Mặc dù chế độ ăn uống không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng viêm cầu thận, nhưng nếu không duy trì chế độ ăn uống khoa học người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như huyết áp cao, suy thận và tăng chất béo trong máu. Vậy người bệnh viêm cầu thận phải kiêng những gì?
1. Tổng quan
Thay đổi chế độ ăn uống là một bước điều trị rất quan trọng để tránh làm tổn thương thận. Chẳng hạn, chế độ ăn giàu protein không được khuyến khích cho người bị viêm cầu thận. Quá nhiều protein có nguy cơ làm hỏng nephron (đơn vị hoạt động của thận) và gây suy thận. Lượng protein được khuyến nghị cho người bệnh thường ở mức từ thấp đến trung bình, tùy thuộc vào tình trạng thận. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xác định nhu cầu cụ thể của bản thân.
Một chế độ ăn ít natri cũng được khuyến nghị trong hội chứng viêm cầu thận. Tiêu thụ quá nhiều natri từ những thực phẩm mặn có thể làm tăng ứ nước và giữ muối, dẫn đến tình trạng sưng phù và tăng huyết áp. Vì rối loạn chức năng thận cũng thường làm tăng lượng chất béo cao trong máu, nên việc giảm tiêu thụ chất béo có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
Đối với viêm cầu thận cấp tính, khi chứng phù và tăng huyết áp biểu hiện rõ rệt, người bệnh sẽ được chỉ định một chế độ ăn ít natri và protein. Hạn chế uống nước và muối cũng được khuyến cáo ở bệnh nhi bị thiểu niệu hoặc phù. Tuy nhiên, họ sẽ không cần ăn kiêng khắt khe trong thời gian dài, khi các triệu chứng đã được kiểm soát. Ở những bệnh nhân bị chấn thương thận cấp tính thì nên hạn chế tiêu thụ kali để ngăn ngừa tăng kali máu.
Tóm lại, để kiểm soát tình trạng bệnh, việc nắm được bệnh viêm cầu thận phải kiêng những gì là rất quan trọng và cần thiết.
2. Bị viêm cầu thận kiêng ăn gì?
Trong chế độ ăn cho bệnh nhân viêm cầu thận, cần hạn chế và tránh những loại thực phẩm sau:
- Phô mai chế biến
- Các loại thịt có hàm lượng natri cao (jambon, thịt xông khói, xúc xích...)
- Thực phẩm đóng hộ
- Rau củ ngâm (dưa muối chua, dưa món,...)
- Khoai tây chiên muối, bỏng ngô và các loại hạt
- Bánh mì mặn
Lưu ý, một số loại gia vị và hương liệu nhất định cũng có hàm lượng muối cao. Người bệnh cần tránh dùng các loại sốt có vị mặn, bao gồm nước mắm, nước tương cũng như quả ô liu.
3. Bị viêm cầu thận nên ăn gì?
Viêm cầu thận nên ăn hoa quả gì cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhìn chung, bệnh nhân có thể dùng những loại thực phẩm sau:
- Thịt nạc (gia cầm, cá, hải sản)
- Đậu như đậu xanh, đậu nành
- Bơ đậu phộng
- Trái cây như táo, dưa hấu, lê, cam, chuối
- Rau quả tươi như rau diếp, cà chua, khoai tây
- Cơm
- Các loại ngũ cốc
- Đồ ăn nhẹ không ướp muối
- Phô mai tươi
- Đậu hũ
- Sữa
- Bơ động - thực vật
- Gia vị ít muối natri, bao gồm: Sốt cà chua, thảo mộc, giấm, cốt chanh.
4. Một số lời khuyên về chế độ ăn uống
Lên kế hoạch và tuân thủ thực đơn cho người bị viêm cầu thận có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm các triệu chứng khó chịu. Để hỗ trợ điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm cầu thận, chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra một vài lời khuyên sau:
- Chú ý đến lượng protein
Lượng protein khuyến cáo cho người gặp vấn đề về thận là 1 gram trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày (1g / kg / ngày). Tuy nhiên, con số này cũng có thể thay đổi dựa trên sức khỏe hiện tại của thận.
- Giới hạn lượng natri
Lượng muối trong mỗi bữa ăn chính không nên vượt quá 400 miligam (mg) và ít hơn 150 mg cho một bữa ăn nhẹ. Người bệnh cần học cách đọc nhãn thành phần dinh dưỡng và kiểm tra hàm lượng natri trước khi mua các mặt hàng thực phẩm.
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng gia vị mặn
Những món đồ nêm thông thường có hàm lượng muối cao hơn các loại thảo mộc. Bạn có thể thay thế bằng tỏi tươi hoặc bột tỏi, cất lọ muối hoặc muối tiêu ra khỏi bàn ăn. Nên chế biến món ăn với các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu ô liu hoặc dầu dừa.
- Chuẩn bị bữa ăn tại nhà
Một bữa ăn tại nhà hàng có thể chứa hàm lượng muối cao hơn để tăng hương vị đậm đà. Nếu vẫn muốn ra ngoài dùng bữa, bạn có thể tham khảo thực đơn của nhà hàng trước và chọn những món ăn có dưới 400 mg natri. Ngoài ra, có thể yêu cầu nhân viên nhà hàng chuẩn bị riêng cho bạn những món không thêm muối.
- Chọn rau quả tươi
Thực phẩm đóng hộp thường thêm natri sẽ làm tăng lượng muối bạn hấp thụ vào.
5. Biến chứng và tiên lượng của viêm cầu thận
Biến chứng có thể xảy ra nếu người bệnh không tuân theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống. Nếu không được điều trị, các biến chứng của hội chứng viêm cầu thận thường gặp là:
- Cholesterol trong máu cao
- Triglyceride máu cao
- Giảm cân
- Thiếu vitamin D và canxi
- Huyết áp cao
- Cục máu đông
- Suy thận
- Bệnh thận mãn tính
- Tổn thương các cơ quan khác.
Viêm cầu thận không thể ngăn ngừa được, nhưng điều trị bệnh thận tiềm ẩn và thay đổi chế độ ăn uống có thể ngăn ngừa các triệu chứng xấu đi. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc thiếu máu, thuốc giảm cholesterol hoặc steroid kháng viêm. Việc điều trị cũng cần phối hợp chặt chẽ với một chuyên gia về chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
Tiên lượng của viêm cầu thận phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh thận tiềm ẩn, các triệu chứng sẽ dần cải thiện, thậm chí là khỏi hẳn. Khi viêm cầu thận không rõ nguyên nhân thì tiên lượng cũng sẽ thay đổi. Nếu người bệnh kiên trì tuân thủ chế độ ăn kiêng cho viêm cầu thận, tình trạng sưng có thể được kiểm soát và tránh các biến chứng lâu dài.
Tóm lại, để phục hồi và ngăn ngừa tổn thương thận nhiều hơn, bệnh nhân cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với ít protein, kali, phốt pho và muối, đồng thời uống ít nước và bổ sung thêm canxi. Bên cạnh nắm được viêm cầu thận nên ăn quả gì và tránh thực phẩm nào, người bệnh cũng nên tập thể dục mỗi ngày kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, cũng như uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.