Mắc bệnh tiểu đường, có nên ăn quả bơ?

Mắc bệnh tiểu đường ăn quả bơ được không hay phụ nữ đang mang thai bị tiểu đường ăn bơ có ảnh hưởng gì không là thắc mắc của nhiều người. Bởi bơ là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt khi kết hợp với các loại trái cây, sữa, kem, ... tạo thành món sinh tố vô cùng hấp dẫn.

1. Bệnh tiểu đường có ăn được trái bơ không?

Hiện nay, bạn có thể mua bơ ở bất kỳ đâu vì bơ được bày bán rất phổ biến. Bơ có lớp vỏ bên ngoài và phần ruột bên trong màu xanh. Sở dĩ bơ được nhiều người yêu thích vì trong bơ có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, thậm chí là vị béo của bơ đến từ chất béo tốt cho sức khỏe. Mặc dù chứa nhiều chất béo nhưng đó là những chất béo rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Quả bơ không chỉ là thực phẩm an toàn đối với những người mắc bệnh tiểu đường mà thậm chí chúng còn mang lại nhiều lợi khác. Các nghiên cứu đã cho thấy quả bơ có thể giúp mọi người kiểm soát bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe tổng thể của họ theo nhiều cách khác nhau.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi, bị tiểu đường ăn quả bơ được không thì câu trả lời là có. Nếu thêm bơ vào chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh giảm cân, giảm cholesterol và tăng độ nhạy insulin.

2. Bơ tốt cho sức khỏe người mắc bệnh tiểu đường type 2 như thế nào?

2.1 Không làm tăng đột biến lượng đường trong máu

Mặc dù chứa nhiều chất béo nhưng trên thực tế bơ lại cung cấp rất ít carbohydrate. Những thực phẩm có hàm lượng carbs thấp rất tốt đối với người tiểu đường, vì chúng không làm tăng đột biến lượng đường trong máu.

2.2 Nguồn cung cấp chất xơ dồi dào

Một nửa quả bơ nhỏ là lượng ăn tiêu chuẩn và phổ biến, khi chứa khoảng 5,9 gam carbohydrate, 4,6 gam chất xơ, ít hơn 0,5 gam đường, 10 gam chất béo (trong đó gần 9 gam chất béo không bão hòa) và khoảng 110 calo.


Bơ là loại thực phẩm an toàn dành cho người tiểu đường, thậm chí nó còn mang lại nhiều lợi ích khác
Bơ là loại thực phẩm an toàn dành cho người tiểu đường, thậm chí nó còn mang lại nhiều lợi ích khác

Theo khuyến nghị, mỗi ngày cần bổ sung chất xơ với lượng tối thiểu của từng nhóm đối tượng cụ thể như sau:

  • Phụ nữ, nam giới dưới 50 tuổi: 25 - 38 gam.
  • Phụ nữ, nam giới trên 50 tuổi: 21 - 30 gam.

Với lượng chất xơ dồi dào, không những không làm tăng lượng đường trong máu mà ăn bơ cũng như những thực phẩm giàu chất xơ khác như rau, trái cây, các loại hạt còn giúp người bị tiểu đường type 2 giảm đường máu khi đói và chỉ số A1c.

2.3 Giảm cân và cải thiện độ nhạy insulin

Người bị tiểu đường thường đi kèm với thừa cân, béo phì. Vì vậy, giảm cân dù rất ít nhưng cũng có thể làm tăng độ nhạy insulin và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Vậy với lượng chất béo đã nêu ở trên, người bị tiểu đường ăn quả bơ được không? Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chất béo lành mạnh có trong quả bơ là chất béo không bão hòa đơn, giúp no lâu sau bữa ăn, từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn vặt và như vậy sẽ không tiêu thụ thêm calo cho cơ thể.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết, chất béo không bão hòa đơn có trong quả bơ còn có tác dụng khác là làm tăng độ nhạy insulin của cơ thể, tức là cơ thể điều tiết insulin một cách hiệu quả để kiểm soát lượng đường trong máu.

2.4 Chứa nhiều chất béo lành mạnh

Chất béo không bão hòa đơn có trong quả bơ không chỉ giúp giảm cân mà còn rất tốt cho tim mạch, vì chúng giúp làm giảm cholesterol LDL xấu và tăng cholesterol HDL tốt. Ngoài ra, chất béo không bão hòa đơn còn có tác dụng làm giảm huyết áp.

Ở người bị tiểu đường nói riêng và người bình thường nói chung, nhiều cholesterol tốt trong máu sẽ giúp loại bỏ cholesterol xấu và giúp làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, cũng là biến chứng của bệnh tiểu đường.


Bơ là thoại quả chứa nhiều chất béo lành mạnh, tốt cho người bệnh tiểu đường
Bơ là thoại quả chứa nhiều chất béo lành mạnh, tốt cho người bệnh tiểu đường

3. Cách người tiểu đường ăn trái bơ tốt cho sức khỏe

Ăn một trái bơ tương đương với cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khoảng từ 250 - 300 calo. Như đã nêu ở trên, quả bơ mang đến cho cơ thể nhiều chất béo lành mạnh, có thể thay thế cho những chất béo có trong các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, ăn nhiều bơ có thể khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều calo, năng lượng và gây tăng cân.

Người bị tiểu đường và thừa cân nếu muốn giảm cân, cần phải chú ý khẩu ăn không được cung cấp năng lượng nhiều hơn so với nhu cầu. Để kiểm soát vấn đề này, chất béo không bão hòa đơn có trong quả bơ được xem là gợi ý thay thế cho phô mai hoặc bơ sữa.

Theo khuyến nghị của FDA, khẩu phần ăn quả bơ trung bình để tốt cho sức khỏe mọi người là khoảng 1⁄5 quả, tương đương với 50 calo. Tuy nhiên, mọi người thường ăn ít nhất là 1⁄2 quả bơ trong mỗi lần ăn. Nếu ăn quả bơ theo lượng mà FDA khuyến nghị có thể mang lại những lợi ích đối với sức khỏe như sau:

Cùng tham khảo một số gợi ý cho các bữa ăn và cách người mắc bệnh tiểu đường ăn bơ không làm ảnh hưởng đến đường huyết nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

3.1 Bữa sáng cho người mắc bệnh tiểu đường ăn cùng trái bơ

  • Cắt bơ thành từng lát hoặc nghiền nát bơ, sau đó xếp các lát bơ hoặc phết 1 - 2 muỗng cà phê bơ đã nghiền lên một lát bánh mì sandwich nướng nguyên hạt. Rắc thêm tiêu, tỏi, có thể kết hợp với cà chua, các loại rau để tăng mùi vị.
  • Cắt quả bơ ra làm đôi, lấy hạt ra và bỏ phần vỏ. Đập một quả trứng vào giữa và cho vào lò nướng nướng với nhiệt độ trong khoảng từ 15 - 20 phút ở nhiệt độ 220°C. Thái hạt lựu cà chua, ớt, các loại rau khác rắc lên trên quả bơ nướng với trứng. Hoặc cũng có thể cắt bơ thành hạt lựu và rắc lên trứng tráng.

Với bữa sáng, bạn có thể kết hợp bơ với bánh mì nguyên hạt cùng với một số loại gia vị để tăng hương vị
Với bữa sáng, bạn có thể kết hợp bơ với bánh mì nguyên hạt cùng với một số loại gia vị để tăng hương vị

3.2 Bữa trưa cùng với bơ người mắc tiểu đường

Bữa trưa bạn có thể thái bơ thành từng khối vuông nhỏ (dạng cube) và trộn với salad. Hay nghiền bơ với nước cốt chanh và gia vị để tạo thành sốt chấm hoặc tưới lên rau, thịt.

3.3 Bữa tối trong ngày cùng trái bơ

Thái bơ thành từng lát ăn với món tacos cá hoặc các món ăn Mexico khác. Thái thành hạt lựu và rắc lên bánh pizza nguyên hạt và giảm lượng phô mai.

Hy vọng với những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc, tiểu đường ăn trái bơ được không, cũng như mang đến cho bạn cùng gia đình nhiều gợi ý về các món ăn chế biến cùng bơ tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó nếu có nhu cầu ăn kiêng và giảm cân, người tiểu đường nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi đưa bơ vào chế độ ăn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com - medicalnewstoday.com - healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe