Đau xương khớp có ăn được thịt gà không là câu hỏi mà người bệnh thường thắc mắc nhưng lại bỏ qua nhiều yếu tố gây bệnh khác cần chú ý hơn khi điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đau xương khớp có ăn được thịt gà không?
Đây là chủ đề gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Theo quan niệm dân gian, người bị bệnh xương khớp nên tránh ăn thịt gà vì nó có thể làm cho tình trạng đau nhức và viêm khớp trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn thịt gà không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ xương khớp. Vậy đau xương khớp có ăn được thịt gà không?
Theo các chuyên gia, người bị đau nhức xương khớp hoàn toàn có thể bổ sung thịt gà vào chế độ ăn uống. Thịt gà là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, cung cấp protein, axit amin, khoáng chất và vitamin thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe mà không gây ra các cơn đau nhức.
Hơn nữa, thịt gà còn chứa lượng glutamine cần thiết để cơ thể tổng hợp glucosamine. Glucosamine đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe xương khớp, kích thích sản xuất axit hyaluronic (bôi trơn khớp) và hỗ trợ tổng hợp sụn khớp.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý cách chế biến và lựa chọn phần thịt gà phù hợp:
- Ưu tiên luộc, hấp hoặc nướng thay vì chiên rán để hạn chế chất béo không tốt cho sức khỏe.
- Nên chọn phần ức gà vì chứa ít chất béo bão hòa và calo hơn so với phần đùi gà.
- Hạn chế da gà vì chứa nhiều chất béo bão hòa.
- Kết hợp với rau củ quả để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh lý.
2. Đau xương khớp nên ăn và không nên ăn những bộ phận nào của gà?
2.1. Bị đau xương khớp không nên ăn bộ phận nào của gà?
Da gà và đùi gà là những phần thịt mà người mắc bệnh xương khớp nên tránh, vì chúng có hàm lượng calo và chất béo cao. Việc tiêu thụ chúng quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, tăng áp lực lên các khớp do trọng lượng cơ thể gia tăng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau và làm gia tăng tốc độ thoái hóa xương khớp.
Hơn nữa, việc chế biến da gà và đùi gà bằng cách nướng, rán, hoặc chiên có thể làm tăng sự nghiêm trọng của đau nhức xương. Phương pháp chế biến này có một nhược điểm, đó là khi chiên ở nhiệt độ cao, có thể tạo ra các hoạt chất gọi là AGEs. Khi những chất này tiếp xúc với cơ thể, chúng có thể gây tổn thương cho các mô, bao gồm cả hệ xương khớp khiến tình trạng đau nhức trở nên nặng hơn.
2.2. Bị đau xương khớp nên ăn bộ phận nào của gà?
Trái ngược với đùi gà và da gà, ức gà là phần có chứa nhiều protein và ít chất béo. Do đó, việc tiêu thụ ức gà có thể thường xuyên mà không cần phải lo lắng về tăng cân và béo phì. Điều này giải thích vì sao ức gà thường là sự lựa chọn ưa thích của những người muốn giảm cân.
Ngoài ra, ức gà cũng cung cấp lượng lớn chất photpho có lợi cho sức khỏe của xương và răng. Đối với những người mắc đau nhức xương khớp, việc sử dụng ức gà một cách hợp lý là tiêu thụ chỉ với lượng vừa phải và duy trì một lượng calo ổn định hàng ngày. Hơn nữa, việc chế biến gà thành món luộc thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ có thể giảm thiểu tích tụ chất béo, từ đó giảm áp lực lên các khớp xương.
Thịt gà là thực phẩm an toàn và có thể mang lại lợi ích cho người bị đau nhức xương khớp. Bệnh nhân có thể sử dụng thịt gà trong khẩu phần hàng ngày của mình. Tuy nhiên, để tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, quan trọng nhất là bạn phải biết cách chế biến và tiêu thụ thịt gà một cách có mức độ.
Hãy lựa chọn phần thịt phù hợp, chế biến đúng cách và kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.