Mất xương vùng khuỷu do gãy, chấn thương

Gãy vỡ xương khuỷu tay là một chấn thương khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và người lớn tuổi. Khi xương khuỷu tay bị gãy, tình trạng này có thể gây đau đớn dữ dội, sưng tấy và hạn chế khả năng vận động của cánh tay. Để hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện các bài tập vật lý trị liệu và tái khám định kỳ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Mất xương vùng khuỷu và gãy khuỷu tay là gì?

Ba xương tạo thành khớp khuỷu tay bao gồm: đầu dưới của xương cánh tay, đầu trên của xương trụ và xương quay. Xương khuỷu tay bị gãy có thể xảy ra tổn thương ở một hoặc nhiều trong ba xương này và điều đó có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc xương, mạch máu, thần kinh, gây đau đớn và suy giảm chức năng.

Gãy vỡ xương khuỷu tay là tình trạng nghiêm trọng.
Gãy vỡ xương khuỷu tay là tình trạng nghiêm trọng.

Các nguyên nhân dẫn đến gãy xương khuỷu tay thường thấy bao gồm tai nạn giao thông, như va chạm khi điều khiển ô tô hoặc xe máy. Tác động trực tiếp lên khuỷu tay trong các tình huống như chơi thể thao, ngã từ ván trượt, ngã khỏi xe máy, rơi từ độ cao, hoặc cố gắng đỡ người bằng cánh tay duỗi thẳng và bàn tay mở cũng có thể gây ra gãy vỡ xương khuỷu tay.

Chấn thương khi chơi môn thể thao như bóng đá có thể dẫn đến gãy vỡ xương khuỷu tay.
Chấn thương khi chơi môn thể thao như bóng đá có thể dẫn đến gãy vỡ xương khuỷu tay.

Nói chung, bất kỳ tổn thương nào trực tiếp ảnh hưởng đến khuỷu tay, bàn tay, cổ tay hoặc vai đều có khả năng làm tổn thương khuỷu tay. Đối với trẻ em, gãy xương khuỷu tay có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển xương.

2. Dấu hiệu nhận biết gãy vỡ xương khuỷu tay

Dấu hiệu nhận biết gãy vỡ xương khuỷu tay có thể bao gồm:

2.1 Sưng và đau nhức phần khuỷu tay

Khi gãy xương khuỷu tay, các triệu chứng đau đớn mà người bệnh gặp phải có thể thay đổi tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, từ đau, buốt đến nhói. Gãy xương khuỷu tay hở thường gây ra cảm giác đau nhói và có thể dẫn đến choáng váng vì sốc và mất máu. Trong khi đó, gãy xương khuỷu tay kín thường gây sưng tấy và phù nề tại khu vực bị tổn thương.

2.2 Biến dạng khuỷu tay

Bệnh nhân dù gặp phải gãy xương kín hay gãy hở, di lệch xương hay không di lệch đều sẽ có các biểu hiện biến dạng khuỷu tay từ nhẹ đến nặng mà có thể được quan sát bằng mắt thường. Đối với gãy hở, da có thể bị rách (có thể thấy xương) và có chảy máu. Đối với gãy xương kín, da sẽ bị thâm tím, bầm thành mảng do các mạch máu bị tổn thương dẫn đến tụ máu.

2.3 Mất chức năng vận động

Khi xương khuỷu tay bị gãy vỡ, các cử động tại khu vực xương và khớp khuỷu tay của bệnh nhân sẽ bị hạn chế tối đa do đau, nếu nặng hơn có thể gây mất khả năng vận động hay cử động. Thêm vào đó, bệnh nhân còn có thể cảm thấy tê, lạnh hoặc mất cảm giác ở phần mu trên bàn tay và các ngón tay do sự ảnh hưởng của các dây thần kinh.

3. Gãy vỡ xương khuỷu tay bao lâu thì lành?

Mức độ và thời gian phục hồi của vết gãy vỡ xương khuỷu tay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thể trạng của từng người, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và phương pháp điều trị được áp dụng. Đa số trường hợp gãy xương khuỷu tay cần cố định bằng nẹp hoặc bó bột trong khoảng 3 đến 6 tuần.  

Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập luyện các bài tập nhẹ nhàng để phục hồi chức năng vận động. Nhiều người có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp khác có thể mất tới 1 năm hoặc hơn để xương lành hoàn toàn.

4. Hướng điều trị gãy xương khuỷu tay

Tương tự các loại gãy xương khác, các phương án điều trị sẽ được bác sĩ đề xuất dựa trên mức độ chấn thương. Nếu chấn thương nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định dùng nẹp để nâng cánh tay, chườm đá lạnh cho vùng bị sưng và dùng thuốc giảm đau. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, điều trị có thể bao gồm phẫu thuật để chỉnh sửa phần xương gãy, dây thần kinh, và mạch máu.

Các hướng điều trị cho gãy xương khuỷu tay do chấn thương được liệt kê dưới đây:

4.1 Điều trị bằng thuốc

Khi tai nạn xảy ra, bác sĩ có khả năng lập tức chỉ định một số loại thuốc giảm đau cho người bệnh tùy theo mức độ nghiêm trọng. Đối với cơn đau nhẹ, thuốc uống sẽ được kê đơn, còn với cơn đau từ mức trung bình đến nặng, thuốc sẽ được tiêm vào cơ hoặc tĩnh mạch.

Mặc dù thuốc giảm đau dễ gây buồn ngủ nhưng có khả năng làm giãn cơ bắp và giúp bác sĩ thực hiện các thao tác nắn chỉnh cần thiết ở khuỷu tay một cách dễ dàng hơn.

Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc với những cơn đau nhẹ.
Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc với những cơn đau nhẹ.

4.2 Điều trị bằng phương pháp khác

Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nẹp thạch cao hoặc bó bột để giữ cho khuỷu tay không bị gập hay quay vì các chuyển động này có thể khiến xương khó liền hoặc gây trật khớp.

Lưu ý:

  • Hiếm khi bác sĩ chỉ định bó bột ngay khi mới bị chấn thương khuỷu tay vì có nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu nếu khuỷu tay bị sưng bên trong bột.
  • Vào thời gian đầu sau chấn thương, bệnh nhân có thể cần được nẹp cố định và đeo dây đeo qua đầu, đồng thời dẫn lưu chất lỏng nếu cần thiết nhằm giảm áp lực lên cánh tay.
  • Trong thời gian nẹp, bó bột và sau đó, bệnh nhân cần thực hiện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ở mức độ vừa phải, tương ứng với từng giai đoạn.

Nếu có sự cố xảy ra với một xương ở khuỷu tay hoặc xương bị lệch khỏi khớp, cần tiến hành thủ thuật để nắn chỉnh và đặt lại xương. Phương pháp này giúp xương trở về đúng vị trí, làm giảm cơn đau, hỗ trợ quá trình lành xương nhanh chóng và giảm nguy cơ chèn ép hoặc cắt đứt dây thần kinh, mạch máu.

4.3 Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật thường là phương án tối ưu trong trường hợp mất xương vùng khuỷu theo kiểu hở hoặc khi gặp chấn thương khuỷu tay phức tạp như là gãy nhiều phần hoặc gãy kèm di lệch. Xương không chỉ cần được chỉnh mà còn phải làm sạch để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Chấn thương khuỷu tay xuất hiện phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn nhưng loại chấn thương và cách hồi phục có thể khác nhau giữa hai nhóm. Vì vậy, phương pháp điều trị mà bác sĩ sử dụng cho người lớn và trẻ em bị gãy vỡ xương khuỷu tay có thể không giống nhau.

Để giảm thiểu nguy cơ tàn tật về sau và các biến chứng như cứng khớp khuỷu hay dính khuỷu tay, phát hiện và điều trị sớm chấn thương khuỷu tay là rất quan trọng. Mọi chấn thương nghiêm trọng liên quan đến khuỷu tay và xương nói chung đều cần được chú ý để điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe