Gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi

Gãy liên mấu chuyển xương đùi chiếm tới 55% trong các loại gãy xương đầu trên xương đùi ở người cao tuổi. Tình trạng diễn ra có mối liên quan chặt chẽ với vấn đề tuổi tác và tình trạng loãng xương nên bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và nữ giới có tỉ lệ mắc cao gấp đôi nam giới.

1. Khái niệm gãy liên mấu chuyển xương đùi

Định nghĩa gãy liên mấu chuyển được trình bày như sau: Vị trí đầu trên xương đùi tiếp giáp với xương chậu bằng khớp háng được gọi là vùng cổ xương đùi. Cấu trúc vùng cổ xương đùi tương đối đặc biệt, chúng được tạo nên bởi hai hệ thống bè xương riêng biệt là hệ thống bè xương hình vòm và hệ thống bè xương hình quạt. Vị trí giữa hai hệ thống này là vị trí gãy thường gặp ở vùng cổ xương đùi, nên được gọi là điểm yếu của cổ xương đùi – tam giác Ward. Dưới tác động của một lực đủ lớn để gây ra đường gãy tại điểm yếu này thì ổ gãy có xu hướng đi theo các bè xương dẫn đến gãy liên mấu chuyển hoặc gãy cổ xương đùi. Sự khác nhau giữa gãy liên mấu chuyển và gãy cổ xương đùi ở chỗ gãy liên mấu chuyển là tình trạng gãy ngoài bao khớp, vị trí vùng liên mấu chuyển giàu mạch máu nuôi dưỡng hơn nên quá trình liền xương cũng xảy ra nhanh hơn và ít gây biến chứng hoại tử chỏm hơn so với gãy xương đùi.

2. Chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi

2.1. Chẩn đoán lâm sàng

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gặp nhiều ở người cao tuổi khi xương không chắc khỏe, mắc tình trạng loãng xương và thường gặp trong các tai nạn sinh hoạt như trượt té ngã, vấp ngã đập hông xuống nền cứng. Người bệnh gãy liên mấu chuyển triệu chứng bao gồm các đặc điểm sau:

  • Đau nhức vùng mông, vùng đùi sưng nề và không thể đứng dậy.
  • Vận động hai bên háng rất đau.
  • Chân gãy thấp hơn so với chân lành và bàn chân đổ xoay ngoài sát mặt giường.

Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, đầu chi lạnh, vã mồ hôi. Những biểu hiện này là dấu hiệu của tình trạng mất máu cấp tính, người bệnh cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Gãy liên mấu chuyển xương đùi được xác định bằng chụp X – quang thường quy. Ngoài ra, trong trường hợp tổn thương trên X – quang chưa được rõ ràng hoặc có những tổn thương phức tạp cần được quan sát đầy đủ hơn thì bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính.

Xem ngay: Gãy xương háng ở người già: Phòng ngừa và điều trị


Đau nhức vùng mông, vùng đùi sưng nề là triệu chứng của gãy liên mấu
Đau nhức vùng mông, vùng đùi sưng nề là triệu chứng của gãy liên mấu

3. Phân loại gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu được chia thành 3 nhóm theo tiêu chuẩn AO là A1 – A2 - A3, trong mỗi nhóm lại bao gồm 3 tiểu nhóm nhỏ như sau:

Loại A1: Là loại gãy đơn giản gồm 1 đường gãy chạy từ mẫu chuyển lớn đến vỏ xương bên trong. Loại gãy này gồm 3 nhóm nhỏ như sau:

  • A1 – 1: Có đường gãy trên nền cổ mấu chuyển
  • A1 – 2: Có đường gãy liên mấu chuyển
  • A1 – 3: Có đường gãy dưới mấu chuyển bé

Loại A2: Là loại gãy mà hướng đường gãy được xác định như loại A1 nhưng vỏ thân xương bên trong gãy thành 3 mức và có nhiều mảnh rời. Loại gãy này gồm 3 nhóm nhỏ như sau:

  • A2 – 1: Nhóm gãy có một mảnh rời
  • A2 – 2: Nhóm gãy có 2 mảnh rời
  • A2 – 3: Nhóm gãy có nhiều hơn 2 mảnh rời

Loại A3: Là loại gãy có đường gãy chạy từ vỏ thân xương đùi vị trí ngay dưới mấu chuyển lớn chạy tới trong mấu chuyển bé. Trường hợp đường gãy bên ngoài bắt đầu từ dưới mấu chuyển lớn và kết thúc bên trong mấu chuyển bé thì cũng được xếp vào loại A3 (đường gãy chéo ngược). Loại gãy này gồm 3 nhóm nhỏ như sau:

  • A3 – 1: Nhóm gãy có đường gãy đơn giản chéo, chếch lên
  • A3 – 2: Nhóm gãy có đường gãy đơn giản ngang
  • A3 – 3: Nhóm gãy có đường gãy đơn giản chéo, chếch lên có kèm gãy mấu chuyển nhỏ.

4. Điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Người bệnh gãy liên mấu chuyển điều trị được theo hai phương pháp chính là phẫu thuật kết hợp xương và điều trị bảo tồn.

4.1. Điều trị bảo tồn

Phương pháp điều trị bảo tồn được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh bị gãy di lệch ít và có thể ngồi dậy được.
  • Người bệnh thể trạng yếu, mắc nhiều bệnh mãn tính kết hợp mà không thể tiến hành phẫu thuật được.

Điều trị bảo tồn bao gồm các phương pháp như đeo nẹp cố định, xuyên đinh qua da, kéo liên tục, kéo nắn bột. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của các phương pháp này không cao, tỷ lệ gây biến chứng và tử vong lớn nên ít khi được sử dụng.

4.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Với sự phát triển của y học, hầu người người bệnh bị gãy liên mấu đều được cân nhắc thực hiện phẫu thuật sớm trong trường hợp không có chống chỉ định. Điều trị bằng phẫu thuật hiện nay gồm các phương pháp sau:

  • Phương pháp kết hợp xương bằng đinh nội tủy: Được chỉ định cho những người bệnh gãy xương phức tạp, gãy không vững và có mảnh rời. Phương pháp này sử dụng các loại đinh nội tủy như đinh TFN, Ender, Gamma hay đinh PFN.
  • Phương pháp kết hợp xương bằng nẹp vít: Được chỉ định cho những người bệnh gãy xương đơn giản, sử dụng các loại nẹp như nẹp khóa đầu trên xương đùi, nẹp gấp góc DHS...
  • Phương pháp tháo khớp háng: Được chỉ định cho những người bệnh gãy liên mấu chuyển không vững và có tình trạng loãng xương nhiều không điều trị được bằng bảo tồn hay kết hợp xương.

Tập luyện cho người bệnh sau phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi
Tập luyện cho người bệnh sau phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi

5. Biến chứng của gãy liên mấu chuyển xương đùi

Trong trường hợp người bệnh không thực hiện phẫu thuật có thể gặp một số biến chứng sau:

  • Giai đoạn sớm: Gãy liên mấu chuyển thường chảy máu nhiều nên người bệnh có thể gặp biến chứng sốc mất máu, sốc chấn thương do đau.
  • Giai đoạn muộn: Có thể bị tàn phế suốt đời do xương không liền hoặc chậm liền xương. Bên cạnh đó, người bệnh nằm lâu dễ dẫn đến các bệnh lý như viêm đường tiết niệu, viêm phổi, đặc biệt là loét các điểm tỳ và có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng đó.

Trong trường hợp người bệnh thực hiện phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể gặp một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm khuẩn
  • Biến chứng di lệch thứ phát
  • Lỏng vít, bung nẹp
  • Tình trạng không liền xương, chậm liền xương

6. Tập luyện sau phẫu thuật cho người bệnh

Phương pháp tập luyện cho người bệnh sau phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi được thực hiện như sau:

  • Ngày thứ nhất sau phẫu thuật: Theo dõi tổng thể và người bệnh chỉ nên cử động nhẹ nhàng trên giường.
  • Ngày thứ hai: Người bệnh bắt đầu tập ngồi dậy từ từ, tập thở bụng, dựa lưng trên ván và co duỗi nhẹ chân phẫu thuật.
  • Ngày thứ ba: Người bệnh bắt đầu tập ngồi bỏ thòng chân xuống giường.
  • Ngày thứ tư: Bắt đầu tập đi bằng hai nạng hoặc khung tập đi theo chỉ định của bác sĩ khi tổng trạng cho phép .
  • Ngày thứ 5 đến ngày thứ 7: Được xuất viện, cần tập đi và tắm nắng mỗi sáng.
  • Ngày thứ 10 – 14: Người bệnh được cắt chỉ và tăng co duỗi khớp háng.
  • Ngày thứ 15 – 30: Người bệnh bắt đầu tập đá tạ và chống mạnh dần chân đau. Tái khám đều đặn mỗi tháng và chụp X – quang kiểm tra tình trạng. Sau 2 tháng người bệnh có thể bỏ nạng bên chân đau.
  • Từ tháng thứ 3 hoặc 4 có thể không cần dùng nạng ở bên còn lại.
  • Trong thời gian từ 4 đến 6 tháng vị trí xương gãy sẽ được lành lại.

Bên cạnh phương pháp tập luyện hiệu quả, người bệnh nên tránh thực hiện những việc sau:

  • Nằm quá lâu trên giường dễ dẫn đến loãng xương.
  • Không cử động theo hướng dẫn của bác sĩ vì sợ đau hay sợ xương lệch lại.
  • Ngồi tréo chân, ngồi xổm
  • Thực hiện chống mạnh chân phẫu thuật quá sớm.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi chiếm tới 55% trong các loại gãy xương đầu trên xương đùi ở người cao tuổi. Tùy từng trường hợp, người bệnh sẽ được điều trị theo hướng phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe