Trong khi thế hệ ông bà cho rằng vẫn có thể nuôi dạy con khôn lớn mà không cần đợi đến khi “đủ điều kiện” thì giới trẻ hiện nay đều lo lắng về tài chính cho việc sinh con. Khi nào nên sinh con và cần chuẩn bị gì trước khi sinh con là nỗi băn khoăn chung của những cặp đôi trẻ.
1. Các khoản chi phí mới
Nếu đã có một ngân sách chi tiêu và tiết kiệm ổn định, bạn cần phải điều chỉnh khá nhiều trước khi muốn sinh con. Nếu chưa từng quản lý tài chính cá nhân, bạn buộc phải tiến hành ngay bây giờ. Việc sinh nở và nuôi dạy con cái có thể tiêu tốn thêm từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào:
- Chương trình bảo hiểm sức khỏe
- Chi phí chăm sóc trẻ em
- Nơi bạn sinh sống
- Sử dụng vải hay tã giấy dùng một lần
- Cho con bú sữa mẹ hay mua sữa công thức, v.v.
Bạn cần biết số tiền đó sẽ được lấy từ khoản nào và làm sao để duy trì ngân sách mới tăng vọt của cả gia đình.
Mang thai là thời gian tuyệt vời để chuẩn bị mọi thứ cho quá trình nuôi dạy con sắp tới, trong đó bao gồm tiết kiệm một khoản tiền. Nên xem xét lại chi phí hàng tháng và cân nhắc:
- Có thể chi tiêu ít hơn cho việc đi ăn bên ngoài, quà cáp, hiếu hỷ và du lịch không?
- Dự định sẽ chi bao nhiêu cho tã, sữa, dụng cụ và quần áo cho trẻ, tiền chăm sóc trẻ?
Hãy hỏi một người bạn vừa mới có con để được chia sẻ về các khoản chi tiêu mới cần chuẩn bị.
2. Cân nhắc lựa chọn ở nhà nuôi con hay tiếp tục làm việc
Ngoài khoản chi phí cần thiết để nuôi một đứa trẻ, bạn còn phải cân nhắc đến việc chuyển đổi từ hai nguồn thu nhập sang một. Sau đây là một số yếu tố bạn cần xem xét trước khi đưa ra quyết định có quay trở lại làm việc hay không:
- Bạn vẫn có bảo hiểm y tế và các khoản phúc lợi khác chứ?
- Bạn có thể quay lại công việc, vị trí và chức vụ như cũ không?
- Bạn đã có một quỹ khẩn cấp dự phòng chưa?
Nếu câu 3 câu trả lời đều là “Có” thì bạn đã khá sẵn sàng. Nếu không, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định từ bỏ công việc để dành thời gian sinh con và nuôi dưỡng chúng. Nên tìm hiểu kỹ chính sách thai sản theo Luật Lao động và phúc lợi của công ty để đảm bảo không bị mất quyền lợi.
3. Thử sống bằng một nguồn thu nhập
Điều tốt nhất bạn có thể làm nếu muốn nghỉ việc để ở nhà với em bé là thử sinh hoạt chỉ với một nguồn thu nhập. Lý tưởng nhất là cả gia đình chỉ tiêu trong giới hạn thu nhập của vợ hoặc chồng, giữ toàn bộ nguồn thu nhập còn lại trong 9 tháng thai kỳ. Nếu làm như vậy, bạn sẽ biết cách sống với ngân sách eo hẹp khi em bé sinh ra. Trong trường hợp gia đình bạn không thể sinh hoạt đủ chỉ với một nguồn thu nhập, ít ra bạn cũng đã tích lũy được một khoản đáng kể để có thể chi tiêu khi cần.
4. Nghĩ về tương lai xa hơn
Khi con bạn vào đại học, nhiều khả năng hai vợ chồng đã gần đến tuổi hưu trí. Bạn nên tiết kiệm đều đặn cho quỹ hưu trí của chính mình và đặt làm ưu tiên. Nguyên nhân là bởi vì có rất nhiều học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên đại học, nhưng sẽ không ai sẽ tài trợ cho quỹ hưu trí của bạn. Vì vậy, nên tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ tại nơi làm việc, hoặc ít nhất là có một quỹ tiết kiệm riêng phù hợp với cá nhân.
Bảo hiểm nhân thọ cũng là một gợi ý hay. Với thời gian tham gia kéo dài, bạn không thể sử dụng số tiền đó cho đến khi bạn nghỉ hưu hoặc con cái vào đại học.
5. Kiểm tra sức khỏe
Trả lời cho câu hỏi khi nào nên sinh con, nhiều khía cạnh sinh lí và xã hội cho thấy độ tuổi vàng để mang thai là 20 - 35 tuổi. Ngoài chuẩn bị về tài chính, kiểm tra sức khỏe cũng là điều cần thực hiện ít nhất 1 tháng trước khi có con, quyết định đến 70% khả năng mang thai thành công. Những vấn đề cần quan tâm bao gồm:
- Các bệnh mạn tính tiềm ẩn: Bao gồm tim mạch, huyết áp, thiếu máu, tiểu đường, viêm gan,... nếu phát hiện kịp thời sẽ giảm nguy cơ đối với thai kỳ.
- Sàng lọc trước mang thai để phát hiện các rối loạn di truyền, đột biến gen hoặc dị tật thai nhi.
- Các bệnh lây qua đường máu (như Viêm gan B, HIV) và đường tình dục (HIV, nấm, lậu,...)
- Thực hiện tẩy giun trong 2 tháng trước mang thai để tránh lây nhiễm chéo
Riêng đối với người mẹ, cần:
- Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, đa dạng và đầy đủ trước khi mang thai 6 tháng
- Đảm bảo đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình từ 18,5 - 23 hoặc cân nặng không dưới 40 kg
- Từ 3 tháng trước mang thai đến sau sinh 1 tháng, người mẹ cần uống viên sắt và acid folic để tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi
- Sử dụng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc với các chất độc hại và thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Ngừng tránh thai bằng thuốc, sử dụng bao cao su thay thế
- Tiêm ngừa vắc-xin khi có kế hoạch mang thai cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm. Vì nếu mắc những bệnh như cúm, rubella, thủy đậu,... trong thai kỳ có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi cao.
Video đề xuất:
Người chồng cần bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích để tránh ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật... Sau khi tính toán ngày thụ thai và ngày dự sinh phù hợp, cả hai vợ chồng nên chuẩn bị tâm lý và kiến thức tốt để thụ thai tự nhiên thành công.
Việc lên kế hoạch mang thai rõ ràng có ý nghĩa quyết định đối với khả năng mang thai, cũng như tương lai của con trẻ và cả gia đình. Đây có thể là trải nghiệm thú vị và mới mẻ với nhiều cặp đôi, nhưng cũng không hề dễ dàng. Vì vậy, nên dành thời gian tìm hiểu cần chuẩn bị gì trước khi sinh con thật kỹ càng, đừng ngại tham vấn ý kiến chuyên gia và những người đã có kinh nghiệm.
Để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM: