Điều trị gãy vỡ xương khuỷu tay

Gãy xương khuỷu tay là một trong những chấn thương phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày hoặc khi tham gia các hoạt động thể thao. Chấn thương này không chỉ gây đau đớn mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến khả năng vận động của cánh tay, đặc biệt nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Gãy xương khuỷu tay là gì?  

Gãy xương khuỷu tay là tình trạng tổn thương một hoặc nhiều trong ba xương cánh tay. Các chấn thương nghiêm trọng như trật khớp và gãy xương không chỉ gây tổn thương đến xương mà còn ảnh hưởng đến các cấu trúc xung quanh như mạch máu và dây thần kinh, làm gián đoạn chức năng cùng chuyển động của khuỷu tay.

Đối với trẻ nhỏ, tình trạng gãy xương khuỷu tay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển và tăng trưởng xương ở trẻ. Nguy cơ xương bị biến dạng tăng lên đáng kể và có thể dẫn đến hạn chế chức năng khuỷu tay tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy.

Các dây thần kinh chính như dây thần kinh giữa, dây thần kinh quay và dây thần kinh trụ, cùng với nhiều mạch máu quan trọng, đi qua khu vực khuỷu tay. Do đó, khi xảy ra gãy xương ở khu vực này, rủi ro tổn thương thần kinh và mạch máu là rất cao.

2. Nguyên nhân gây gãy xương khuỷu tay

Ngã trượt ván có nguy cơ gãy xương khuỷu tay.
Ngã trượt ván có nguy cơ gãy xương khuỷu tay.

Gãy xương khuỷu tay là một tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chấn thương trong thể thao đến các tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số tình huống thường gặp dẫn đến gãy xương khuỷu tay:

  • Trong trường hợp ngã ngửa như khi trượt patin hoặc trượt ván. Sử dụng cánh tay duỗi thẳng và bàn tay mở để đỡ người có thể dẫn đến gãy xương.
  • Chấn thương do va chạm tốc độ cao, thường xảy ra trong các vụ tai nạn ô tô hoặc xe máy, cũng có thể gây ra các chấn thương tương tự.
  • Một tác động mạnh trực tiếp lên khuỷu tay từ việc ngã từ xe đạp hoặc ván trượt có thể khiến xương bị vỡ.
  • Ngoài ra, bất kỳ chấn thương trực tiếp nào đến cánh tay, cổ tay, bàn tay hoặc vai cũng có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay, dẫn đến gãy xương.

3. Triệu chứng của gãy xương khuỷu tay

Triệu chứng của gãy xương khuỷu tay rất rõ ràng. Sau đây là một số triệu chứng điển hình mà người bệnh có thể trải qua:

  • Da quanh khu vực khuỷu tay thay đổi màu như bầm tím hoặc đỏ.
  • Đau đớn tại khuỷu tay, cơn đau có thể lan ra toàn bộ cánh tay.
  • Khả năng di chuyển khuỷu tay bị hạn chế, đi kèm với cảm giác khó chịu khi cố gắng di chuyển.
  • Sưng tại khuỷu tay hoặc các khu vực lân cận, bao gồm phía trên và dưới khuỷu tay.
  • Biến dạng tại khuỷu tay hoặc ở khu vực xung quanh, làm cho hình dạng khuỷu tay không còn bình thường.
  • Khó khăn trong việc uốn cong hoặc duỗi thẳng cánh tay hoàn toàn.
  • Người bệnh gặp khó khăn trong các động tác xoay bàn tay, bao gồm cả việc quay lòng bàn tay ra ngoài và vào trong. Khi giữ cánh tay duỗi thẳng dọc theo hông và khuỷu tay được uốn cong 90 độ, họ thường không thể quay lòng bàn tay hướng lên trên hoặc quay vào trong để lòng bàn tay hướng xuống mặt đất.
  • Cảm giác tê bì hoặc giảm cảm giác ở cẳng tay, bàn tay hoặc ngón tay, kèm theo cảm giác lạnh.

4. Điều trị gãy xương khuỷu tay

Sử dụng thuốc uống giảm đau với cơn đau nhẹ.
Sử dụng thuốc uống giảm đau với cơn đau nhẹ.

Việc điều trị gãy xương khuỷu tay thường phụ thuộc vào mức độ và loại chấn thương mà người bệnh gặp phải. Trong một số trường hợp, điều trị có thể khá đơn giản, bao gồm sử dụng nẹp để nâng đỡ cánh tay, áp dụng đá lạnh lên vùng sưng và dùng các loại thuốc giảm đau.  

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để sửa chữa xương bị gãy cũng như các dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương. Điều trị cho trẻ em và người lớn có thể khác nhau tùy theo đặc điểm của từng loại chấn thương mắc phải, do đó phương pháp hồi phục cũng khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm tuổi này.

4.1 Thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân dựa trên mức độ đau như sau:

  • Thuốc uống: Thường được chỉ định cho các cơn đau nhẹ.
  • Thuốc tiêm vào cơ hoặc tĩnh mạch: Sử dụng trong trường hợp đau từ trung bình đến nặng.
  • Thuốc có thể được tiêm trực tiếp vào khớp khuỷu tay hoặc qua đường tĩnh mạch để giảm đau nhanh chóng.

Trong trường hợp khuỷu tay bị trật hoặc vỡ, có thể cần thực hiện nắn chỉnh. Thuốc giảm đau cũng được sử dụng trong quá trình này để hỗ trợ giảm đau, làm giãn cơ, giúp can thiệp dễ dàng hơn và bệnh nhân cảm thấy thoải mái. Cần lưu ý rằng một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ hoặc ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của bệnh nhân.

4.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị ưu tiên đối với những chấn thương khuỷu tay nghiêm trọng như vết thương hở hoặc gãy nhiều mảnh xương. Đặc biệt, trong trường hợp chấn thương khuỷu tay hở - nơi mà một hoặc nhiều xương khuỷu tay xuyên qua da, cần phải tiến hành phẫu thuật. Lúc này, xương không chỉ cần chỉnh sửa mà còn để làm sạch vết thương nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh nhân có vết thương hở cần phẫu thuật để điều trị.
Bệnh nhân có vết thương hở cần phẫu thuật để điều trị.

Nếu chấn thương kèm theo tổn thương dây thần kinh và mạch máu, việc sửa chữa cũng sẽ được thực hiện trong phòng phẫu thuật. Các nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng một số loại gãy xương khuỷu tay có khả năng hồi phục tốt hơn nếu được can thiệp bằng phẫu thuật. Do đó, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân cũng như gia đình họ, giúp đưa ra quyết định phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân.

4.3 Các liệu pháp khác

4.3.1 Nẹp, bó bột

Trong trường hợp khớp khuỷu tay của người bệnh chứa nhiều máu hoặc dịch lỏng, việc dẫn lưu tại khoa cấp cứu là cần thiết.

Dẫn lưu máu hoặc chất lỏng từ khớp khuỷu tay có thể hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán các tổn thương cụ thể. Việc loại bỏ chất lỏng này giúp giảm áp lực và đau đớn tại khu vực khuỷu tay. Sau đó, người bệnh thường được áp dụng các biện pháp hỗ trợ như nẹp, dây đai và đôi khi là bó bộ (tùy thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của chấn thương).

Nẹp thường được làm từ thạch cao và đặt ở phía sau cánh tay, không bao quanh hoàn toàn bằng các vật liệu nẹp khác. Nẹp này giúp giữ khuỷu tay ở một tư thế cố định, từ gần vai đến tay, nhằm hạn chế sự quay hoặc gập của khuỷu tay. Điều này tránh làm xương gãy khó liền gắn hoặc gây trật khớp.

Bệnh nhân cũng có thể được cung cấp một dây đeo để giữ cho cánh tay nẹp nghỉ ngơi thoải mái và được nâng lên để giảm sưng, đặc biệt là trong những ngày đầu sau chấn thương. Việc nâng cánh tay giúp giảm sự chèn ép vào thần kinh và mạch máu tại khu vực khuỷu tay hoặc cẳng tay, giảm nguy cơ tổn thương thêm.

Thông thường, gãy xương khuỷu tay ít khi được chỉ định bó bột hoàn toàn do nguy cơ sưng bên trong bột có thể gây tổn thương thần kinh và mạch máu.

4.3.2 Nắn chỉnh khuỷu tay

Nếu xương khuỷu tay bị lệch khỏi vị trí bình thường hoặc trật khớp, bác sĩ cần tiến hành nắn chỉnh xương để phục hồi vị trí ban đầu của khớp. Việc này có những mục tiêu quan trọng, bao gồm:

  • Đưa xương về vị trí đúng giúp giảm đau đáng kể cho bệnh nhân.
  • Nắn chỉnh xương đúng cách giúp xương liền nhanh hơn và đảm bảo khớp khuỷu tay hoạt động hiệu quả sau khi bình phục.
  • Ngăn chặn các tổn thương có thể xảy ra đối với dây thần kinh và mạch máu, bảo vệ chức năng cảm giác và tuần hoàn tại khu vực bị ảnh hưởng.

4.3.3 Phục hồi chức năng

Cho dù bệnh nhân được áp dụng phương pháp điều trị nào, việc phục hồi chức năng vận động là hết sức quan trọng. Điều trị bảo tồn như bó bột, có thể dẫn đến tình trạng cứng khớp khuỷu tay, là một biến chứng phổ biến. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng một cách kỹ lưỡng để lấy lại khả năng vận động bình thường của khuỷu tay.

Việc điều trị gãy xương khuỷu tay kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Việc điều trị gãy xương khuỷu tay kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ sẽ cung cấp hướng dẫn cho bệnh nhân về các bài tập đặc biệt nhằm cải thiện phạm vi chuyển động, giảm độ cứng tại khớp và tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khuỷu tay. Những bài tập này giúp tối ưu hóa quá trình hồi phục và phòng ngừa các vấn đề lâu dài có thể xảy ra.

Trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, bệnh nhân cần tránh sử dụng tay bị thương để thực hiện các hoạt động như nâng, đẩy hoặc kéo các vật nặng để bảo vệ vùng bị tổn thương khỏi các rủi ro làm tình trạng thêm trầm trọng.

4.4 Cách phòng ngừa gãy xương khuỷu tay

Giống như các loại chấn thương xương khác, gãy xương khuỷu tay đòi hỏi một khoảng thời gian dài để hồi phục và còn có nguy cơ tái gãy cao. Tuy không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ gãy xương bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Sử dụng các thiết bị bảo hộ khuỷu tay phù hợp khi tham gia vào các hoạt động thể thao.
  • Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe cho cơ và xương khớp.
  • Học và luyện tập các kỹ thuật chuyên môn một cách chính xác trước khi tham gia các cuộc thi đấu thể thao.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng để củng cố độ chắc khỏe cho xương.

Tóm lại, xương khuỷu tay bao gồm việc gãy một hoặc nhiều trong ba xương cấu thành khớp khuỷu tay. Các phương pháp điều trị cho tình trạng này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Gãy xương khuỷu tay có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về thần kinh và mạch máu, vì vậy cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám cũng như xử lý kịp thời nhằm hạn chế các rủi ro, hỗ trợ quá trình hồi phục tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất: Hướng dẫn băng vết thương khi nghi ngờ bị gãy xương

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe