Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khi bị thoái hóa khớp, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau để giảm các triệu chứng. Một trong số các phương pháp đó là tiêm thuốc vào khớp. Tuy nhiên, thủ thuật này cần được chỉ định có cân nhắc nếu lạm dụng, làm không đúng kỹ thuật sẽ gây tai biến.
1. Lợi ích từ các loại thuốc tiêm vào khớp
Có nhiều loại thuốc tiêm khác nhau và chúng là một phần quan trọng của phác đồ điều trị thoái hóa khớp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Thuốc thường dùng tiêm vào khớp: Corticoid, hyaluronate sodium.
1.1 Thuốc tiêm Corticoid
Thường dùng là loại dịch treo với các biệt dược như: Prednisolone, methylprednisolone, triamcinolone.
1.1.1 Thuốc tiêm Corticoid được dùng trong các trường hợp nào?
Corticoid được sử dụng là thuốc tiêm khớp gối, tiêm khớp cổ chân, tiêm vào khớp vai, tiêm khớp háng với:
- Liều 20mg triamcinolon (tương đương với 25mg prednisolon) hiệu quả giảm đau kéo dài 1 - 4 tuần.
- Liều 40mg hiệu quả giảm đau kéo dài 16 - 24 tuần.
- Sau khi tiêm các triệu chứng sưng, đau khớp giảm đi, giúp cải thiện vận động của người bệnh trong một thời gian ngắn. Liệu trình điều trị thường tiêm lặp lại liều 40mg mỗi 3 tháng một lần và có thể kéo dài việc điều trị này 2 năm.
- Ngoài ra, tiêm corticoid vào gân để chữa các tổn thương màng hoạt dịch gân, mô quanh gân, nơi bám tận gân và chính tại gân.
1.1.2 Những lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm corticoid
- Thuốc này có tác dụng rất nhanh chóng. Những mũi tiêm có thể giảm đau rất nhanh trong vòng 24-48h.
- Thời gian tác dụng ngắn: Trung bình tác dụng giảm đau kéo dài 6-12 tuần.
- Sẽ có tác dụng tốt nhất trong lần đầu tiên, tác dụng giảm đau có xu hướng giảm dần trong những lần sau đó.
- Không nên sử dụng thường xuyên. Sử dụng chúng quá thường xuyên có thể gây tổn hại đến các tế bào tái tạo sụn ở khớp gối.
1.2 Hyaluronat sodium (hyazyn)
Trong cơ thể, hyaluronate là chất tự nhiên, có nồng độ cao trong mô khớp và dịch khớp đóng vai trò như một chất bôi trơn, giảm xóc, bảo vệ khớp, làm cho khớp vận động dễ dàng. Sự giảm hyaluronate ở khớp và dịch khớp là điểm chủ yếu trong bệnh thoái hoá khớp.
1.2.1 Hyaluronat sodium (hyazyn) được dùng trong những trường hợp nào
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hyaluronate sodium (hyazyn) được sử dụng:
- Tiêm vào khớp gối.
- Tiêm khớp cổ chân.
- Tiêm vào khớp vai.
- Tiêm khớp háng.
Thì sẽ làm giảm đau, giảm viêm (do làm giảm sinh ra prostaglandin, bradykinin và ngăn tác dụng của cytokine).
1.2.2 Những lưu ý khi sử dụng Hyaluronat sodium (hyazyn)
Nếu đang cân nhắc tiêm acid hyaluronic, hãy lưu ý rằng đây không phải là lựa chọn được sử dụng đầu tiên. Bác sĩ có thể khuyên sử dụng hyaluronate sodium nếu:
- Các triệu chứng không cải thiện sau khi sử dụng các thuốc giảm đau hoặc sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc.
- Không thể sử dụng các thuốc giảm đau như: Ibuprofen, Naproxen sodium, Acetaminophen.
- Tiêm Corticoid không đem lại hiệu quả đầy đủ hoặc bác sĩ lo ngại về tác dụng phụ của nó.
- Có thể cần nhiều hơn một mũi tiêm. Có nhiều loại hyaluronate chỉ cần tiêm một lần, có những loại cần tiêm 5 mũi, cách nhau 5 tuần. Nếu cần thiết, có thể tiêm một mũi khác sau 6 tháng.
2. Nguy cơ khi tiêm thuốc vào khớp
2.1 Những tai biến có thể xảy ra do tiêm thuốc vào khớp
Tai biến do tiêm thuốc vào khớp xảy ra do:
- Chỉ định sai, lạm dụng: Chỉ khi nào bệnh nặng dùng kháng viêm không steroid không đáp ứng mới chỉ định thủ thuật tiêm corticoid, hyaluronate sodium vào khớp. Do thấy một số người dùng chỉ định này có hiệu quả nên một số người lạm dùng cho các trường hợp nhẹ là không cần thiết.
- Tiêm không đúng kỹ thuật: Không nắm vững vị trí giải phẫu, thiếu thành thạo trong thao tác sẽ không tiêm thuốc vào đúng vị trí cần tiêm, hiệu quả kém.
- Nơi tiêm không đạt tiêu chuẩn: Một trong những vi phạm thường thấy là nơi tiêm không đạt tiêu chuẩn vô khuẩn hoặc không làm vô khuẩn tốt ở vùng da trước khi tiêm. Dẫn đến bị nhiễm khuẩn khớp, nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn huyết.
2.2 Để tránh xảy ra tai biến khi tiêm thuốc vào khớp cần lưu ý điều gì?
Để tránh xảy ra tai biến khi tiêm thuốc vào khớp cần lưu ý:
- Không được áp dụng tiêm thuốc vào khớp và tiêm vào phần mềm cạnh khớp cho các trường hợp: Viêm khớp nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp...), u xương khớp, tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, bệnh máu, nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp.
- Tiêm thuốc vào khớp phải đúng vị trí giải phẫu của các điểm bám gân, các lồi cầu, dây chằng, bao khớp và ổ khớp. Tuyệt đối tránh tiêm vào cơ, xương, mạch máu và dây thần kinh quanh khớp vì nếu không cẩn thận có thể gây teo cơ, xốp xương, làm mất luôn khả năng vận động của người bệnh.
- Phải đảm bảo đúng các nguyên tắc vô khuẩn (sát khuẩn, bơm kim tiêm vô khuẩn...).
- Tiêm đúng liều lượng thuốc. Liều lượng thuốc tiêm (từ 0,3 – 1,5ml) tùy thuộc vào kích thước khớp tiêm, tránh đưa một lượng thuốc quá lớn vào ổ khớp hay tổ chức mềm cạnh khớp vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại tế bào màng hoạt dịch hoặc gây áp-xe tại chỗ do lượng thuốc bị thừa.
- Sau khi tiêm thuốc vào khớp, tại vị trí tiêm cần dán băng dính vô khuẩn. Bệnh nhân không rửa nước vào vùng tiêm và chỉ bóc bỏ băng dính ở vùng tiêm sau 8 - 12 giờ.
Điều trị cơn đau bằng tiêm thuốc vào khớp được rất nhiều bệnh nhân lựa chọn vì độ hiệu quả cao, nhanh gọn, ít tốn kém. Nhưng thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa khớp, có kiến thức giải phẫu và tại các cơ sở y tế uy tín để tránh các tai biến xấu có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.