Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hiện nay, nội soi tiêu hóa có 2 kỹ thuật phổ biến nhất là nội soi tiêu hóa thông thường và nội soi tiêu hóa có tiền mê. Tuy nhiên, so với nội soi tiêu hóa thông thường, nội soi tiêu hóa có tiền mê lại được nhiều người lựa chọn nhiều hơn.
1. Nội soi tiêu hóa có tiền mê là sao?
Nội soi tiêu hóa có tiền mê là thủ thuật làm mất cảm giác đau và cảm giác khó chịu trong khi nội soi dạ dày và đại tràng, giúp thủ thuật nội soi tiêu hóa trở nên nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, giảm thiểu nguy cơ thủng đại tràng khi nội soi đại tràng.
Người bệnh được sử dụng thuốc an thần tiêm tĩnh mạch và được bác sĩ kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Thời gian thủ thuật tiền mê phụ thuộc vào thời gian nội soi, bệnh nhân sẽ tỉnh ngay sau khi kết thúc cuộc soi. Thời gian thủ thuật này thường ngắn, lượng thuốc an thần ít nên không hại đến sức khoẻ.
Nội soi tiêu hóa có tiền mê là một thủ thuật tương đối an toàn, ít rủi ro. Bệnh nhân và người nhà nên thảo luận với bác sĩ trước khi làm thủ thuật này.
2. Mục đích nội soi tiêu hóa có tiền mê
Thực tế, nội soi tiêu hóa có tiền mê luôn được bệnh nhân lựa chọn hơn so với nội soi thông thường, bởi những mục đích rất hiệu quả sau:
- Giúp quá trình nội soi, thực hiện kỹ thuật điều trị dễ dàng hơn, chẩn đoán chính xác hơn, giảm sự sợ hãi, giảm cảm giác đau cho bệnh nhân.
- Ứng dụng rộng rãi trong nội soi tiêu hóa: soi dạ dày, soi đại tràng, nội soi mật tụy ngược dòng, nội soi siêu âm, các can thiệp trong nội soi tiêu hóa.
3. Quy trình kỹ thuật nội soi tiêu hóa có tiền mê
3.1. Chuẩn bị bệnh nhân
- Mục đích: Kiểm tra tiền sử, các bệnh lý liên quan có thể ảnh hưởng đến nguy cơ khi tiến hành kỹ thuật, hướng dẫn và giải thích về thủ thuật, về thuốc sử dụng cho bệnh nhân, đánh giá đường thở, xác định tình trạng tiền mê theo ASA:
3.2. Các dụng cụ cần thiết, thuốc và máy theo dõi
Các phương tiện cần thiết bao gồm: nguồn khí O2, máy hút, mask, ống nội khí quản, monitor theo dõi, các thuốc hồi tỉnh (Naloxone, Flumazenil), các thuốc cấp cứu: Atropine, Diphenhydramine, epinephrine, Dextrose ưu trương, Corticoid, Lidocaine, Bicarbonate.
Trong đó, fentanyl và midazolam là thuốc hay được sử dụng, tỷ lệ tai biến, biến chứng do gây mê rất thấp, được áp dụng rộng rãi trên thế giới, và các bác sĩ tiêu hóa được quyền sử dụng để tiền mê cho bệnh nhân khi nội soi và nội soi can thiệp.
3.3. Tiến hành
- Đặt đường truyền tĩnh mạch
- Lựa chọn thuốc, định liều, chú ý giảm liều khi phối hợp thuốc. Tiến hành tiền mê.
- Theo dõi quá trình tiền mê: theo dõi trực tiếp là 1 điều dưỡng kết hợp với bác sĩ nội soi. Nội dung theo dõi: tình trạng ý thức của bệnh nhân, theo dõi các chỉ số về mạch, huyết áp, phân áp oxy.
- Kết thúc tiền mê: bệnh nhân được chăm sóc, theo dõi tại phòng hồi tỉnh đến khi tỉnh hẳn. Đánh giá các chức năng: ý thức, hô hấp, tim mạch, vận động trước khi xuất viện
3.4. Các biến chứng và cách xử trí:
- Tiền mê kéo dài: dùng thuốc hồi tỉnh theo từng loại thuốc mê đã sử dụng.
- Ức chế hô hấp, giảm oxy máu
- Xử trí: Hướng dẫn hoặc kích thích để bệnh nhân thở sâu, cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân. Kiểm soát đường thở: hút đờm rãi; sử dụng các thuốc hồi tỉnh; hô hấp hỗ trợ với áp lực dương tính nếu nhịp thở tự động không đáp ứng được.
- Suy tuần hoàn: Do thuốc mê làm giãn tĩnh mạch, gây tụt huyết áp ở những bệnh nhân giảm khối lượng tuần hoàn.
- Phòng ngừa: Chú ý ở người già, mất nước điện giải, xuất huyết tiêu hóa.
3.5. Theo dõi sau ở phòng hồi tỉnh
Sau khi tiến hành nội soi tiêu hóa có tiền mê, tất cả các bệnh nhân được theo dõi ở phòng hồi tỉnh. Nội dung theo dõi bao gồm: mức độ tỉnh táo của bệnh nhân, tình trạng huyết động, oxy huyết, cảm giác đau, cảm giác khó chịu của bệnh nhân.
4. Một số lưu ý cho bệnh nhân
- Bệnh nhân cần được theo dõi tiếp khoảng 1 giờ sau gây mê, bệnh nhân không được điều khiển xe và vận hành máy móc trong vòng 2 giờ sau khi tiền mê.
- Các bệnh nhân có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi.... cần thông báo cho bác sĩ trước khi tiến hành thủ thuật để cuộc soi an toàn hơn.
- Bệnh nhân soi dạ dày cần nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước soi.
- Bệnh nhân nội soi đại tràng cần được thụt tháo làm sạch đại tràng trước soi.
- Nhịn ăn tối thiểu 06 giờ, nhịn uống ít nhất 2 giờ trước khi nội soi
- Sau khi nội soi: không khạc nhổ, ăn uống trong vòng 30 phút.
Ngoài ra, trước khi tiến hành kỹ thuật nội soi này thì bạn cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa một cách cụ thể hơn để có sự lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất của bản thân.
Thạc sĩ. Bác sĩ Đặng Xuân Cường được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực hồi sức cấp cứu và chống độc tại trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu và chống độc, bác sĩ Cường nguyên là Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu,..tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Tham gia giảng dạy lâm sàng tại trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Hiện bác sĩ Cường đang là bác sĩ Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Mọi thắc mắc cũng như quý khách hàng muốn khám và điều trị bệnh tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Quý khách hàng có thể gọi đến hotline các bệnh viện để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đăng ký khám trực tiếp TẠI ĐÂY.