sốt, đau quặn bụng, có nhầy hoặc máu trong phân, bệnh nhân hãy đi khám ngay lập tức.
3. Những nguyên nhân gây ra bệnh
Đại tràng của con người chứa rất nhiều loại vi khuẩn sinh sống và duy trì sự cân bằng. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc điều trị, bao gồm kháng sinh, có thể làm mất sự cân bằng này. Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một loại vi khuẩn nhất định (thường là C. difficile) phát triển quá nhanh và lấn át các vi khuẩn khác. Kết quả là lượng độc tố do vi khuẩn C. difficile tiết ra tăng cao, gây tổn thương đại tràng.
Mặc dù bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể dẫn đến viêm đại tràng giả mạc, nhưng một số loại kháng sinh có liên quan đến tình trạng này nhiều hơn những loại khác, bao gồm:
- Fluoroquinolone, như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin.
- Penicillin, như amoxicillin và ampicillin.
- Clindamycin (Cleocin).
- Cephalosporin, như cefixime (Suprax).
Ngoài kháng sinh, việc sử dụng các thuốc điều trị khác cũng có thể gây ra viêm đại tràng giả mạc. Các thuốc hóa trị điều trị ung thư cũng có khả năng làm mất cân bằng hệ vi khuẩn bình thường trong đại tràng.
Một số bệnh lý nhất định ảnh hưởng đến đại tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh này.
Các bào tử của C. difficile có khả năng kháng lại nhiều chất diệt khuẩn thông thường và có thể lan truyền qua tiếp xúc tay. C. difficile thậm chí được phát hiện ở những người không có yếu tố nguy cơ, bao gồm cả những người không sử dụng dịch vụ y tế hay không dùng kháng sinh trong thời gian gần. Những trường hợp này được gọi là nhiễm C. difficile cộng đồng.
4. Các yếu tố nguy cơ của viêm đại tràng giả mạc
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tình trạng viêm đại tràng này bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh.
- Nằm điều trị tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
- Tuổi cao, đặc biệt là trên 65 tuổi.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Có bệnh lý đại tràng, như viêm loét đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
- Đã trải qua phẫu thuật tiêu hóa.
- Đang điều trị ung thư bằng hóa trị.
5. Biến chứng của viêm đại tràng giả mạc
Việc điều trị tình trạng viêm ở đại tràng thường đạt hiệu quả, nhưng ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này vẫn có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Mất nước: Tình trạng tiêu chảy nặng có thể gây mất nước và điện giải, dẫn đến cơ thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động bình thường và có thể dẫn đến tụt huyết áp nguy hiểm.
- Suy thận: Trong một số trường hợp, mất nước có thể diễn tiến nhanh, làm suy giảm chức năng thận nhanh chóng.
- Phình đại tràng nhiễm độc: Đây là trường hợp hiếm, khi đại tràng không có nhu động để đẩy phân và hơi đi xuống, dẫn đến ứ lại và làm đại tràng phình to. Nếu không được điều trị, phình đại tràng có thể vỡ, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn khoang ổ bụng. Phình đại tràng và trường hợp phình đại tràng bị vỡ là trường hợp cấp cứu ngoại khoa. Để ngăn ngừa nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, bệnh nhân sẽ phải cần đến sự can thiệp phẫu thuật.
- Thủng đại tràng: Đây cũng là biến chứng hiếm gặp và là hậu quả của tổn thương nặng ở đại tràng hoặc phình đại tràng nhiễm độc. Thủng đại tràng có thể cho phép vi khuẩn từ đại tràng xâm nhập vào khoang ổ bụng, gây viêm phúc mạc.
- Tử vong: Dù nhiễm C. difficile có thể ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển nhanh chóng và dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, bệnh viêm đại tràng này có thể tái phát sau vài ngày hoặc thậm chí nhiều tuần kể từ khi điều trị thành công.
6. Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán và xác định biến chứng của viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ có thể cần thực hiện các xét nghiệm và quá trình sau đây:
- Xét nghiệm phân: Các loại xét nghiệm phân khác nhau để phát hiện vi khuẩn C. difficile trong đại tràng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng viêm đang diễn ra.
- Nội soi toàn đại tràng hoặc nội soi đại tràng sigma: Thực hiện nội soi để đánh giá tình trạng viêm thông qua các dấu hiệu của tổn thương đại tràng.
- Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang bụng hoặc chụp CT ổ bụng để tìm kiếm các biến chứng của bệnh.
7. Những phương pháp điều trị
Chiến lược điều trị cho viêm đại tràng giả mạc gồm:
- Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc gây ra các dấu hiệu và triệu chứng (nếu có thể).
- Sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả chống lại vi khuẩn C. difficile: Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng qua nhiều đường dùng (uống, tiêm tĩnh mạch, ...) và các loại thuốc như metronidazole (Flagyl), vancomycin, fidaxomicin (Dificid) thường được lựa chọn do có khả năng chống lại C. difficile.
- Cấy ghép vi sinh vật trong phân (fecal microbial transplantation - FMT): Thực hiện trong các trường hợp bệnh rất nghiêm trọng.
- Phẫu thuật: Được thực hiện khi xuất hiện các biến chứng như phình đại tràng, thủng đại tràng,…
8. Kết quả tiên lượng
Theo như kết quả, tỷ lệ tử vong do nhiễm C. difficile dao động từ 0,6% đến 3,5%. Tuy nhiên, trong các đợt bùng phát gần đây tỷ lệ tiên lượng xấu tăng lên đến 6,9% và tăng dần theo độ tuổi. Hầu hết bệnh nhân sẽ phục hồi, tuy nhiên tỷ lệ tái phát bệnh khoảng từ 15% đến 30%.
9. Biện pháp phòng tránh cần biết
Để phòng ngừa viêm đại tràng giả mạc và nhiễm khuẩn C. difficile (cũng như các nhiễm khuẩn khác), các biện pháp phòng tránh cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Các biện pháp bao gồm:
- Rửa tay: Thực hiện rửa tay đúng cách và đúng thời điểm theo hướng dẫn của phòng chống nhiễm khuẩn.
- Cách ly bệnh nhân khi cần thiết.
- Thực hiện tiệt khuẩn cẩn thận để tiêu diệt bào tử của C. difficile.
- Hạn chế sử dụng không đúng cách và lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng khi được chỉ định bởi bác sĩ.
Bác sĩ Lê Thanh Tuấn có kinh nghiệm trong khám, điều trị và phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng, bao gồm cả mổ mở và mổ nội soi. Ông có chuyên môn vững trong phẫu thuật ngoại nhi để điều trị các bệnh lý như lồng ruột, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn và các dị tật sau sinh như viêm phúc mạc bào thai, megacolon, không hậu môn…
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org