Làm sao để trẻ không bú ngón tay cái?

Hành vi bú ngón tay cái là một trong những tật mà trẻ sơ sinh thường mắc phải, các chuyên gia cho rằng hành vi này của trẻ là mô phỏng lại quá trình bú ti mẹ. Tuy nhiên nhiều mẹ lo lắng khi thấy bé mút tay không chịu bú, nhiều cha mẹ tỏ ra rất lo lắng, thêm vào đó hành vi mút tay của trẻ trông rất mất vệ sinh . Vậy hành vi bú ngón tay cái có ảnh hưởng gì không và làm cách nào để trị tật mút tay của trẻ

1. Tại sao một số trẻ lại mút ngón tay cái?

Trẻ sơ sinh có phản xạ mút tay tự nhiên, điều này có thể khiến trẻ đưa ngón tay cái vào miệng, hành vi này có thể xảy ra ngay cả khi trẻ còn trong bụng mẹ. Mút ngón tay cái khiến trẻ cảm thấy an tâm, một số trẻ hình thành thói quen mút tay khi được vỗ về hoặc sắp đi ngủ.

Bú ngón tay cái là thói quen thường gặp ở trẻ em. Hành vi này biểu lộ trẻ đang cần sự trợ giúp để tìm cảm giác bình yên khi đang phải đối diện với lo lắng, căng thẳng nhất, thường là khi không có mẹ bên cạnh. Mút tay giúp mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp cho trẻ như khi đang được bao bọc trong vòng tay yêu thương của mẹ. Theo các chuyên gia, mút ngón tay cái được coi là một trong những trò chơi thú vị của trẻ vào những năm tháng đầu đời, đồng thời giúp mang lại một sự sảng khoái để trẻ khôn lớn từng ngày.

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Association of Pediatrics – AAP), phần lớn trẻ sơ sinh bú ngón tay cái khi đói. Ở giai đoạn này, mút ngón tay cái là một trong những biểu hiện của việc trẻ đói và có nhu cầu bú sữa. Điều này giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và được kích thích như tìm lại cảm giác bú sữa mẹ. Ngay khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã hình thành thói quen này, dần dần phản xạ này diễn ra ngay cả khi trẻ không đói, thậm chí khi trẻ đã lớn và thôi bú.

Khi được 1-2 tuổi, trẻ sẽ bỏ tật mút tay, nhưng sẽ có khoảng 15% trẻ vẫn tiếp tục bú ngón tay cái cho đến 4 tuổi. Ngoài ra, một số trẻ cũng thích bú ngón tay cái vào ban đêm hoặc khi bị căng thẳng tinh thần mặc dù đã lớn. Bởi khi bản thân mệt mỏi, buồn chán hay cần thư giãn, mút tay giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Não trẻ sẽ sản xuất ra chất endorphin ( chất giảm đau nội sinh) khi trẻ bú ngón tay cái, giúp cơ thể trẻ được thư giãn và tạo cho trẻ cảm giác thích thú, tương tự như khi trẻ đang được thưởng thức những món ăn mà trẻ yêu thích. Theo diễn tiến tự nhiên, phản xạ mút tay của trẻ sẽ giảm dần sau 6 tháng đầu tiên, trong số đó, có 70-90% trẻ có thói quen mút ngón tay cái, tuy nhiên khi được 3- 5 tuổi, hầu hết trẻ sẽ tự động bỏ việc mút tay.


Theo diễn tiến tự nhiên, phản xạ mút tay của trẻ sẽ giảm dần sau 6 tháng đầu tiên
Theo diễn tiến tự nhiên, phản xạ mút tay của trẻ sẽ giảm dần sau 6 tháng đầu tiên

2. Hành vi bú ngón tay cái của trẻ thường kéo dài trong bao lâu?

Nhiều trẻ tự ngừng mút ngón tay cái, thường ở độ tuổi 6 - 7 tháng hoặc từ 2 đến 4 tuổi.

Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ đã ngừng mút ngón tay cái trong một khoảng thời gian dài thì trẻ vẫn có thể lặp lại hành vi này khi cảm thấy căng thẳng quá mức.


Nhiều trẻ tự ngừng mút ngón tay cái, thường ở độ tuổi 6 - 7 tháng hoặc từ 2 đến 4 tuổi
Nhiều trẻ tự ngừng mút ngón tay cái, thường ở độ tuổi 6 - 7 tháng hoặc từ 2 đến 4 tuổi

3. Khi nào nên can thiệp hành vi bú ngón tay cái của trẻ?

Phản xạ mút ngón tay cái thường không đáng lo ngại cho đến khi trẻ mọc răng vĩnh viễn. Tại thời điểm này, việc mút ngón tay cái có thể bắt đầu ảnh hưởng đến vòm miệng hoặc cách các răng mọc lên. Nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng liên quan đến tần suất, thời gian và cường độ trẻ bạn mút ngón tay cái của mình.

Mặc dù một số chuyên gia khuyên bạn nên giải quyết thói quen mút tay trước khi trẻ 3 tuổi, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết việc điều trị thường chỉ giới hạn ở những trẻ tiếp tục mút ngón tay cái sau khi trẻ được 5 tuổi.

4. Làm gì để giúp trẻ ngừng bú ngón tay cái?

Khi trẻ hiểu, hãy nói chuyện với trẻ về việc bú ngón tay cái. Khả năng thành công trong việc ngăn chặn thói quen của trẻ sẽ cao hơn nếu trẻ muốn dừng lại và được lựa chọn phương án phù hợp.

Trong một số trường hợp, người lớn không chú ý đến việc trẻ bú ngón tay cái cũng là một phương án hiệu quả để ngăn chặn hành vi của trẻ, đặc biệt nếu trẻ sử dụng hành vi mút ngón tay để thu hút sự chú ý.

Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ mút ngón tay cái, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết hầu hết trẻ em có thể mút ngón tay cái mà không làm hỏng sự liên kết của răng hoặc hàm - cho đến khi răng vĩnh viễn bắt đầu nhú.

Ngoài ra, không phải tất cả hành vi mút ngón tay cái đều gây hại như nhau. Các chuyên gia cho biết chính cường độ và lực đẩy của lưỡi đã làm biến dạng răng và khiến cho việc niềng răng sau này trở nên cần thiết. Trẻ em để ngón tay cái của mình một cách thụ động trong miệng ít có nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng hơn những trẻ em mút mạnh.

Nếu quan sát thấy trẻ mút mạnh, bạn có thể nên bắt đầu kiềm chế thói quen của trẻ sớm hơn, chẳng hạn như khoảng tuổi 4. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong miệng hoặc răng của trẻ, hoặc nếu bạn không chắc liệu việc trẻ mút ngón tay cái có gây ra vấn đề gì không, hãy hỏi ý kiến ​​nha sĩ .

Nếu ngón tay cái của trẻ bị đỏ và nứt nẻ do bú, hãy thử thoa kem dưỡng ẩm khi trẻ đang ngủ.

Hầu hết trẻ em ngừng tự mút ngón tay cái trong độ tuổi từ 2 đến 4. Một số tiếp tục thói quen lâu hơn, nhưng áp lực của bạn bè ở trường thường là một biện pháp ngăn chặn hành vi này rất hiệu quả.


Nếu ngón tay cái của trẻ bị đỏ và nứt nẻ do bú, hãy thử thoa kem dưỡng ẩm khi trẻ đang ngủ
Nếu ngón tay cái của trẻ bị đỏ và nứt nẻ do bú, hãy thử thoa kem dưỡng ẩm khi trẻ đang ngủ

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các phương pháp dưới đây nhằm giúp trẻ ngừng hành vi bú ngón tay cái, bao gồm:

  • Không gây áp lực cho trẻ: Trừng phạt hay quát mắng trẻ sẽ không đem lại hiệu quả vì trẻ thường không nhận ra khi nào mình đang bú. Bên cạnh đó, việc thúc ép trẻ dừng lại có thể khiến trẻ càng muốn làm điều đó nhiều hơn. Và những phương pháp như quấn dây thun vào ngón tay cái của trẻ là những hình phạt không phù hợp, đặc biệt là vì trẻ hình thành thói quen này để được thoải mái và an toàn.
  • Khen ngợi khi trẻ không mút tay: khen ngợi trẻ hoặc khuyến khích con bằng những phần thưởng nhỏ khi trẻ không bú ngón tay cái. Đặt mục tiêu cho trẻ, chẳng hạn như không mút ngón tay cái một giờ trước khi đi ngủ.
  • Xác định nguyên nhân khiến trẻ mút tay: Nếu trẻ mút ngón tay cái khi cảm thấy căng thẳng, bạn cần xác định nguyên nhân gây nên tình trạng này và an ủi trẻ theo những cách khác, chẳng hạn như ôm hoặc nói những lời trấn an trẻ.
  • Đưa ra những lời nhắc nhở nhẹ nhàng: Nếu trẻ mút ngón tay cái mà không cần suy nghĩ( không phải là cách để thu hút sự chú ý), hay nhẹ nhàng nhắc trẻ dừng lại. Đừng lo lắng, chỉ trích hoặc chế giễu con.
  • Gợi ý cho trẻ những hoạt động khác: Nếu bạn có thể xác định thời gian và địa điểm mà trẻ có khả năng mút ngón tay cái của mình nhất - chẳng hạn như khi đang xem tivi, hãy cân nhắc việc đánh lạc hướng trẻ bằng một hoạt động thay thế khác, chẳng hạn như tung bóng hoặc chơi đồ chơi.

Nếu bạn lo lắng về ảnh hưởng của việc mút ngón tay cái đối với răng của trẻ, hãy đến gặp nha sĩ. Đối với một số trẻ, việc trò chuyện với nha sĩ đem lại hiệu quả hơn so với cha mẹ.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng các kỹ thuật, chẳng hạn như đi tất tay cho trẻ.

Đối với một số trẻ, mút ngón tay cái là một thói quen cực kỳ khó bỏ. Hãy cố gắng bình tĩnh, việc tạo áp lực quá lớn để trẻ ngừng mút ngón tay cái chỉ có thể làm chậm quá trình này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe