Làm gì sau khi phẫu thuật u nang ống mật chủ?

U nang ống mật chủ là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Phương pháp điều trị bệnh duy nhất là phẫu thuật cắt nang ống mật chủ. Vậy sau khi phẫu thuật u nang ống mật chủ, cần chăm sóc bệnh nhi như thế nào?

1. Tổng quan về bệnh u nang ống mật chủ

U nang ống mật chủ là bệnh lý dị dạng bẩm sinh của đường mật. Nó được định nghĩa khi ống mật chủ giãn lớn (từ 1cm trở lên). Đây là tình trạng khá phổ biến ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh này là khoảng 1/100.000 - 1/150.000 trẻ. Trẻ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ nam (gấp 3 - 4 lần). Bệnh u nang ống mật chủ ở trẻ em thường được chẩn đoán trước 10 tuổi, chủ yếu là trong giai đoạn sơ sinh.

Bệnh u nang ống mật chủ ở trẻ em có những biểu hiện lâm sàng như:

  • Vàng da, vàng mắt: Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Đau bụng: Thường gặp ở trẻ lớn hơn. Trẻ có thể bị đau bụng tái diễn nhiều lần;
  • Sốt: Nếu có biến chứng nhiễm trùng đường mật hoặc viêm phúc mạc mật;
  • Sờ thấy khối u ở bụng.

U nang ống mật chủ ở trẻ em không có triệu chứng rõ ràng nên bố mẹ thường dễ bỏ qua. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm đường mật, sỏi mật, tắc mật, viêm tụy lâu ngày dẫn tới xơ gan, ung thư đường mật,... Nguy cơ tiến triển tùy thuộc vào từng thể bệnh và tuổi của bệnh nhân. Xơ gan và tăng áp lực hệ tĩnh mạch cửa là những biến chứng dài hạn thường gặp ở người lớn với tỷ lệ khoảng 30%. Ung thư đường mật là biến chứng nguy hiểm nhất, tỷ lệ khoảng 9 - 28%.

2. Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật cắt nang ống mật chủ

Sau khi phát hiện trẻ có các triệu chứng lâm sàng kể trên, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhi thực hiện các phương pháp chẩn đoán xác định là: Siêu âm bụng, chụp cộng hưởng từ và xét nghiệm máu. Nếu đã xác định mắc u nang ống mật chủ, trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ đoạn ống mật chủ có chứa u nang và nối mật ruột. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này.

Nguyên tắc của phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ phần ống mật chủ bị giãn lớn và túi mật. Sau đó, bác sĩ tái lập tuần hoàn mật ruột bằng cách khâu nối ống gan còn lại với ruột non. Sau phẫu thuật, dịch mật vẫn lưu thông xuống ruột để tiếp tục đảm nhiệm vai trò tiêu hóa thức ăn.

Phẫu thuật u nang ống mật chủ thường được tiến hành khi trẻ được trên 3 tháng tuổi, nếu bệnh đã được chẩn đoán trước sinh và chưa có triệu chứng. Nếu trẻ có biểu hiện vàng da, vàng mắt thì nên được can thiệp sớm khi được 1 - 2 tháng tuổi. Với trường hợp trẻ nhập viện do các biến chứng như viêm đường mật, viêm phúc mạc thì cần ổn định tổng trạng bằng phương pháp điều trị nội khoa trước khi phẫu thuật giải quyết nguyên nhân gây bệnh.

Có 2 phương pháp phẫu thuật chính gồm:

  • Mổ mở: Là phương pháp can thiệp cổ điển. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều biến chứng như tổn thương cơ, sẹo mổ dài, lành xấu, gây đau nhiều, phục hồi chậm,... nên hiện tại ít được lựa chọn;
  • Mổ nội soi: Là phương pháp mới được áp dụng trong thời gian gần đây. Phương pháp này khắc phục được những hạn chế của mổ mở vì có ưu điểm ít đau, ít gây tổn thương thành bụng, phục hồi nhanh, vết thương nhanh lành, không để lại sẹo xấu. Đây là phương pháp mổ ít xâm lấn, bác sĩ chỉ mở 1 đường vào nhỏ (ngắn hơn 2cm) để đưa dụng cụ phẫu thuật vào. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện nên cần bác sĩ có kinh nghiệm dày dặn.

Lưu ý trước khi phẫu thuật:

  • Bệnh nhi cần nhịn ăn uống trong vòng 6 giờ trước khi bắt đầu phẫu thuật để giảm nguy cơ các chất trong dạ dày tràn vào phổi khi trẻ dùng thuốc gây mê;
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra trước mổ, đảm bảo trẻ có sức khỏe tốt nhất trước khi can thiệp;
  • Nên tắm rửa sạch sẽ trước ngày phẫu thuật, cắt ngắn móng tay, móng chân để làm giảm vi khuẩn trên da và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

3. Một số diễn biến sau khi phẫu thuật u nang ống mật chủ

Một số biến chứng sau mổ u nang ống mật chủ có thể xảy ra là:

  • Chảy máu trong khi mổ do nguyên nhân làm rách các mạch máu đi vào gan;
  • Cắt phải ống tụy;
  • Chảy máu sau khi mổ;
  • Nhiễm trùng đường mật;
  • Biến chứng ở miệng nối như hẹp, bục, rò dịch mật qua miệng nối;
  • Biến chứng muộn có thể gây hẹp miệng nối;
  • Viêm hoặc rò dịch tụy.

Sau khi mổ, trẻ thường bị sốt trong ngày đầu sau phẫu thuật. 2 ngày đầu, bụng trẻ bị trướng, thường không được ăn uống gì trong khoảng 48 - 72 giờ sau khi mổ. Trẻ có thể được truyền dịch trong 2 - 3 ngày sau phẫu thuật, sau đó chuyển sang ăn uống qua đường miệng. Thời gian nằm viện của trẻ thường là 5 - 7 ngày sau mổ.

Trẻ cần được tái khám, theo dõi sau phẫu thuật u nang ống mật chủ định kỳ: 1 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc ngay khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như nôn ói, đau bụng, sốt, vàng da.

4. Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật u nang ống mật chủ

Chăm sóc sau phẫu thuật:

  • Hoạt động: Sau khi mổ, trẻ nên được khuyến khích vận động càng sớm càng tốt. Có thể cho trẻ vận động tại chỗ, thay đổi tư thế, đi lại xung quanh,... Để giảm các biến chứng về phổi, nên thực hiện các bài tập thở như thổi bong bóng, thổi chong chóng, thở sâu;
  • Chế độ ăn uống: Phẫu thuật u nang ống mật chủ có can thiệp vào đường ruột nên quá trình tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng, Trẻ cần nhịn ăn uống cho tới khi chức năng đường ruột hoạt động trở lại - bằng chứng là có trung tiện hoặc đi ngoài hoặc tới khi bác sĩ cho phép. Có thể trẻ được đặt 1 ống thông qua mũi, có đầu vào dạ dày để hút các chất trong dạ dày khi ruột còn chưa hoạt động. Ống thông này giúp bé tránh bị nôn trớ hoặc khó chịu, đặc biệt là trong ngày đầu tiên sau mổ;
  • Dùng thuốc: Trẻ có thể cần sử dụng thuốc chống buồn nôn (để kiểm soát tình trạng nôn ói) hoặc thuốc giảm đau (truyền qua tĩnh mạch ngay sau phẫu thuật khi ruột chưa hoạt động hoặc bằng đường uống khi ruột bắt đầu hoạt động) theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc sau khi ra viện: Trẻ sẽ được xuất viện về nhà sau khi hệ tiêu hóa ổn định. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ như sau:

  • Chế độ ăn uống: Không cần phải xây dựng một chế độ ăn đặc biệt cho trẻ sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, do có nguy cơ viêm dạ dày sau mổ nên cần hạn chế cho trẻ ăn uống các thực phẩm có vị cay, chua,...;
  • Hoạt động: Trẻ nên tránh hoạt động gắng sức trong 1 - 2 tuần sau khi phẫu thuật nội soi, 4 - 6 tuần sau khi phẫu thuật mở;
  • Chăm sóc vết thương: Nên giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo trong vòng vài ngày sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho gia đình về việc chăm sóc vết thương cho trẻ, bao gồm cả thời điểm bé có thể tắm, thay băng, khám lại sau mổ;
  • Dùng thuốc: Trẻ thường không cần dùng thêm thuốc sau khi ra viện. Tuy nhiên, bé có thể cần dùng thêm các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen khi ra viện. Ngoài ra, một số trẻ có thể cần dùng thêm thuốc làm mềm phân để tránh tình trạng táo bón sau phẫu thuật;
  • Đi khám bác sĩ: Nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ bị đau bụng ngày càng tăng, nôn ói, sốt, tiêu chảy, vàng da hoặc vết thương tấy đỏ, chảy máu, đau, chảy dịch,... hay bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác. Bé nên tái khám với bác sĩ phẫu thuật 2 - 3 lần sau khi mổ để đảm bảo vết thương được lành lặn.

U nang ống mật chủ là căn bệnh có khả năng khỏi hoàn toàn, có tiên lượng rất tốt sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn có khả năng gặp phải một số biến chứng sau mổ (mặc dù hiếm gặp) nên cần được theo dõi lâu dài. Đồng thời, trẻ cần được khám lại sau mổ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe