Vai trò của Acid Folic trong việc dự phòng dị tật thai nhi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới, phẫu thuật nội soi.

Tìm hiểu các phương pháp bảo vệ sức khỏe trước và trong khi mang thai sẽ tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh. Một trong những việc được ưu tiên hàng đầu đối với những phụ nữ có kế hoạch sinh con là bổ sung 400 micrograms Acid Folic mỗi ngày.

1. Vai trò của Acid Folic trong việc dự phòng dị tật thai nhi

Acid Folic (Vitamin B9) là một thành phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ có thai. CDC (Centers for Disease Control) khuyến khích tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên cung cấp 400 micrograms Acid Folic mỗi ngày.

Việc tiêu thụ đa dạng lượng thức ăn giàu folate từ chế độ ăn đa dạng có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật ở não của thai nhi (tật không não) và ở cột sống (tật nứt cột sống). Tật không não là một dị tật nghiêm trọng ở thai nhi, trong đó các bộ phận trong não và hộp sọ chưa được hoàn thiện. Trẻ sinh ra có dị tật này không thể sống sót. Tật nứt cột sống là một khuyết tật nghiêm trọng khác. Trẻ sinh ra với khuyết tật này không thể phát triển thể chất bình thường, có thể có một số biến dạng xương nhất định.

2. Nên bắt đầu kế hoạch bổ sung acid folic vào thời điểm nào?

Dị tật bẩm sinh tại não và tật nứt cột sống là dị tật ống thần kinh. Những dị tật này được hình thành trong 2 tuần đầu của thai kỳ, thường trước khi người phụ nữ phát hiện mình đang mang bầu. Vì vậy, bổ sung Acid Folic sớm trước khi có kế hoạch mang thai là một việc làm rất quan trọng. Ngoài ra, theo thống kê, gần một nửa số trường hợp mang thai tại Hoa Kỳ là ngoài ý muốn. Vào thời điểm người phụ nữ nhận ra mình có thai có lẽ đã quá muộn để ngăn chặn những dị tật này. Vì vậy, dù có kế hoạch hay không có kế hoạch mang thai thì phụ nữ trong độ tuổi sinh nở vẫn nên cung cấp đủ lượng Acid Folic hàng ngày.

3. Bổ sung Acid Folic bằng cách nào?

Một cách dễ dàng thực hiện để cung cấp đầy đủ acid folic mỗi ngày là uống vitamin hàng ngày, với một lượng đầy đủ 400mcg acid folic trong đó (hầu hết trong thành phần của các loại vitamin đều chứa đủ lượng acid folic cần thiết). Thời điểm tốt nhất để uống vitamin là dùng chung với bữa ăn hoặc ngay trước khi đi ngủ. Dùng loại vitamin nhai nếu bạn có vấn đề về nuốt.

Acid folic còn có nhiều trong các thực phẩm như bánh mì, mì ống, gạo và ngũ cốc. Người dùng nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng trên bao bì để đảm bảo sản phẩm bạn mua có chứa acid folic.


Có thể bổ sung acid folic thông qua chế độ ăn uống
Có thể bổ sung acid folic thông qua chế độ ăn uống

Bạn cũng có thể ăn với chế độ ăn giàu folate. Folate được tìm thấy trong các thực phẩm như đậu Hà Lan, cam và nước cam, măng, bông cải xanh và các loại rau có màu lá xanh đậm như rau bina, mù tạt.

Nếu chỉ qua thực phẩm phụ nữ rất khó đạt được lượng acid folic cần thiết. Hãy linh động thay đổi chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt cung cấp nhiều rau xanh và ngũ cốc cùng một lượng vitamin phù hợp để nâng cao sức khỏe của bản thân và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe