Theo nhiều nghiên cứu, viêm khớp dạng thấp ở bà bầu là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân hơn so với những bà bầu khác. Các bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp trước khi mang thai cần được tư vấn bởi các bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ thấp khớp học để được xây dựng kế hoạch bảo đảm một thai kỳ khỏe mạnh.
1. Tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện nhầm và quay lại tấn công các mô tế bào bình thường trong cơ thể. Điều này dẫn đến quá trình viêm tại các khớp và xuất hiện các triệu chứng trên lâm sàng như sưng, nóng, đỏ, đau. Người bệnh còn có thể cảm thấy mệt mỏi và cứng khớp sau khi giữ nguyên tư thế hoặc cứng khớp kéo dài vào buổi sáng. Bệnh ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân khác nhau với những mức độ khác nhau. Một số người mắc bệnh chỉ có các triệu chứng tại khớp tiến triển chậm trong nhiều năm, số khác bệnh có thể xảy ra nhanh hơn và gây ra nhiều biến chứng.
Bệnh viêm khớp dạng thấp gây tổn thương các khớp một cách đối xứng, thường thấy ở cả hai bàn tay, cổ tay và hai gối. Đặc điểm này giúp phân biệt viêm khớp dạng thấp với các bệnh viêm khớp khác. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp còn gây ra nhiều biến chứng tại các cơ quan khác nhau như tim, phổi, da, mắt và các mạch máu.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu một cách chính xác. Các yếu tố đóng vai trò kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các khớp và những cơ quan khác được cho là vi khuẩn, virus và khói thuốc lá. Một số gen đặc hiệu làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhiều người trong gia đình có thể cùng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp tuy nhiên đây không phải là một bệnh lý di truyền.
Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Thống kê cho thấy khoảng 1% dân số Mỹ mắc bệnh. Tần suất mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 2 đến 3 lần so với nam giới, tuy nhiên bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra ở nam giới có xu hướng biểu hiện nặng hơn. Tuổi khởi phát bệnh trung bình khoảng 40 đến 60 tuổi, trẻ em và người lớn tuổi cũng có thể biểu hiện bệnh.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Bác sĩ cần theo dõi, thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp phim X-quang các khớp tổn thương. Một số xét nghiệm thường được thực hiện trong bệnh viêm khớp dạng thấp là xét nghiệm công thức máu, protein viêm C, định hướng kháng thể anti-CCP, yếu tố dạng thấp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn do không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Mục tiêu điều trị chính là giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách sử dụng thuốc, nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện và phẫu thuật trong một số các trường hợp. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tuổi, tổng trạng, tiền sử và mức độ nặng của bệnh.
2. Viêm khớp dạng thấp ở bà bầu và nguy cơ sinh non
Thai phụ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ sinh non cao hơn so với những người khác. Đây là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện trên 2 triệu trẻ sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1977 đến 2008. Trong đó, hơn 13500 thai kỳ có mẹ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp trước khi mang thai hoặc được chẩn đoán bệnh sau sinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Thai phụ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ sinh non cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc bệnh. Những trường hợp được chẩn đoán sau sinh có tỷ lệ cao gấp 1,3 lần. Nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan giữa tỷ lệ trẻ nhẹ cân khi sinh với nhóm những người được chẩn đoán bệnh trước và sau khi sinh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nghiên cứu này chỉ có vai trò chỉ ra sự liên kết giữa nguy cơ sinh non và bệnh viêm khớp dạng thấp, không có khả năng chứng minh bệnh viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân dẫn đến sinh non.
Sự ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ có thể xuất phát từ chính cơ chế bệnh lý của viêm khớp dạng thấp hoặc đến từ các thuốc điều trị bệnh. Những yếu tố này làm thay đổi môi trường bên trong tử cung và tác động lên quá trình phát triển của thai nhi.
Các nhà sản phụ khoa nên lưu ý về nguy cơ sinh non ở những thai phụ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp để tư vấn cho bệnh nhân những điều cần biết trước khi mang thai, công tác quản lý và theo dõi thai kỳ. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng có vai trò quyết định sự an toàn cho mẹ và sức khỏe cho trẻ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế hiện đại có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, miễn dịch - dị ứng, sản khoa. Tại Vinmec có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện các phương pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp như điều trị nội khoa, can thiệp y học. Theo đó, toàn bộ quy trình thăm khám và điều trị tại Vinmec đều được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, đã trải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ kỹ thuật, có thể xử lý nhanh và hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp. Do đó, bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp hay phụ nữ mang thai bị viêm khớp dạng thấp hoặc nhiều các căn bệnh khác đều có thể yên tâm với quy trình điều trị chặt chẽ, bài bản và cho hiệu quả tối ưu tại Vinmec.
Đặc biệt, hiện nay để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vinmec còn tiếp tục triển khai dịch vụ thai sản trọn gói, dịch vụ này ra đời như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ từ việc chăm sóc, theo dõi, khám toàn diện, siêu âm xét nghiệm và tư vấn sức khỏe cho bà bầu như thế nào để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Theo đó, những thai phụ có tiền sự bệnh lý trong quá trình mang thai cũng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ và điều trị phù hợp theo thể trạng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, webmd.com