Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có kinh nghiệm gần 15 năm trong việc điều trị trực tiếp bệnh nhân ung thư, đặc biệt là xạ trị ung thư và chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chăm sóc giảm nhẹ và giảm đau.
Xạ trị là phương pháp thường được chỉ định để điều trị bệnh thư, dựa trên tác động phá hủy và tiêu diệt của những tia phóng xạ năng lượng cao đến các tế bào ung thư. Những bệnh nhân xạ trị ung thư sẽ gặp phải những tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc, đau sau xạ trị...Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trị bệnh thì những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư là vô cùng cần thiết.
1. Tìm hiểu về phương pháp xạ trị ung thư
Phương pháp xạ trị hiện nay được sử dụng rất nhiều trong điều trị bệnh ung thư, nó giống với phẫu thuật ở chỗ điều trị tại chỗ nên chỉ gây ảnh hưởng đến một vị trí nhất định trong cơ thể người bệnh. Khi tiến hành xạ trị, những chùm tia phóng xạ có năng lượng cao như: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton...sẽ tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư trên cơ thể người bệnh.
Xạ trị có thể chỉ định điều trị triệt để trong một số bệnh lý ung thư, ví dụ ung thư đầu cổ giai đoạn sớm. Hoặc xạ trị được chỉ định như một mô thức điều trị trong phác đồ điều trị kết hợp đa mô thức điều trị nhiều bệnh lý ung thư. Ví dụ xạ trị được chỉ định điều trị hỗ trợ trước và sau phẫu thuật giúp phẫu thuật thực hiện thuận lợi, tăng cơ hội phấu thuật bảo tồn chức năng, hoặc giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và di căn xa sau điều trị. Hoặc xạ trị phối hợp với hóa trị, làm tăng hiệu quả điều trị. Xạ trị cũng được chỉ định điều trị giảm nhẹ triệu chứng giúp cải thiện chất lượng sống của những bệnh nhân ung thư tiến triển, ví dụ xạ trị giúp giảm đau, xạ trị giúp giảm chèn ép, xạ trị cầm máu, xạ trị giải áp....
Có thể tiến hành xạ trị ung thư bằng nhiều cách khác nhau như: Xạ trị áp sát, xạ trị ngoài, dùng các dược chất phóng xạ để đưa nguồn phóng xạ vào cơ thể bệnh nhân và đến sát tế bào ung thư ví dụ đồng vị Iod phóng xạ điều trị ung thư tuyến giáp.
Trong toàn bộ quá trình xạ trị ung thư, người bệnh sẽ được điều trị, chăm sóc bởi một nhóm các chuyên gia y tế, gồm:
- Bác sĩ chuyên khoa về xạ trị: Là những người có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản để điều trị ung thư bằng bức xạ, bác sĩ chuyên khoa về xạ trị sẽ là người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch và quá trình xạ trị của bệnh nhân.
- Kỹ sư vật lý y học: Là những người sẽ đảm bảo chất lượng của các thiết bị xạ trị, điều khiển máy móc thiết bị xạ trị phát ra liều điều trị đúng như phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, đồng thời hỗ trợ bác sĩ xạ trị lập kế hoạch điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị.
- Kỹ thuật viên xạ trị: Là người vận hành các thiết bị xạ trị và giúp bệnh nhân xạ trị hàng ngày.
- Điều dưỡng xạ trị: Giúp bệnh nhân nắm bắt các thông tin về xạ trị cũng như theo dõi tác dụng phụ như loét sau xạ trị, đau sau xạ trị hay buồn nôn, rụng tóc ở người bệnh,
Ngoài ra, quá trình chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị cũng được thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe hay kỹ thuật viên vật lý trị liệu khác.
2. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư
Xạ trị có thể gây ra một số độc tính điều trị.
- Nhóm độc tính sớm hay còn gọi là độc tính cấp: xuất hiện trong lúc bệnh nhân đang điều trị, kéo dài sau điều trị 1 thời gian ngắn và thường sẽ cải thiện dần dần. Nhóm này thường ảnh hưởng lên những cơ quan/ mô có loai tế bào có thời gian sống ngắn, thay đổi thường xuyên, ví dụ lên các tế bào của da niêm, tế bào niêm mạc ruột, gây viêm da, viêm niêm mạc, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, viêm bàng quang.
- Nhóm độc tính điều trị thứ hai là nhóm độc tính muộn hay độc tính mãn. Nhóm này có thể từ những độc tính sớm, không cải thiện sau điều trị và kéo dài sau đó, hoặc những độc tính xuất hiện muộn vài tháng đến vài năm sau điều trị. Ví dụ: ảnh hưởng lên mô liên kết gây xơ chai phần mềm, ảnh hưởng lên răng xương, gây sâu răng, gây viêm hoại tử xương, cứng khớp, khít hàm; ảnh hưởng lên mô thần kinh, gây hoại tử não, rối loạn nội tiết (suy giáp sau xạ trị), mờ mắt, mù, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa gây viêm xuất huyết, gây teo hẹo – xơ chai (hẹp thực quản sau xạ trị) gây thủng ruột, gây rò (rò bàng quang trực tràng, rò âm đạo – trực tràng...)
Do đó, chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cần phải làm tốt cả quá trình trước, trong và sau khi tiến hành xạ trị.
2.1. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân trước khi xạ trị
Người bệnh trước khi tiến hành xạ trị cần được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, tránh căng thẳng, sợ hãi. Đặc biệt là cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường thể lực, cải thiện tình hình cục bộ, hạn chế tối đa viêm nhiễm cục bộ.
2.2. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân trong khi xạ trị
Trong quá trình xạ trị, nếu người bệnh xuất hiện các biểu hiện như kém ăn, xuất huyết, đau...thì cần phải được xử lý kịp thời. Lúc này, các bác sĩ sẽ chú ý điều chỉnh phương pháp điều trị và liều lượng thuốc, bảo vệ những phần không cần phải chiếu xạ, đồng thời sẽ cho người bệnh sử dụng vitamin B, thuốc an thần. Tiếp theo, người chăm sóc bệnh nhân ung thư cần giúp cơ thể bệnh nhân hấp thụ đầy đủ nước để làm giảm các phản ứng trên cơ thể và tránh những tổn thương cục bộ do xạ trị.
2.3 Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị
Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị là bước vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe và hiệu quả điều trị.
Chú ý phần da sau khi bị chiếu xạ cần được chăm sóc sạch sẽ, hạn chế tối đa những kích thích về hóa học và vật lý, tránh cọ sát nếu không sẽ xảy ra tình trạng loét sau khi xạ trị.
Đối với những xạ trị cục bộ cụ thể như xạ trị thực quản thì sau khi xạ trị, người bệnh cần ăn những loại thức ăn mềm. Xạ trị trực tràng thì cần tìm cách tránh bị táo bón....
Bệnh nhân cần được bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng, hồi phục sức khỏe cho những đợt xạ trị tiếp theo.
3. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ khi xạ trị ung thư?
Bệnh nhân xạ trị ung thư cần theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng, phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị khi có các biểu hiện như:
- Đau sau xạ trị không giảm, đặc biệt là đau luôn ở 1 vị trí
- Cơ thể xuất hiện khối u bất thường
- Nôn, buồn nôn sau xạ trị, tiêu chảy, ăn uống kém
- Sốt cao liên tục
- Da nổi ban hoặc chảy máu bất thường
Ngoài ra, người bệnh sau khi tiến hành xạ trị ung thư cần phải thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ thường xuyên để đảm bảo sức khỏe an toàn. Hiện nay, Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec Times City và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Central Park áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại, với nhiều kỹ thuật cao, bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản, bề dày kinh nghiệm. Dàn máy móc hiện đại tại BV Vinmec Central Park có thể kể như Máy xạ trị TrueBeam ( Hãng Varian, Mỹ), Hệ thống máy chụp CT mô phỏng Discovery RT (hãng GE - Mỹ), Hệ thống lập kế hoạch xạ trị Eclipse v15.6 (hãng Varian - Mỹ), Bộ dụng cụ cố định Q-fix do Mỹ sản xuất...và đặc biệt, tại Vinmec Central Park, đội ngũ xạ trị đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật xạ trị từ cơ bản đến các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như 4D - Đồng bộ hóa nhịp thở, VMAT, SBRT....đem lại kết quả điều trị thành công cho hàng trăm người bệnh ung thư, giảm tối đa tác dụng phụ do quá trình xạ trị gây ra.
Chương trình chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng tại Vinmec Central Park sẽ giúp cho bệnh nhân có thể tham gia để được chăm sóc phù hợp, thoát khỏi cơn đau và các triệu chứng khó chịu khác. Người bệnh không chỉ được chăm sóc điều trị bệnh mà còn được nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, lạc quan đối diện với bệnh tật, nhờ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.