Chất béo bão hòa là một cái tên khá quen thuộc đối với những ai có quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chất béo bão hòa nghĩa là gì và chất béo bão hòa tốt hay xấu. Bài viết này sẽ giúp cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về chất béo bão hòa.
1. Chất béo bão hòa tốt hay xấu?
Chất béo bão hòa được xếp vào nhóm chất béo xấu, tương tự như chất béo chuyển hóa (transfat). Các chuyên gia y tế trên thế giới đều khẳng định rằng một chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu, hay còn gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL).
Do đó, chất béo bão hòa chẳng những không có lợi cho sức khỏe con người, mà khi phối hợp với những món ăn giàu tinh bột đã được tinh chế sẽ gia tăng thêm nguy cơ:
- Bệnh tim mạch;
- Tắc nghẽn mạch máu;
- Tiểu đường tuýp 2;
- Máu hoặc nội tạng nhiễm mỡ.
Trắc nghiệm: Muối trong thực phẩm, natri, huyết áp và sức khỏe của bạn
Muối, natri là chất khoáng cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu hơn về những ảnh hưởng của các khoáng chất này tới huyết áp và sức khỏe bạn thế nào nhé.
Nguồn tham khảo: webmd.com
2. Cách nhận biết chất béo bão hòa
Có thể nhận biết chất béo bão hòa thông qua những đặc điểm phân biệt sau đây:
- Là chất béo từ mỡ động vật;
- Đông đặc ở nhiệt độ bình thường;
- Được tìm thấy trong thịt, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa;
- Có một lượng nhỏ trong một số thực vật như cọ, dừa, cacao và các loại cây dầu.
3. Chất béo chuyển hóa có hại thế nào?
Chất béo chuyển hóa còn được gọi là chất béo transfat - viết tắt tên của các axit béo trans. Chất béo này xuất phát từ các loại dầu thực vật và bị hydro hóa trong các quá trình chế biến thức ăn, đặc biệt là các món chiên xào. Đây có thể được xem là loại chất béo xấu nhất cho cơ thể vì một số lý do sau:
- Làm giảm hàm lượng cholesterol "tốt" (HDL);
- Tăng cholesterol "xấu" (LDL) và triglycerides;
- Việc loại bỏ ra khỏi cơ thể còn khó hơn chất béo bão hòa;
Gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với chất béo bão hòa.
4. Sự thật về chất béo bão hòa và chuyển hóa
- Cẩn thận với nguồn năng lượng từ chất béo
Trên thực tế, cơ thể con người không thể tự tạo ra các axit béo thiết yếu, do đó chúng ta phải hấp thu chất béo bổ sung từ nguồn dinh dưỡng mỗi ngày. Ngoài chức năng làm tan một số loại vitamin đặc biệt, chất béo còn cung cấp năng lượng cho cơ thể tương tự như protein hay tinh bột. Thế nhưng mỗi gram chất béo lại chứa gấp đôi lượng calo của đường bột hay chất đạm. Lượng calo đến từ chất béo cũng dễ biến thành mỡ trong cơ thể con người hơn so với hai loại chất còn lại.
- Đa số thực phẩm đều có chất béo/axit béo
Nhìn chung, các chuyên gia thường khuyên nên hạn chế ăn cả chất béo bão hòa lẫn transfat, cho dù chỉ tiêu thụ với một lượng nhỏ vì nhiều lý do sức khỏe. Tuy nhiên hầu hết các loại thực phẩm thông thường đều có chứa chất béo hoặc axit béo, kể cả nguồn gốc từ thực vật hay động vật. Nhóm thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chuyển hóa chủ yếu ở dạng rắn trong nhiệt độ phòng, ví dụ bơ và mỡ động vật.
Tóm lại, tránh sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo từ mỡ động vật và chuyển hóa sẽ giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu hiệu quả. Bên cạnh đó, thay thế những chất béo không tốt bằng chất béo tốt, ví dụ như chất béo không bão hòa, là cách mang lại một trái tim khỏe mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nên tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia y tế để xây dựng được thực đơn dinh dưỡng lành mạnh và khoa học nhất có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.