Nguy cơ trẻ vị thành niên thiếu sắt

Thiếu sắt là bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu máu ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giai đoạn vị thành niên. Trẻ đang lớn bị thiếu sắt thường xuyên mệt mỏi, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Vậy trẻ vị thành niên thiếu sắt cần được can thiệp như thế nào?

1. Tổng quan về việc trẻ vị thành niên thiếu sắt

Nhiều người tranh cãi về vấn đề chất dinh dưỡng nào mà trẻ vị thành niên thường bị thiếu hụt nhiều nhất? Trong khi đa số nghĩ rằng đó là calci thì câu trả lời đúng phải là chất sắt.

Trẻ vị thành niên hay trẻ đang lớn bị thiếu sắt là tình trạng không hiếm gặp. Mặc dù nguồn thực phẩm hằng ngày có thể chứa rất nhiều chất sắt hoặc trẻ được bổ sung thêm viên sắt nhưng nguy cơ trẻ vị thành niên thiếu sắt vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể cơ trẻ tiêu thụ nhiều hơn trong khi mức độ hấp thu lại ít đi do lý do nào đó. Với lứa tuổi vị thành niên, các bé gái thường có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bé trai do mất máu hằng tháng khi hành kinh.

Khi trẻ vị thành niên lớn lên, khối cơ sẽ phát triển theo và thể tích tuần hoàn cơ thể cũng tăng, do đó nhu cầu sắt tăng là điều dễ hiểu. Như đã đề cập ở trên, bé gái tuổi dậy thì do nguy cơ thiếu sắt cao hơn nên nhu cầu chất sắt cũng sẽ tăng theo để bù đắp cho lượng mất đi mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Những trẻ có thói quen ăn chay có nguy cơ thiếu sắt cao hơn do chất sắt chứa rất ít trong thực vật. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng những trẻ dậy thì thừa cân hay béo phì là những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao nhất.

2. Vai trò của sắt trong cơ thể

Trẻ vị thành niên thiếu sắt là một tình trạng bệnh lý cần được can thiệp sớm do sắt đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều chức năng sống của cơ thể. Sắt tham gia quá trình hình thành Hemoglobin trong máu, qua đó gián tiếp vận chuyển oxy từ tim đi đến các cơ quan trong cơ thể. Sắt cũng có mối liên quan mật thiết đến hoạt động của não bộ và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Do sắt đóng nhiều vai trò quan trọng nên khi trẻ đang lớn bị thiếu sắt sẽ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm thường xuyên mệt mỏi, thở nhanh, thở gấp, nguy cơ cảm lạnh và nhiễm trùng cao, kém tập trung trong học tập, da xanh tái, choáng váng, đau đầu, móng tay mỏng, giòn, lõm và trắng bệch. Kèm theo đó, những trẻ vị thành niên thiếu sắt có thói quen luyện tập thể thao sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức trong quá trình tập luyện khi so sánh với trẻ bình thường.

3. Chẩn đoán thiếu sắt ở trẻ dậy thì

Thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt để sản sinh hồng cầu và Hemoglobin. Khi trẻ đang lớn bị thiếu máu thì nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ đến là do thiếu sắt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu máu được chẩn đoán khi nồng độ Hemoglobin suy giảm theo lứa tuổi như sau:

  • Hb < 11g/dL ở trẻ em 6-59 tháng;
  • Hb < 11.5g/dL ở trẻ 5-11 tuổi;
  • Hb < 12g/dL ở trẻ 12-14 tuổi;
  • Hb < 13g/dL ở nam giới trên 15 tuổi;
  • Hb < 12g/dL ở phụ nữ không mang thai trên 15 tuổi.

Hemoglobin trong máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể, do đó khi lượng sắt không đủ để sản xuất Hemoglobin sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy trong cơ thể. Vì vậy tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ dậy thì hay bất kỳ độ tuổi nào khác đếu có biểu hiện đặc trưng là mệt mỏi thường xuyên.

Giai đoạn đầu, thiếu máu thiếu sắt chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ như hoa mắt, chóng mặt khi đổi tư thế đột ngột. Tuy nhiên khi bệnh diễn tiến sẽ khiến trẻ mệt mỏi tăng lên từ từ và sức khỏe ngày càng suy kiệt.

Những triệu chứng xuất hiện trong quá trình diễn tiến của bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ dậy thì bao gồm:

  • Hoa mắt, chóng mặt diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt khi đổi tư thế đột ngột;
  • Mệt mỏi;
  • Da niêm nhợt nhạt, xanh xao;
  • Thỉnh thoảng khó thở;
  • Trẻ vị thành niên thiếu sắt thường xuyên đau đầu;
  • Cảm giác tê lạnh chân tay;
  • Tâm trạng căng thẳng, dễ nổi cáu;
  • Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tăng lên do khả năng miễn dịch giảm;
  • Móng tay mềm, cong;
  • Nhịp tim không đều.

Tuy triệu chứng trẻ đang lớn bị thiếu sắt gây thiếu máu dễ phát hiện nhưng lại không quá đặc hiệu và dễ khiến cha mẹ chủ quan, từ đó khiến tình trạng thiếu sắt kéo dài hơn mà không được xử trí. Thiếu máu thiếu sắt tuy không khó chữa nhưng một số trường hợp tự ý điều trị bằng cách sử dụng thuốc bổ sung sắt không kiểm soát sẽ dẫn đến từ thiếu hụt chuyển sang dư thừa và gây ra tổn thương gan và nhiều biến chứng khác nữa.

4. Nguyên nhân trẻ vị thành niên thiếu sắt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ đang lớn bị thiếu sắt và dẫn đến thiếu máu, phổ biến bao gồm:

  • Mất máu quá nhiều: Bao gồm từ đường tiêu hóa (phổ biến nhất ở trẻ nam) và mất máu kinh ở trẻ nữ đang dậy thì. Đặc biệt hơn, ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, nguy cơ trẻ nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun móc và sán máng có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt;
  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu sắt ở trẻ dậy thì và đồng thời là nguyên nhân rất phổ biến hiện nay. Một số trường hợp có chế độ ăn đủ các thực phẩm chứa sắt nhưng vẫn bị thiếu do sắt ở dạng khó hấp thụ;
  • Không cung cấp đủ nhu cầu về sắt cho cơ thể: Mặc dù có sử dụng thực phẩm chứa sắt nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể. Nhu cầu sắt tăng lên theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Trẻ tuổi dậy thì là đối tượng có nhu cầu sắt cao hơn để phục vụ cho sự phát triển mạnh mẽ về thể chất lẫn trí não. Kèm theo đó, chế độ ăn kiêng không khoa học ở một số bạn nữ vị thành niên cũng có thể dẫn đến bệnh lý thiếu máu thiếu sắt;
  • Trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh khiến cơ thể không thể tổng hợp được transferrin để vận chuyển sắt trong máu và hệ quả là thiếu máu thiếu sắt mãn tính, tuy nhiên nguyên nhân này tương đối hiếm gặp.

5. Trẻ vị thành niên thiếu sắt cần xử trí như thế nào?

Tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt trong chế độ dinh dưỡng là biện pháp can thiệp đầu tiên đối với các trường hợp trẻ vị thành niên thiếu sắt. Các thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:

  • Thịt nạc;
  • Các loại cá;
  • Thịt gia cầm;
  • Các loại ngũ cốc dinh dưỡng;
  • Hoa quả sấy khô (mơ sấy, mận sấy, nho khô);
  • Các loại rau lá xanh đậm (rau bina, cải xoăn...);
  • Các loại đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng.

Lưu ý sắt có nguồn gốc từ động vật dễ hấp thu hơn trong khi sắt nguồn gốc thực vật cần sử dụng kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ. Ví dụ trẻ đang lớn bị thiếu sắt có thể ăn ngũ cốc dinh dưỡng bổ sung sắt kèm với nước ép bưởi hoặc đậu nấu chín kết hợp thêm cà chua. Một lưu ý nhỏ khác là khi cha mẹ nấu thức ăn trong những dụng cụ bằng sắt cũng có thể làm gia tăng thêm lượng sắt có trong món ăn.

Tuy nhiên, một vài loại thức ăn và nước uống có thể làm hạn chế quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Do vậy, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng được một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng và cung cấp đủ sắt cho trẻ vị thành niên đồng thời hạn chế các tương tác bất lợi có thể xảy ra giữa các chất.

Việc bổ sung sắt bằng thực phẩm chức năng chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và trẻ vị thành niên phải được theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm máu định kỳ vì hàm lượng sắt đưa vào cơ thể quá cao cũng có thể gây hại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe