Người bị viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn gì?

Viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì và nên ăn gì là vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Các bác sĩ luôn khuyến nghị một chế độ ăn uống hợp lý và phù hợp cho người bị viêm khớp dạng thấp, vì điều này không chỉ hỗ trợ quá trình điều trị mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì?

Với những người bị viêm đa khớp dạng thấp (viêm khớp dạng thấp), các cơn đau nhức luôn dày vò khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng mỗi khi thời tiết thay đổi.  

Các loại thuốc giảm đau có hiệu quả tức thời và hạn chế được các triệu chứng nhưng vẫn có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Lúc này, việc có một chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bị viêm khớp dạng thấp là vô cùng quan trọng. Vậy viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì?

1.1. Các loại thực phẩm giàu chất béo

Đối với câu hỏi người viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì thì chất béo chính là cái tên được nhắc đầu tiên. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phân biệt chất béo bão hòachất béo không bão hòa để từ đó kiêng các loại chất béo từ động vật, ưu tiên chọn chất béo không no, chất béo có nguồn gốc từ thực vật.

Bởi những thực phẩm chứa lượng lipid cao sẽ làm tăng mỡ máu, khiến các phản ứng viêm ở các khớp diễn ra mạnh mẽ hơn. Tình trạng sưng tấy bề mặt khớp có thể nghiêm trọng hơn và tần suất các cơn đau tăng lên.

1.2. Các loại thịt đỏ

Các loại thịt đỏ cũng một trong những loại thực phẩm nằm trong đáp án của câu hỏi người bị viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì. Trong thịt đỏ có chứa protein động vật, là một thành phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp nếu ăn quá nhiều. Người bệnh có thói quen ăn thịt đỏ quá 6 lần/ tuần thì càng làm cho bệnh viêm khớp sẵn có trở nên nghiêm trọng hơn.

Do vậy, thay vì ăn các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt dê, thịt cừu,... thì người bệnh nên thay thế bằng thịt gà, cá, các loại đậu, hạt, măng tây,... để giảm mức độ viêm khớp.

1.3. Thực phẩm chứa nhiều đường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người hay sử dụng đồ uống và thức ăn có đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp hơn so với những người uống ít hoặc không uống.  

Đối với những người đã bị viêm khớp dạng thấp, các loại đồ ăn vặt nhiều đường khiến cho tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn, gây cản trở đến quá trình chữa bệnh.

1.4. Thực phẩm nhiều muối

Nhiều người có khẩu vị ăn mặn, thích các món ăn có nhiều muối. Tuy nhiên, thói quen này là nguyên nhân làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Ăn quá nhiều muối còn khiến các tế bào khớp tích trữ muối urat, gây đau nhức xương khớp và viêm khớp mãn tính.

Vì vậy, người bị viêm khớp dạng thấp nên cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày, xây dựng chế độ ăn thanh đạm để kiểm soát bệnh tốt hơn.

1.5. Hạn chế ăn nội tạng động vật

Mặc dù trong nội tạng động vật có nhiều chất khoáng và vitamin nhưng đây là loại thực phẩm mà người bị viêm khớp dạng thấp nên kiêng ăn.  

Trong nội tạng động vật có nhiều cholesterol, một chất có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, gout, đẩy nhanh quá trình thoái hóa và gây ra các vấn đề về xương khớp (trong đó có viêm khớp dạng thấp).

1.6. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Các loại thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh và bánh kẹo thường chứa nhiều ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản,... Đây đều là những thành phần không tốt cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm cả viêm khớp.

Ngoài ra, những người hay ăn đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn cũng dễ bị béo phì và kháng insulin. Vấn đề cân nặng cũng là nguyên nhân gián tiếp làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

1.7. Tránh xa các loại đồ uống có cồn

Rượu bia hay các loại đồ uống có cồn đều chứa chất kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể, làm vô hiệu hóa tác dụng của các loại thuốc điều trị viêm khớp đang dùng. Đó là lý do những người bị viêm đa khớp dạng thấp nên tránh xa các loại thức uống này để tránh tình trạng ngày một nặng hơn.

Cũng có 1 số loại rượu như vang đỏ có đặc tính chống viêm vì chứa chất chống oxy hóa. Tuy nhiên mọi người cũng cũng chỉ nên uống với liều lượng vừa phải.

1.8. Sản phẩm chế biến từ sữa

Mặc dù các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai được biết đến là nguồn cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể, tuy nhiên sữa lại khiến tình trạng viêm khớp dạng thấp nặng hơn.

Trong sữa có chứa chất béo bão hòa, là một tác nhân gây viêm. Dù vậy bệnh nhân vẫn có thể sử dụng sữa ít béo thay cho sữa nguyên kem trong chế độ ăn của mình. 

Các sản phẩm làm từ sữa là một trong những thực phẩm trong danh sách viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì.
Các sản phẩm làm từ sữa là một trong những thực phẩm trong danh sách viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì.

1.9. Thực phẩm chứa gluten

Lúa mạch, lúa mì hay lúa mạch đen là những loại ngũ cốc có chứa gluten. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ít hoặc không có gluten có thể giúp giảm triệu chứng viêm do viêm khớp dạng thấp. Do đó, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêu thụ những loại thực phẩm như bánh mì, bánh quy,...

1.10. Sản phẩm Glycat hóa bền vững

Quá trình glycation nâng cao (AGEs) tạo ra các phân tử thông qua phản ứng giữa glucose (đường) và protein (đạm) hoặc lipid (chất béo). Thịt nướng, thịt xông khói, bít tết áp chảo, gà rán, xúc xích nướng, khoai tây chiên, phô mai… là các loại thực phẩm tích tụ nhiều AGEs. Khi cơ thể tích tụ quá nhiều AGEs sẽ dẫn đến hiện tượng căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm có thể xảy ra, liên quan đến sự tiến triển của bệnh viêm khớp.

1.11. Các loại gia vị cay

Các loại gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt… không được khuyến khích sử dụng trong chế độ ăn của người bị viêm khớp dạng thấp. Bởi vì, các loại gia vị này gây ra cảm giác nóng rát ở khớp và làm cho các mô sưng tấy nặng hơn.  

2. Người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

Ngoài việc lưu ý các loại thực phẩm nên kiêng ăn thì người bị viêm đa khớp dạng thấp cũng cần xây dựng 1 chế độ dinh dưỡng lành mạnh theo gợi ý sau:

  • Tăng cường bổ sung các loại rau xanh (đặc biệt là rau họ cải). Các loại rau xanh có nhiều vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, tăng cường sức đề kháng và chống nhiễm trùng. Một số loại rau bệnh nhân có thể lựa chọn như: Bắp cải, cải bó xôi, bông cải xanh,...
  • Uống nước trà xanh do trong đó có chứa chất chống oxy hóa epigallocatechin-3-gallate có tác dụng giảm viêm hiệu quả, ngăn ngừa việc sản sinh các phân tử gây tổn thương khớp ở những người bị viêm đa khớp dạng thấp.
  • Thay thịt đỏ bằng các loại cá béo như cá hồi, cá thu,... có chứa nhiều Omega-3, EPA, DHA giúp kháng viêm hiệu quả, hỗ trợ cải thiện cảm giác đau nhức xương khớp.
  • Các bác sĩ khuyên người bị viêm khớp tăng cường ăn gạo lứt, các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm triệu chứng viêm và có nhiều thành phần hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp.
  • Tỏi có chứa lượng Diallyl Disulfide cao giúp chống viêm và ức chế các tác động của Cytokine. Những người bị viêm đa khớp dạng thấp nên ăn nhiều tỏi để giảm viêm và giảm các cơn đau nhức.
  • Dầu olive cũng nên được bổ sung trong khẩu phần ăn của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Trong dầu olive có chứa các thành phần như Polyphenols, Oleuropein, Oleocanthal, Lignans, Hydroxytyrosol có tác dụng giảm sưng viêm các khớp.

3. Những lưu ý cần biết về chế độ ăn của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Ngoài vấn đề viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì và nên ăn gì, bệnh nhân và người thân cần lưu ý những điều sau:

  • Đa dạng các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn để tránh tình trạng ăn quá nhiều hoặc quá ít, thậm chí không ăn loại thực phẩm nào đó.
  • Duy trì lượng calo nạp vào hàng ngày để tránh tình trạng thừa cân. Bởi vì béo phì là yếu tố gây áp lực cho khớp, dẫn đến bệnh viêm xương khớp
  • Lựa chọn phương pháp nấu ăn phù hợp để bảo toàn nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Những hiểu biết về viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì và nên ăn gì là điều rất quan trọng. Bởi vì, sự chú trọng và cẩn thận trong thói quen ăn uống sẽ giúp người bệnh kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp cũng góp phần cải thiện bệnh rõ rệt hơn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe