Melatonin một hormon do tuyến tùng tiết ra với vai trò kiểm soát giấc ngủ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng Melatonin có thể gây ra những giấc mơ sống động hoặc ác mộng. Vậy thực ra mối liên quan giữa Melatonin và những giấc mơ khi ngủ là gì?
1. Melatonin là gì?
Melatonin là hormone mà cơ thể tạo ra một cách tự nhiên tại tuyến tùng. Tuyến tùng là một cơ quan tròn, nhỏ ở trung tâm não bộ, chịu trách nhiệm sử dụng Serotonin để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.
Melatonin được tổng hợp trong hệ thống nội tiết từ serotonin và là hormone chính liên quan đến nhịp sinh học, giúp con người đi vào giấc ngủ và thức dậy mỗi ngày.
Melatonin được quảng cáo là một chất bổ sung nhằm hỗ trợ giấc ngủ với cam kết giúp người dùng dễ dàng chìm vào giấc ngủ mỗi đêm.
Cơ thể con người tự sản xuất ra Melatonin, vì vậy các nghiên cứu không hoàn toàn kết luận về việc liệu việc bổ sung thêm Melatonin có giúp chúng ta ngủ tốt hơn hay không.
Nhưng một nghiên cứu khác đã chỉ ra một tác dụng phụ hấp dẫn của Melatonin là tạo ra những giấc mơ khi ngủ với tính chất kỳ lạ, sống động mà có thể không có nếu không bổ sung Melatonin trước khi đi ngủ.
Chúng ta cần tìm hiểu các nghiên cứu về mối liên quan giữa Melatonin và những giấc mơ khi ngủ, và giải mã giấc mơ khi chúng ta bổ sung thêm Melatonin.
2. Mối liên quan giữa Melatonin và những giấc mơ khi ngủ
Một nghiên cứu cho thấy điều Melatonin thực sự có thể là một phương pháp điều trị cho những người trải qua những ảo giác đau khổ vào ban đêm.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2018 đã xem xét các trường hợp cho biết họ có xuất hiện những hình ảnh và âm thanh đáng sợ vào ban đêm, và chúng sẽ biến mất khi đèn được bật sáng. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng uống viên uống 5mg Melatonin đã đem lại tác dụng loại bỏ tình trạng này ngay lập tức. Ngoài ra, việc bổ sung 5mg Melatonin dạng giải phóng chậm còn giúp giảm số lần xuất hiện ảo giác ở những người tham gia nghiên cứu.
Và một thú vị hơn nữa là nếu uống ít hơn 5mg Melatonin thì tác dụng giảm ảo giác hầu như không xảy ra. Điều này cho thấy rằng liều 5mg đủ mang lại hiệu quả chống xuất hiện những ảo giác kinh hoàng vào ban đêm.
Nghiên cứu này cho thấy rằng Melatonin có thể có tác dụng ngược lại, nghĩa là không gây ra những giấc mơ kỳ lạ mà sẽ khiến chúng hoặc những ảo giác ban đêm ít xảy ra hơn.
Nhưng liệu Melatonin có thể làm cho giấc mơ trở nên sống động hơn hay không?
Một nghiên cứu năm 1987 đã xem xét cách Melatonin tham gia vào quá trình lưu trữ và xóa những ký ức gần của não bộ. Nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta đang trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), Melatonin sẽ giải phóng một chất gọi là Vasotocin, qua đó giúp não bộ xóa đi những ký ức khi chúng ta đang mơ.
REM là khoảng thời gian trong chu kỳ ngủ mà những giấc mơ sống động dễ được ghi nhớ nhất. Bổ sung thêm Melatonin có thể kích thích tăng lượng Vasotocin bài tiết ra trong não, dẫn đến khoảng thời gian ngủ mà trí nhớ bị sẽ dài ra và hệ quả cuối cùng lã những giấc mơ khi ngủ dữ dội và sống động hơn.
Một nghiên cứu năm 1998 đã tìm thấy một số bằng chứng về vai trò ảnh hưởng của Melatonin đối với những giấc mơ khi ngủ bằng cách quan sát những bệnh nhân tâm thần phân liệt có bộ não gặp vấn đề trong các hệ thống trí nhớ. Não bộ bình thường sẽ xóa những ký ức trong mơ ngay khi thức dậy, mục đích là để phân biệt giữa ký ức trong mơ và ký ức thực. Nhưng não bộ của người bị tâm thần phân liệt thì khác khi Vasotocin không phải lúc nào cũng được giải phóng đúng cơ chế bởi Melatonin trong khi ngủ. Điều này có nghĩa là những ký ức về giấc mơ không bị xóa khi chúng ta thức dậy, dẫn đến suy yếu khả năng phân biệt giữa những ký ức thực và ký ức từ những giấc mơ.
Vì vậy có thể thấy Melatonin có mối liên quan mật thiết đến toàn bộ quá trình mơ như một cách để não bộ lưu trữ, xóa và giải mã giấc mơ.
Điều đó có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi nào về nồng độ Melatonin, thông qua bổ sung thêm hoặc thiếu hụt do tình trạng sức khỏe tâm thần, đều có thể ảnh hưởng đến độ sống động của giấc mơ khi ngủ.
Các nghiên cứu khác ủng hộ ý tưởng này về việc Melatonin dẫn đến nhiều giai đoạn hơn trong chu kỳ giấc ngủ, nơi những giấc mơ sống động có cơ hội xuất hiện. Ví dụ, một phân tích tổng hợp năm 2013 xem xét 19 nghiên cứu khác nhau trên 1.683 người về tác động của Melatonin đối với chất lượng giấc ngủ, đặc biệt ở những bệnh nhân mất ngủ.
Phân tích này phát hiện ra rằng Melatonin cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng tổng thời gian ngủ và giảm thời gian để đi vào giấc ngủ.
Một nghiên cứu 2012 cũng ghi nhận Melatonin có thể giúp khắc phục tình trạng lệch múi giờ bằng cách đồng bộ hóa đồng hồ sinh học bên trong cơ thể với múi giờ thực tế. Những người gặp phải những tình trạng này thường báo cáo rằng họ không nhớ những giấc mơ do giai đoạn ngủ REM giảm và bổ sung Melatonin có thể mang lại cho mọi người nhiều cơ hội hơn để giấc mơ sống động.
Một nghiên cứu khác năm 2018 đã tìm thấy tương tác thậm chí còn hấp dẫn hơn giữa Melatonin và giấc ngủ ở những bệnh nhân Alzheimer, cũng như các bất thường tâm thần khác như rối loạn phổ tự kỷ, mất ngủ và tăng huyết áp trong khi ngủ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng Melatonin tiết ra vào ban đêm ở những người mắc bệnh Alzheimer và những tình trạng kể trên đã cản trở chu kỳ giấc ngủ và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, qua đó dẫn đến các rối loạn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Việc bổ sung thêm Melatonin có thể giúp chống lại các triệu chứng này bằng cách hỗ trợ các cấu trúc vật lý trong não liên quan đến việc thúc đẩy nhịp điệu tự nhiên trong chu kỳ giấc ngủ, mang lại nhiều cơ hội hơn cho giấc ngủ REM và những giấc mơ sống động.
3. Mối liên quan giữa Melatonin và ác mộng
Có rất ít nghiên cứu cho thấy Melatonin có thể ảnh hưởng đến tần suất xảy ra ác mộng khi bổ sung thêm từ bên ngoài. Một báo cáo lần đầu tiên năm 2015 đã tìm thấy mối liên quan có thể có giữa Melatonin và các cơn ác mộng, mặc dù bản thân việc sử dụng Melatonin không nhất thiết là nguồn gốc của những cơn ác mộng.
Báo cáo này xem xét trường hợp một người mắc chứng mất ngủ bắt đầu dùng một loại thuốc gọi là Ramelteon, loại thuốc này tương tác trực tiếp với các thụ thể trong não cho phép Melatonin thúc đẩy chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Ngay sau khi uống Ramelteon, người này cho biết đã xuất hiện các cơn ác mộng dữ dội và chúng gần như biến mất ngay lập tức sau khi bác sĩ chỉ định ngừng dùng Ramelteon.
Trường hợp này cho thấy rằng Melatonin tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát giấc mơ, cụ thể là những cơn ác mộng, trong giai đoạn ngủ REM. Nghiên cứu thừa nhận rằng cơ chế chính xác cho mối liên quan này là không rõ ràng và cần phải nghiên cứu thêm để giải thích tại sao điều này lại xảy ra.
4. Cơ chế ảnh hưởng của Melatonin đến giấc mơ khi ngủ là gì?
Không rõ chính xác tại sao nồng độ Melatonin trong cơ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất giấc mơ, cũng như mức độ sống động hay dữ dội những giấc mơ đó.
Theo đó, việc giải phóng Vasotocin từ Melatonin trong khi ngủ có thể là một yếu tố thúc đẩy. Vasotocin tham gia trực tiếp vào việc điều chỉnh giấc ngủ REM và lượng Melatonin tăng lên có thể ảnh hưởng đến lượng Vasotocin của cơ thể. Kết quả là nó có thể ảnh hưởng đến độ sâu giấc ngủ và số lượng giấc mơ.
Bản thân những giấc mơ khi ngủ là kết quả có được do vai trò của Melatonin và Vasotocin, đồng nghĩa càng nhiều Melatonin trong cơ thể thì càng có thể góp phần vào quá trình ghi nhớ những gì diễn ra trong khi ngủ.
5. Tác dụng phụ của Melatonin
Không có nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng Melatonin, ngay cả ở liều cao, sẽ gây ra bất kỳ tác dụng phụ bất lợi, nguy hiểm hoặc lâu dài nào. Nhưng một số tác dụng phụ của Melatonin đã được ghi nhận. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của là cảm giác buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên đây có vẻ không thực sự là tác dụng phụ của Melatonin vì bản chất thuốc vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của nó. Melatonin giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm, nhưng lượng Melatonin dư thừa có thể tiếp tục khiến người dùng buồn ngủ suốt cả ngày.
Các tác dụng phụ được báo cáo khác nên xem xét trước khi dùng Melatonin bao gồm:
- Đau đầu;
- Chóng mặt;
- Buồn nôn;
- Cảm giác phiền muộn;
- Tay run rẩy;
- Lo lắng;
- Đau bụng;
- Cáu gắt;
- Cảm thấy kém tỉnh táo;
- Bối rối hoặc mất phương hướng;
- Huyết áp thấp;
- Hạ nhẹ thân nhiệt độ, khiến cơ thể khó giữ ấm hơn.
Melatonin cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc an thần, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và phản ứng của cơ bắp khi thực hiện các công việc như lái xe. Melatonin cũng có thể làm loãng máu, và điều này có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu như Warfarin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.