Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, chấn thương.
Cấu trúc dây chằng ở khớp vai rất linh hoạt trong các vận động của cơ thể nhưng cũng là vùng dễ bị tổn thương. Chấn thương khớp vai thường gặp ở vận động viên thể thao với các biểu hiện như đau vai âm ỉ, khó đưa tay ra sau lưng, đau nhói khi giơ tay lên cao, ...
1. Cấu trúc dây chằng khớp vai
Khớp vai được cấu tạo bởi xương bả vai, xương đòn và chỏm xương cánh tay, kết hợp với các mô mềm hỗ trợ. Nơi giao nhau giữa các xương tạo thành khớp cùng - đòn và khớp ổ chảo - cánh tay, trong đó dây chằng và bao khớp có nhiệm vụ giữ các khớp. Chỏm xương cánh tay được treo vào ổ chảo - cánh tay bởi dây chằng và gân cơ bao quanh khớp vai (chóp xoay).
Khớp vai tuy là khớp linh hoạt nhất cơ thể và cho phép cánh tay tự do di chuyển, nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương. Những yếu tố làm cho chấn thương khớp vai thường xảy ra bao gồm:
- Bao khớp mỏng;
- Những động tác của khớp vai luôn có biên độ lớn;
- Tính bất ổn định của khớp ổ chảo - cánh tay;
- Sự thiếu hụt và lỏng lẻo của các dây chằng;
- Các cơ bắp làm nhiệm vụ hỗ trợ xung quanh yếu.
2. Triệu chứng rách dây chằng khớp vai
Triệu chứng rách dây chằng khớp vai sớm nhất trong mọi trường hợp là cơn đau vai xuất hiện đột ngột và dữ dội. Bên cạnh đó, còn có những triệu chứng khác như:
- Sưng khớp vai;
- Vai bị bầm tím;
- Hạn chế vận động ở khớp vai;
- Xuất hiện teo cơ xung quanh vai nếu không được điều trị sau 2 - 3 tuần.
Trong khi rách dây chằng khớp vai thường hay gặp ở những vận động viên thể thao hoặc đòi hỏi tác động lực mạnh, một bệnh lý tương đối phổ biến hơn với nhiều người là giãn dây chằng khớp vai. Giãn dây chằng khớp vai gây khó chịu, đau đớn, mệt mỏi cho bệnh nhân. Tùy theo mức độ mà cơn đau có thể lan xuống vùng cánh tay và lưng với biểu hiện ngày càng dữ dội. Bệnh lý này tuy không nguy hiểm và chỉ là triệu chứng nhất thời, song điều trị cũng khá phức tạp, đòi hỏi phải kiên nhẫn lâu dài với phương pháp chính xác.
3. Lưu ý khi bị chấn thương dây chằng khớp vai
3.1. Thăm khám sớm
Trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương khớp vai cấp tính gây đau dữ dội thì cần được can thiệp chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu giãn dây chằng khớp vai gây đau ít thì có thể nghỉ ngơi trong vài ngày kết hợp theo dõi. Thông thường cơn đau nhẹ sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng khi đau vẫn âm ỉ và không có dấu hiệu thuyên giảm thì bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để thăm khám. Đánh giá tình trạng chấn thương khớp vai và tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất đối với từng trường hợp cụ thể.
3.2. Khai thác bệnh sử
Bệnh sử được xem như một công cụ giúp bác sĩ tìm ra được nguyên nhân tổn thương dây chằng khớp vai cũng như đánh giá và tiên lượng cho bệnh nhân. Người bệnh cần chuẩn bị trả lời cho một số câu hỏi liên quan đến:
- Thời điểm bắt đầu cơn đau;
- Miêu tả chi tiết, chính xác cơn đau;
- Tiền sử bị đau trước đó;
- Các phương pháp điều trị đã từng áp dụng;
- Thói quen sinh hoạt khi bình thường và sau chấn thương.
3.3. Khám lâm sàng
Nhằm tìm ra nguyên nhân đau khớp vai, quá trình thăm khám toàn diện sẽ bao gồm:
- Tìm kiếm dấu hiệu bất thường: Sưng nề, dị dạng hoặc yếu cơ;
- Kiểm tra: Vùng gân, biên độ vận động khớp vai và sức mạnh cơ của vai;
- X-quang kết hợp chụp CT: Quan sát hình ảnh chi tiết tổn thương ở xương khớp vai;
- Cộng hưởng từ và siêu âm: Xem hình ảnh về mô mềm, giúp tìm ra dấu hiệu đứt dây chằng, rách sụn ...;
- Đo điện cơ: Đánh giá chức năng thần kinh;
- Nội soi khớp: Phát hiện tổn thương mô mềm đồng thời tìm nguyên nhân chính xác gây đau khớp vai.
3.4. Điều trị dùng thuốc
Có tới 90% các trường hợp đáp ứng với điều trị thông thường, trong đó có dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng viêm giảm sưng nề. Bệnh nhân cần lưu ý không nên lạm dụng thuốc giảm đau tại nhà mà phải dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.5. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định để giải quyết các vấn đề ở khớp vai trong trường hợp tập vật lý trị liệu không có hiệu quả tiến triển. Phẫu thuật nội soi khớp vai nhằm loại bỏ các mô sẹo hoặc sửa chữa mô bị rách, thì mổ hở giúp phục hồi những tổn thương rộng và nặng nề, ví dụ như rách gân cơ rộng, gãy xương hoặc thay khớp vai.
3.6. Ngăn ngừa vấn đề khớp vai sau chấn thương
Tỷ lệ bệnh nhân tại Việt Nam bị đau cứng khớp vai sau chấn thương khớp vai chiếm số lượng khá lớn do nhiều thói quen và quan niệm sai lầm, ví dụ như:
- Nắn sửa khớp không đúng cách;
- Tự ý xoa bóp dầu nóng hoặc thuốc rượu;
- Bất động quá mức;
- Vận động tập vật lý trị liệu không hiệu quả;
- Theo dõi sau điều trị phẫu thuật hoặc không phẫu thuật không được chú trọng.
Đa phần các chấn thương khớp vai sẽ trầm trọng thêm do sự kiểm soát không tốt hoạt động khớp và dây chằng khớp vai đã bị tổn thương.
Tóm lại, chấn thương khớp vai rất dễ mắc phải do cấu trúc và chức năng đặc thù của khu vực này. Triệu chứng phổ biến nhất là những cơn đau dữ dội ở vai sau tác động lực mạnh. Trong quá trình điều trị chấn thương khớp vai, bệnh nhân cần thay đổi hoạt động hàng ngày, cụ thể là dành thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý. Bên cạnh đó, nên tập vật lý trị liệu để giúp khớp vai mềm dẻo và nâng sức cơ, nhưng chỉ tập luyện trong biên độ bình thường, tránh gắng sức.
Việc điều trị tích cực, kết hợp theo dõi kỹ và tập phục hồi chức năng đúng cách sẽ giúp đề phòng di chứng đau cứng khớp vai, hoặc teo cơ, xệ vai và loãng xương vai.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.