Đau xương khớp kiêng ăn gì để giảm thiểu các triệu chứng là một trong những câu hỏi và thắc mắc quan trọng đối với các bệnh nhân xương khớp, tránh để bệnh trở nặng hơn trong tương lai.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Vấn đề ăn uống đối với người bị đau xương khớp
Đối với người bị đau xương khớp, quản lý chế độ ăn uống là một trong những cách làm giảm triệu chứng khá hiệu quả. Thông thường bác sĩ sẽ đề nghị một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và tập trung vào những loại chất béo chống viêm. Do đó, việc xác định được đau xương khớp kiêng ăn gì là điều khá quan trọng, với một số thực phẩm nên tránh sẽ được liệt kê trong phần dưới đây..
2. Đau xương khớp kiêng ăn gì theo lưu ý từ giới y khoa?
2.1. Các loại thực phẩm chứa chất béo gây viêm
Có nhiều loại chất béo sẽ làm tăng triệu chứng viêm trong cơ thể, do đó một vài chuyên gia đã liệt kê ra một số loại mà người bị đau xương khớp cần tránh
- Axit béo Omega-6: Một số loại dầu sử dụng trong chế biến thực phẩm như dầu ngô, dầu hướng dương và dầu thực vật chứa hàm lượng axit béo này khá cao. Những người bị đau xương khớp thì nên hạn chế đến mức tối đa.
- Chất béo bão hòa: Thịt, bơ và phô mai thường chứa loại chất béo này. Theo khuyến cáo, mọi trường hợp từ 2 tuổi trở lên chỉ nên có ít hơn 10% chất béo bão hòa trong tổng lượng calo bữa ăn hàng ngày.
- Chất béo chuyển hóa: Loại chất béo này làm giảm mức độ Cholesterol có lợi, và tăng mức Cholesterol có hại. Một số thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa chất béo chuyển hóa.
2.2. Thực phẩm tăng thêm đường
Theo một vài nghiên cứu, những người thường uống soda có đường sẽ tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp. Việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên cũng góp phần gây ra tình trạng béo phì, viêm nhiễm và các bệnh mãn tính khác. Những loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng lượng đường trong cơ thể gồm:
- Các loại bánh ngọt, bánh quy
- Mứt và các loại đồ ngọt khác
- Bánh mì trắng
- Nước ngọt
- Nước hoa quả
- Một số loại rượu, bia, rượu táo.
- Các loại gia vị như sốt cà chua, nước sốt thịt nướng,…
2.3. Thực phẩm có hàm lượng muối cao
Ăn quá nhiều muối hoặc natri có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Nó cũng sẽ khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn đối với người đã mắc bệnh này.
Một số thực phẩm chứa hàm lượng Natri cao dành cho những ai muốn biết đau xương khớp kiêng ăn gì bao gồm:
- Pizza
- Bánh burger
- Các loại bánh Taco và Burrito
- Sandwich kẹp thịt
- Khoai tây chiên và các loại đồ ăn nhẹ mặn khác
- Tránh thực phẩm đóng gói
- Nấu ăn bằng nguyên liệu tươi để giảm lượng Natri tiêu thụ
2.4. Thực phẩm “siêu chế biến”
Thực phẩm “siêu chế biến” là khái niệm dành cho các loại đồ ăn được chế biến công nghiệp, như thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng và các loại đồ nướng. Chúng thường sẽ có hàm lượng ngũ cốc tinh chế cao, có thêm đường bổ sung, chất bảo quản, đường fructose và nhiều thành phần có khả năng gây viêm khác.
Tất cả đều làm trầm trọng thêm những triệu chứng viêm. Các nghiên cứu đã khẳng định thực phẩm “siêu chế biến” còn có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
2.5. Các loại rau củ họ Cà (Nightshade)
Một số nghiên cứu cho thấy các loại rau củ họ Cà thường sẽ chứa Solanine - một loại hợp chất gây độc có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, qua đó làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Nếu
nghi ngờ khả năng các rau củ dạng này làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh đau khớp, nên loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống trong vài tuần, sau đó có thể dùng lại từng loại một. Vài ví dụ cụ thể như:
- Cà chua
- Ớt chuông
- Ớt
- Cà tím
- Khoai tây
Cố gắng ghi chú nhật ký thực phẩm để xác định đau xương khớp kiêng ăn gì, đồng thời theo dõi phản ứng với một loại thực phẩm cụ thể. Nếu có bất kì loại rau củ nào kể trên gây ra các triệu chứng viêm khi ăn trở lại, tiếp tục loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn hàng ngày.
2.6. Thực phẩm chứa hàm lượng Purin cao
Hầu hết các bệnh nhân đau xương khớp, đặc biệt là bệnh nhân Gout, bác sĩ sẽ khuyên nên áp dụng chế độ ăn kiêng Purin ngoài việc uống thuốc. Purin là một hợp chất có trong nhiều loại thực phẩm, đa số là thịt đỏ và hải sản, được cơ thể chuyển hóa thành Axit Uric.
Nếu quá nhiều Axit Uric tích tụ lại sẽ gây ra cơn đau Gout. Theo một số chuyên gia ẩm thực, các loại thực phẩm có chứa hàm lượng Purin cao là:
- Thịt đỏ
- Nội tạng
- Các loại cá như cá cơm, cá mòi, cá hồi, cá ngừ,…
- Con trai, con sò
- Các loại bia rượu
2.7. Thực phẩm Glycat hóa bền vững (AGE)
Các loại thực phẩm Glycat hóa bền vững là những hợp chất gây viêm có khả năng tích tụ trong các mô, đặc biệt khi con người già đi. Những người mắc các bệnh đau xương khớp như viêm khớp dạng thấp thường sẽ có mức AGE trong cơ thể khá cao.
Do đó cần chú ý đau xương khớp kiêng ăn gì để hạn chế khả năng tiếp nhận thêm AGE như:
- Thịt xông khói chiên
- Da gà, da heo nướng
- Pizza
- Một số loại phô mai như Parmesan và phô mai kem
- Đồ ăn nhẹ có vị mặn như khoai tây chiên, bánh quy giòn.
- Các loại bơ
3. Các thực phẩm nên ăn để giảm triệu chứng đau xương khớp
Bên cạnh những lưu ý về việc đau xương khớp kiêng ăn gì, người bệnh cũng nên quan tâm đến các loại thực phẩm hỗ trợ giảm triệu chứng cho bệnh xương khớp. Các nghiên cứu đã chỉ ra những lựa chọn phổ biến bao gồm:
- Chất béo không bão hòa: Có trong dầu ô liu, dầu bơ và các loại hạt.
- Axit béo Omega-3: Mặc dù cá chứa hàm lượng Purin cao, nhưng các loại cá chứa dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá tuyết, … cũng có axit béo Omega-3 rất có lợi cho sức khỏe.
- Hành, tỏi và tỏi tây: Tất cả đều chứa hợp chất chống viêm Quercetin, các hợp chất lưu huỳnh giúp giảm tổn thương sụn.
- Khoai lang, bí, cà rốt: Các loại rau có màu cam và đỏ có chứa Carotenoids, chất chống Oxy hóa.
- Các loại rau lá xanh: Bắp cải, bông cải xanh, củ cải, rau bina
- Thực phẩm giàu Vitamin C: Trái cây họ cam, quýt, dâu tây và trái kiwi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.