Mày đay do cholin thường lành tính và tự khỏi nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh có thể kéo dài cũng như tái phát. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như dị ứng nghiêm trọng, thậm chí sốc phản vệ nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp.
1. Mày đay do cholin là gì?
Bệnh nổi mày đay cấp tiết cholin hay còn gọi mày đay do cholin là một dạng phát ban ngoài da, xảy ra do da phản ứng với acetylcholin - một chất trung gian dẫn truyền thần kinh kiểm soát sự co giãn mạch máu và làm chậm nhịp tim. Người thường xuyên bị nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều là đối tượng dễ mắc phải bệnh này.
Mặc dù bệnh mề đay cholinergic thường tự khỏi mà không cần điều trị nhưng bệnh lý này cũng có thể kéo dài, tái phát liên tục và trở thành mãn tính. Bệnh được chia thành bốn loại chính bao gồm:
- Mày đay do cholin nguyên nhân do dị ứng mồ hôi.
- Mày đay do cholin nguyên nhân do tắc lỗ chân lông.
- Mề đay cholinergic nguyên nhân do tự phát.
- Mày đay do cholin nguyên nhân do có giảm tiết mồ hôi.
2. Nguyên nhân mày đay do cholin
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nên mề đay cholinergic vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố tác động sau đây có khả năng gây ra tình trạng này như:
- Đổ mồ hôi nhiều: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh mày đay do cholin là đổ mồ hôi nhiều. Tắm bồn nước nóng, tập thể dục, ở nơi có nhiệt độ cao, xông hơi, sốt cao, ăn nhiều đồ cay nóng đều có thể dẫn đến tình trạng này.
- Nhiễm ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng như sán, giun,.. sau khi xâm nhập cơ thể sẽ di chuyển theo đường máu đến các cơ quan nội tạng và các vị trí khác. Lúc này, cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo ra các hoạt chất bảo vệ. Điều dẫn đến tình trạng dị ứng da và nổi mày đay do cholin.
- Tác dụng phụ của thuốc: Nguy cơ mắc bệnh mề đay cholinergic sẽ tăng lên khi dùng một số loại thuốc kháng sinh, chống viêm.
3. Triệu chứng mề đay cholinergic
Khoảng 5-6 phút sau khi tập thể dục hoặc do các yếu tố khác kích hoạt, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như nổi nốt mề đay và sưng. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu:
- Vết sưng bị ngứa và nổi mẩn đỏ xung quanh.
- Bề mặt da nổi mày đay với các nốt nhỏ, sưng.
- Các nốt mày đay lan ra toàn cơ thể nhưng thường bắt đầu ở ngực và cổ, sau đó dần dần lan rộng ra các khu vực khác. Thời gian kéo dài của tình trạng này từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào từng người.
Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm khác cũng có khả năng xuất hiện bao gồm: Đau bụng đi ngoài, buồn nôn và nôn cùng tăng tiết nước bọt. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây khó thở, đánh trống ngực hoặc co thắt dạ dày.
Mày đay do cholin thường lành tính và tự khỏi. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, bệnh kéo dài và tái phát liên tục. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh sẽ có thể phải các biến chứng nguy hiểm như dị ứng nghiêm trọng, thậm chí là sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
Người thường xuyên luyện tập thể thao, đặc biệt là vận động viên thường gặp nhiều khó khăn và bất tiện do mề đay cholinergic gây ra. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp và an toàn.
4. Cách điều trị mày đay do cholin
Mặc dù mày đay do cholin thường tự khỏi mà không cần điều trị nhưng tình trạng này vẫn có khả năng kéo dài, tái diễn và chuyển biến thành mề đay cholinergic mãn tính. Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm: dùng thuốc, thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cụ thể:
- Dùng thuốc điều trị mề đay cholinergic: Để ngăn ngừa và điều trị mề đay cholinergic, bác sĩ thường sử dụng một số loại thuốc kháng histamin. Ngoài ra, methantheline bromide hoặc montelukast cũng được dùng để kiểm soát lượng mồ hôi. Bên cạnh đó, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế miễn dịch và tia UV cũng được sử dụng để điều trị loại mề đay này. Trường hợp sốc phản vệ do tập thể dục, Epipen được chỉ định để sử dụng. Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng ngứa ngáy và nổi ban đỏ, các loại kem bôi chống dị ứng, dưỡng ẩm cũng được sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị mề đay cholinergic nào đều cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Do đó, người bệnh không nên tự ý mua thuốc.
- Hạn chế tác nhân kích hoạt: Nhằm kiểm soát cơn mày đay, người bệnh cần thay đổi lối sống, tránh xa các yếu tố dễ gây kích ứng. Cụ thể, các hoạt động như tập thể dục, tắm nước nóng, tiêu thụ thực phẩm cay nóng và tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài nên được hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, căng thẳng và áp lực cũng là những tác nhân gây bệnh. Vì vậy, người bệnh cần giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố này bằng cách nghe nhạc, tập yoga hoặc làm những điều mình yêu thích.
- Xây dựng chế độ ăn uống: Mày đay do cholin mãn tính sẽ được hạn chế bằng cách áp dụng chế độ ăn ít histamin - chất gây ra phản ứng dị ứng. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm như giấm, rượu, quả hạch, thức ăn mặn, các sản phẩm từ sữa, cá và hải sản, cũng như những thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản hoặc phụ gia.
- Với trường hợp mày đay do cholin, người bệnh có thể áp dụng cách chữa tại nhà bằng lá khế hoặc uống nước cốt tía tô giã nát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Bệnh mày đay có lây không và liệu có tự khỏi?
- Mề đay khi mang thai và sau sinh: Những điều cần biết
- Tìm hiểu lý do gây mề đay