Bổ sung đủ lượng axit folic trước và trong khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ như: Mắc các khuyết tật ống thần kinh, dị tật tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch ở trẻ.
1. Tại sao axit folic lại quan trọng cho thai kỳ?
Axit folic là một loại vitamin B được tìm thấy trong nhiều chất bổ sung và thực phẩm tăng cường, nó là dạng tổng hợp của folate. Axit folic được cơ thể sử dụng để tạo ra các tế bào mới và sản xuất DNA. Nó cũng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường trong suốt cuộc đời của mỗi người.
Bổ sung axit folic đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trước và trong khi mang thai, vì nó quan trọng đối với sự phát triển các cơ quan của thai nhi.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung axit folic trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh bao gồm dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống, bệnh encephalocele và chứng thiếu não.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Những lợi ích sức khỏe của việc bổ sung axit folic trong thai kỳ
Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sơ sinh được sinh ra với dị tật ống thần kinh. Thông thường, ống thần kinh, thành tủy sống và não của trẻ phát triển trong vòng 28 ngày sau khi thụ thai. Một khi ống thần kinh không khép lại đúng cách thì các khuyết tật ống thần kinh sẽ xảy ra.
Thiếu não là tình trạng não không phát triển bình thường. Trẻ sơ sinh một khi bị mắc chứng thiếu não thì không thể sống sót. Nếu trẻ sinh ra bị nứt đốt sống hoặc viêm não thì có thể phải đối mặt với nhiều cuộc phẫu thuật, bại liệt và tàn tật lâu dài. Theo một đánh giá của các nghiên cứu năm 2015, việc bổ sung axit folic cho mẹ giúp giảm đáng kể nguy cơ dị tật tim bẩm sinh. Những dị tật này xảy ra với tỷ lệ 8 trong số 1.000 ca trẻ sinh ra ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, dị tật tim bẩm sinh xảy ra khi tim hoặc mạch máu không phát triển bình thường trước khi sinh. Chúng có thể tác động đến các thành bên trong tim, van tim hoặc động mạch và tĩnh mạch của tim. Nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung axit folic trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa sứt môi và hở hàm ếch. Những dị tật bẩm sinh này xảy ra nếu các bộ phận của miệng và môi không kết hợp với nhau đúng cách trong giai đoạn từ 6 đến 10 tuần đầu của thai kỳ và để cải thiện tình trạng này thường cần một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật để điều chỉnh tình trạng bệnh.
3. Lượng axit folic cần thiết trước khi mang thai
Lượng axit folic tối thiểu được khuyến nghị hàng ngày cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 400 microgam (mcg), hoặc 0,4 miligam (mg). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, bổ sung axit folic ít nhất một tháng trước khi thụ thai sẽ làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống tới 70%.
Trong thời kỳ mang thai, lượng axit folic khuyến cáo cho mỗi người phụ nữ là từ 600 đến 800 mcg, hoặc 0,6 đến 0,8 mg. Tất nhiên, lượng này còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Nếu người có tiền sử gia đình bị dị tật ống thần kinh thì nên bổ sung 4.000 mcg (4 mg) axit folic mỗi ngày và hãy tham vấn với bác sĩ để biết lượng axit folic mà mình cần trước và sau khi thụ thai.
Bạn có thể mua thuốc bổ sung axit folic ở các hiệu thuốc hoặc có thể chỉ cần uống một loại vitamin tổng hợp trước khi sinh. Nếu bạn dùng một loại vitamin tổng hợp, hãy đảm bảo rằng nó không chứa liều cao hơn mức cho phép hàng ngày, tức là không quá 770 mcg RAE (2,565 IU) vitamin A, trừ khi tất cả đều ở dạng beta-carotene.
Việc hấp thụ quá nhiều một loại vitamin A nhất định có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Nếu bạn không chắc chắn mình nên bổ sung loại gì, hãy nhờ bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn loại thực phẩm bổ sung cho bạn.
Axit folic là một loại vitamin hòa tan trong nước, vì vậy cơ thể sẽ đào thải lượng dư thừa ra ngoài nếu bạn tiêu thụ quá nhiều. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, hấp thụ quá nhiều folate có thể che giấu dấu hiệu của sự thiếu hụt B12, thường xảy ra đối với những người ăn chay. Hãy hỏi bác sĩ của mình nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể gặp rủi ro về vấn đề này.
Nhiều loại vitamin dành cho phụ nữ trước khi sinh chứa 600 mcg axit folic. Việc chỉ uống axit folic sau khi phát hiện ra mình có thai có thể không đủ sớm vì rất nhiều phụ nữ không nhận biết các dấu hiệu họ đang mang thai cho đến sáu tuần hoặc hơn sau khi thụ thai. Trong khi đó, dị tật ống thần kinh có thể xảy ra trong tháng đầu tiên của thai kỳ, thường là trước khi bạn nhận ra mình đang mang thai..
Nếu bạn đã có một đứa con bị khuyết tật ống thần kinh thì bạn sẽ cần bổ sung liều lượng axit folic cao hơn trong những tháng trước khi mang thai trẻ tiếp theo và trong vài tháng đầu của thai kỳ. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn thêm về liều lượng phù hợp. Ngoài ra, những nhóm người sau đây cũng cần phải bổ sung liều lượng axit folic cao hơn:
- Người bị bệnh thận và đang chạy thận nhân tạo
- Người bị bệnh hồng cầu hình liềm
- Người bị bệnh gan
- Người có thói quen uống nhiều hơn một đồ uống có cồn hàng ngày
- Người đang phải dùng thuốc để điều trị bệnh động kinh, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh lupus, bệnh vẩy nến, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hen suyễn hoặc bệnh viêm ruột.
4. Có thể nhận đủ axit folic từ thực phẩm không?
Một số thực phẩm có tác dụng tăng cường axit folic, bao gồm ngũ cốc, cơm, nước cam, mỳ ống.
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ nhiều người bị ốm nghén vì vậy rất khó hấp thụ đầy đủ axit folic cần thiết. Để đảm bảo bạn được cung cấp đủ axit folic, bác sĩ thường khuyên bạn nên uống bổ sung axit folic hoặc vitamin chứa axit folic trước khi sinh và trong khi mang thai.
Nếu bạn đang có dự định mang thai, hãy cân nhắc việc bổ sung vitamin trước khi sinh. Trao đổi với bác sĩ về việc dùng đúng liều lượng vitamin trước khi sinh vì dùng quá nhiều chất bổ sung có thể gây độc cho thai nhi. Bạn cũng nên bổ sung thực phẩm tăng cường axit folic vào chế độ ăn uống của mình.
Ngoài ra, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM