Lý do nhịn ăn uống trước phẫu thuật

Nhịn ăn là một trong những quy định quen thuộc để chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, tại sao cần nhịn ăn uống trước phẫu thuật, nhịn ăn bao lâu trước khi mổ là hợp lý hay nhịn ăn như thế nào thì không phải ai cũng biết. Những thông tin dưới đây hy vọng sẽ hữu ích, giúp bạn có sự chuẩn bị trước khi phẫu thuật chu đáo nhất.

1. Nhịn ăn trước phẫu thuật như thế nào?

Nếu bạn đã được lập kế hoạch về một cuộc phẫu thuật sắp tới, bạn cần phải được các nhân viên y tế thông báo về việc không nên ăn hoặc uống trong 8 đến 12 giờ trước cuộc mổ. Trừ khi bạn vẫn được cho phép uống thuốc vào buổi sáng trước khi phẫu thuật với một vài ngụm nước nhỏ, quy định không có thức ăn hoặc đồ uống được tiêu thụ trước phẫu thuật thực sự có nghĩa là bạn hoàn toàn không được cho gì vào miệng. Dù chỉ vô tình một miếng ăn nhẹ hoặc thậm chí là một ngụm nước, cuộc mổ của bạn có nguy cơ trì hoãn thêm hoặc bị hủy bỏ.

Một điều thuận lợi là hầu hết mọi người đều ngủ trong toàn thời gian nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ trước khi phẫu thuật khi có rất nhiều ca mổ được lên lịch tiến hành vào sáng sớm. Bệnh nhân có thể ngừng ăn vào khoảng đêm tối trước khi phẫu thuật và sau đó không uống bất cứ thứ gì từ khi họ thức dậy cho đến khi phẫu thuật hoàn tất. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể yêu cầu việc chuẩn bị đường ruột. Lúc này, người bệnh cần uống dung dịch làm loãng chất thải để loại bỏ hoàn toàn các chất có trong đường tiêu hóa ra ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các ca mở ổ bụng, hạn chế lây nhiễm.


Nhịn ăn trước phẫu thuật
Nhịn ăn trước phẫu thuật

2. Vì sao phải nhịn ăn trước phẫu thuật?

Có rất nhiều lý do để giải thích cho tại sao bệnh nhân được yêu cầu không ăn uống gì trước khi làm phẫu thuật, Một trong số đó là các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi có sự hiện diện thức ăn trong dạ dày trong quá trình gây mê.

2.1. Chức năng hô hấp

Nếu vô tình làm thức ăn, nước uống rơi vào đường thở, cơ thể sẽ có phản ứng bằng cách ho sặc hoặc nôn ói một cách dữ dội để bảo vệ đường thở.

Khi bị gây mê toàn thân, khả năng phản ứng tương tự của bạn không còn nữa vì toàn bộ các cơ bắp đều bị tê liệt. Đồng thời, bạn đã bất tỉnh nên không còn biết cách ho ra, nguy cơ ngạt thở do hít sặc rất cao. Ngoài ra, người bệnh sẽ được đặt ống vào đường thở, gọi là ống nội khí quản. Đây là con đường để các bác sĩ gây mê gắn vào máy thở, bơm dưỡng khí và hút ra theo chu kỳ, cũng như có thể giúp cho nhân viên y tế dễ dàng hút dịch tiết nguy cơ gây tắc nghẹt đường thở. Tuy nhiên, điều này không thể bảo vệ bạn hoàn toàn nếu với một chiếc dạ dày căng đầy.

2.2. Chuẩn bị đường ruột

Nếu phẫu thuật sẽ được tiến hành trên một đoạn thuộc hệ thống tiêu hóa, sự hiện diện của thức ăn còn tồn đọng trong lòng ruột có thể làm cuộc phẫu thuật thêm khó khăn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Chính vì vậy, việc ăn hoặc uống trước khi làm phẫu thuật có thể khiến cuộc mổ bị hủy bỏ.

Trong một số trường hợp, nếu cần phải phẫu thuật đường ruột cấp cứu, nhân viên y tế sẽ phải làm trống hoàn toàn đường tiêu hóa của bạn bằng cách dùng thuốc làm tăng tống xuất hay các thao tác thực thể, giúp cho các chất cặn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt.

2.3. Vấn đề buồn nôn và nôn ói

Buồn nôn và nôn ói sau phẫu thuật là một trong những biến chứng phổ biến nhất khi hồi tỉnh. Điều này có thể dễ dàng hạn chế hơn nếu trước đó bệnh nhân đã có dạ dày rỗng. Việc điều trị bằng thuốc chống nôn ói có khả năng thuyên giảm triệu chứng này; tuy nhiên sẽ khó hiệu quả khi đường tiêu hóa căng đầy.

Ngoài ra, nếu đã tiêu thụ thức ăn hoặc uống nước vào dạ dày khi chuẩn bị phẫu thuật, người bệnh sẽ rất dễ bị nôn ói khi bắt đầu gây mê. Sự kết hợp của thuốc mê, thuốc dãn cơ và thao tác đặt nội khí quản sẽ khiến cho người bệnh hít chất nôn vào phổi. Thực phẩm hoặc chất lỏng từ tiêu hóa khi được hít sặc sẽ nhanh chóng dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng phổi do hóa chất. Cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ này là một chiếc dạ dày hoàn toàn trống rỗng trước phẫu thuật.

3. Nhịn ăn bao lâu trước khi mổ?

Nếu bạn đã từng trải qua phẫu thuật, quy định không ăn uống gì trước cuộc mổ sẽ trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, thời gian cần nhịn ăn bao lâu vẫn chưa được đồng thuận giữa các chuyên gia. Một số quan điểm thống nhất rằng thời gian nhịn ăn không cần thiết phải quá dài và còn tùy thuộc vào đối tượng, tính chất cuộc mổ.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, hướng dẫn chuẩn bị trước khi phẫu thuật đã nới lỏng thời gian nhịn ăn nhưng không có thay đổi khi bệnh nhân không được phép ăn uống kể từ thời khắc nửa đêm trước cuộc mổ. Sẽ dễ dàng chấp nhận yêu cầu nhịn ăn hơn nếu bạn đã được lên kế hoạch từ buổi chiều, mọi sự chuẩn bị sẽ trở nên chủ động hơn. Không chỉ vậy, nếu cần hỗ trợ gì, các bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê đều sẵn sàng đáp ứng mong muốn của bạn.

Mặc dù nhịn ăn sẽ giúp hạn chế nguy cơ hít sặc, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng để dạ dày trống rỗng trong thời gian quá dài cũng không giúp giảm thiểu nguy cơ này hơn. Thậm chí, nếu cơ thể chịu sự đói lả, quá trình phục hồi đôi khi còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nếu nhịn ăn quá dài còn có thể dẫn đến đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và mất nước. Tình trạng mất nước có thể đến mức độ nghiêm trọng, gây cô đặc máu, gây khó khăn cho các nhân viên lấy máu xét nghiệm và dễ dẫn đến sai lệch kết quả.

Trong các hướng dẫn nhịn ăn trước phẫu thuật, Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ quy định rằng thời gian nhịn ăn cần phù hợp với đối tượng (là người trưởng thành hay trẻ nhỏ) và tính chất cuộc mổ (thời gian gây mê dài hay ngắn, phẫu thuật trong hay ngoài ổ bụng...). Trong phần lớn các trường hợp, quy định nhịn ăn thông thường là:

  • Các bữa ăn chính, bao gồm thực phẩm chiên, nhiều chất béo và thịt, cần ngưng đến tám giờ trước khi phẫu thuật;
  • Các bữa ăn rất nhẹ, như bánh mì nướng và trà, sữa, cần ngưng đến sáu giờ trước khi phẫu thuật;
  • Các chất lỏng trong suốt như nước, trà trong, cà phê đen, đồ uống có ga và nước ép trái cây không có cồn, cần ngưng tối đa hai giờ trước khi phẫu thuật.

4. Cách ăn uống trước khi phẫu thuật


Lưu ý trước khi phẫu thuật
Lưu ý trước khi phẫu thuật

Nếu bạn đã được lên kế hoạch phẫu thuật từ trước, có thời gian vài ngày hoặc vài tuần để chuẩn bị, hãy cố gắng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt lợn, thịt gà, hải sản hoặc đậu phụ và các sản phẩm họ đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo. Đây chính là nguồn protein dồi dào, là nguồn dự trữ nguyên liệu thiết yếu của quá trình lành vết thương sau phẫu thuật.

Uống nhiều nước, chỉ cần là nước lọc thông thường cho đến khi nước tiểu của bạn trong và hầu như không màu. Bạn có thể có cảm giác thoải mái hơn khi cơ thể bạn được cung cấp một lượng nước đầy đủ. Những cơn đau nhức hậu phẫu sẽ nhờ đó mà sẽ thuyên giảm hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, nước còn giúp tinh thần bạn trở nên thoải mái hơn, giảm căng thẳng và tràn đầy năng lượng trong những ngày chờ phẫu thuật.

Đối với bữa ăn cuối cùng trước khi phẫu thuật, bạn có thể bị cám dỗ ăn thật nhiều trước khi phải nhịn ăn trong 8 đến 12 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, cần kiên quyết cứng rắn, không được nhượng bộ trước những cám dỗ bởi lẽ việc ăn quá nhiều hơn bình thường có thể không đảm bảo mục đích của việc nhịn ăn trước phẫu thuật. Thay vào đó, hãy dùng một buổi tối nhẹ nhàng như súp và salad trong bữa ăn cuối cùng trước khi phẫu thuật. Một bữa ăn thịnh soạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa hoàn toàn và có nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc mổ diễn ra vào sáng sớm ngày hôm sau.

Nói tóm lại, nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật cần được quy định rõ ràng và tuân thủ hợp lý. Việc kiêng khem quá mức đôi khi lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc mổ. Hiểu biết những điều này và thực hiện tốt là một cách giúp cuộc phẫu thuật cho chính bản thân mình hay người thân trở nên thuận lợi hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: uclahealth.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe