Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp.
Hàng năm, số người bệnh mắc nhiễm trùng vết mổ nông, sâu ước tính khoảng 2 triệu người. Đây là loại nhiễm khuẩn thường gặp nhất, với số lượng lớn nhất trong các loại nhiễm khuẩn bệnh viện và cách điều trị nhiễm trùng vết mổ nông và sâu cũng có những điểm khác nhau.
1. Nhiễm khuẩn vết mổ là gì?
Nhiễm khuẩn vết mổ là hiện tượng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ lúc mổ đến 30 ngày sau mổ đối với phẫu thuật không có cấy ghép và đến 1 năm sau mổ với phẫu thuật cấy ghép bộ phận giả.
Nhiễm khuẩn vết mổ được chia thành 3 loại:
- Nhiễm trùng vết mổ nông gồm các nhiễm khuẩn ở lớp da hoặc tổ chức dưới da tại vị trí rạch da
- Nhiễm trùng vết mổ sâu gồm các nhiễm khuẩn tại lớp cân và/hoặc cơ tại vị trí rạch da. Nhiễm trùng vết mổ sâu cũng có thể bắt nguồn từ nhiễm khuẩn vết mổ nông để đi sâu bên trong tới lớp cân cơ
- Nhiễm khuẩn cơ quan/khoang cơ thể.
Khoảng trên 90% nhiễm trùng vết mổ nông và sâu. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng gấp 2 lần thời gian nằm viện và chi phí điều trị trực tiếp.
2. Nhiễm trùng vết mổ nông
Nhiễm trùng vết mổ nông xảy ra khi có các tiêu chuẩn sau đây:
- Xảy ra trong vòng 30 ngày sau khi phẫu thuật.
- Chỉ xuất hiện ở vùng da hoặc ở vùng dưới da tại đường mổ.
- Có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau:
- Chảy mủ từ vết mổ nông
- Phân lập được vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô khuẩn từ vết mổ
- Có ít nhất một trong những dấu hiệu sau: Đau, sưng, nóng, đỏ, cần mở bung vết mổ, trừ khi nuôi cấy vi khuẩn vết mổ âm tính.
3. Nhiễm trùng vết mổ sâu
Nhiễm trùng vết mổ sâu xảy ra khi có các tiêu chuẩn sau đây:
- Xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc trong vòng 1 năm đối với đặt thiết bị giả.
- Xảy ra tại mô mềm sâu của đường mổ.
- Có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau đây:
- Chảy mủ từ vết mổ sâu nhưng không từ cơ quan hoặc không từ khoang nơi phẫu thuật.
- Vết thương hở da sâu tự nhiên hay do phẫu thuật viên mở vết thương khi bệnh nhân có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau:
+Sốt trên 38 độ C, đau, sưng, nóng, đỏ, trừ khi nuôi cấy vi khuẩn vết mổ âm tính.
+Áp xe hoặc bằng chứng nhiễm khuẩn vết mổ sâu qua thăm khám, phẫu thuật lại, X-quang hoặc giải phẫu bệnh.
4. Nhiễm trùng vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật
Nhiễm trùng vết mổ tại cơ quan hoặc khoang phẫu thuật xảy ra khí các tiêu chuẩn sau:
- Xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc 1 năm đối với đặt thiết bị giả.
- Xảy ra ở bất kỳ nội tạng, ngoại trừ da, cân, cơ đã xử lý trong phẫu thuật
- Có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau:
- Chảy mủ từ dẫn lưu nội tạng
- Phân lập vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy ở cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.
- Áp xe hoặc bằng chứng nhiễm trùng vết mổ sâu qua thăm khám, phẫu thuật lại, X-quang hoặc giải phẫu bệnh.
5. Biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm trùng vết mổ
- Tắm - khử khuẩn cho bệnh nhân trước phẫu thuật: Bệnh nhân mổ phiên phải được tắm bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc dung dịch kháng khuẩn có chứa iodine hoặc chlorhexidine vào tối trước ngày phẫu thuật.
- Loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da đúng theo quy định.
- Khử khuẩn tay ngoại khoa và thường quy bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn
- Áp dụng liệu pháp kháng sinh dự phòng
- Tuân thủ quy trình vô khuẩn trong buồng phẫu thuật
- Kiểm soát đường huyết, ủ ấm bệnh nhân trong phẫu thuật.
- Duy trì tốt các điều kiện vô khuẩn khu phẫu thuật như dụng cụ, đồ vải, nước vô khuẩn để rửa tay và đảm bảo thông khí sạch trong buồng phẫu thuật.
- Xét nghiệm đường huyết trước mọi phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.