Hội chứng liệt nửa người gây nên do tổn thương bó tháp với biểu hiện lâm sàng là tình trạng mất vận động hữu ý ở tay và chân cùng bên cơ thể. Diễn biến bệnh có thể đột ngột cấp tính hoặc từ từ chậm chạp tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Vậy cần làm gì khi gặp hội chứng yếu liệt nửa người?
1. Hội chứng liệt nửa người là gì?
Hội chứng liệt 1⁄2 người là giảm hoặc mất vận động hữu ý 1 tay và 1 chân cùng bên do tổn thương bó tháp, có thể kèm liệt 1 hoặc nhiều dây thần kinh sọ não cùng hay khác bên với bên liệt tay chân tùy vị trí tổn thương não.
Yếu liệt nửa người thường có 2 dạng:
- Yếu liệt nửa người bẩm sinh: Bị tổn thương não trong hoặc ngay sau khi sinh.
- Yếu liệt nửa người mắc phải:Bị tổn thương não do chấn thương hoặc bệnh tật như đột quỵ gây ra.
2. Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng yếu liệt nửa người
2.1 Liệt mềm
- Giảm hoặc mất vận động hữu ý tay chân cùng bên ưu thế cơ duỗi chi trên và cơ gấp chi dưới.
- Có thể kèm liệt nửa mặt trung ương cùng bên với tay chân bị liệt hoặc liệt mặt ngoại biên khác bên với tay chân bị liệt kèm liệt các dây thần kinh sọ não khác.
- Trương lực cơ giảm hoặc mất bên tay chân bị liệt.
- Phản xạ gân xương giảm hay mất bên tay chân bị liệt, phản xạ da bụng, da bìu, phản xạ hậu môn giảm hoặc mất bên liệt.
- Babinski (+) bên liệt. Hoffmann (+) bên liệt.
- Rối loạn cảm giác nửa người bên liệt có thể gặp.
- Dáng đi lê với tay bên liệt buông thõng, chân thì quét đất.
- Khi bệnh nhân nằm bàn chân bên liệt đổ ra ngoài.
2.2 Liệt cứng
- Cơ lực tay chân bên liệt giảm hay mất.
- Liệt mặt trung ương cùng bên hay liệt mặt ngoại biên khác bên với tay chân bị liệt, có thể kèm liệt dây thần kinh sọ.
- Tăng trương lực cơ bên liệt dẫn đến co cứng gấp chi trên, các ngón tay khác nắm chặt ngón cái và chi dưới co cứng duỗi nên khi đi có dáng đi phạt cỏ.
- Tăng phản xạ gân xương bên liệt, kèm phản xạ bệnh lý như Babinski, Hoffman.
- Phản xạ da bụng, da bìu, phản xạ hậu môn giảm hoặc mất bên liệt.
2.3 Khi bệnh nhân hôn mê
- Bàn chân biên liệt đổ ra ngoài.
- Người bệnh quay mắt và đầu về bên tay chân liệt hay về đối bên với tay chân bị liệt.
- Khi kích thích đau ở tay chân hai bên thì bên bị liệt hầu như không phản ứng hay phản ứng yếu hơn bên đối diện.
- Phản xạ da bụng và da bìu giảm hay mất bên liệt. Babinski (+) bên liệt.
3. Làm gì khi gặp hội chứng yếu liệt nửa người?
Khi người bệnh xuất hiện triệu chứng yếu liệt nửa người cần đến cơ sở y tế gần nhất gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác định, chẩn đoán định khu tổn thương và chẩn đoán nguyên nhân từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
3.1 Chẩn đoán xác định
Xác định qua thăm khám lâm sàng không quá khó khăn, cần đánh giá mức độ liệt để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
3.2 Chẩn đoán định khu tổn thương
Nguyên nhân gây ra hội chứng liệt 1⁄2 người có thể do tổn thương não bộ hoặc tổn thương ở tủy cổ cao. Đánh giá định khu vị trí tổn thương giúp chỉ định các thăm dò cận lâm sàng phù hợp tìm nguyên nhân gây bệnh. Mỗi vị trí tổn thương sẽ có đặc điểm lâm sàng riêng biệt, do đó để chẩn đoán định khu cần thăm khám tỉ mỉ, chính xác và toàn diện các dấu hiệu thần kinh khu trú kèm theo.
- Yếu nửa người do tổn thương vỏ não: Người bệnh yếu liệt 1/2 người với tính chất không đồng đều giữa tay và chân, có thể kèm liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số VII trung ương, thất ngôn nếu tổn thương bán cầu ưu thế, rối loạn cảm giác không gian khi tổn thương bán cầu không ưu thế.
- Yếu nửa người do tổn thương bao trong: Người bệnh liệt đồng đều chi trên và chi dưới, rối loạn cảm giác bên đối diện, có thể có hoặc không có liệt mặt.
- Yếu nửa người do tổn thương vùng thân não: Biểu hiện hội chứng giao bên với tổn thương liệt vận động trung ương đối bên tổn thương và liệt dây thần kinh sọ ngoại vi cùng bên tổn thương.
- Yếu nửa người do tổn thương tủy cổ cao: Biểu hiện hội chứng Brown – Sequard với liệt vận động trung ương và cảm giác sâu bên tổn thương, mất hoặc giảm cảm giác đau và nhiệt bên đối diện dưới mức tổn thương.
Định khu vị trí tổn thương sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc chỉ định các thăm dò giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT và MRI.
3.3 Chẩn đoán nguyên nhân yếu liệt nửa người
Chẩn đoán nguyên nhân dựa vào hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ não.
Hội chứng yếu liệt nửa người xuất hiện đột ngột do nguyên nhân:
- Chấn thương sọ não gây đụng dập não, máu tụ trong não, phù não. Lâm sàng có liệt nửa người kèm theo giãn đồng tử. Chụp CT sọ não không tiêm thuốc cản quang sẽ thấy hình ảnh khối tăng tỷ trọng hình thấu kính hai mặt lồi nằm giữa xương sọ và màng cứng.
- Nhồi máu não: Biểu hiện hội chứng liệt 1⁄2 người xuất hiện đột ngột, thường không rối loạn ý thức nặng nề, không có hội chứng màng não. Chụp CT sọ não sẽ thấy vùng giảm tỷ trọng tương ứng với khu vực cấp máu của động mạch bị tắc. Hình ảnh trên CT bình thường trong những giờ đầu cũng không được phép loại trừ một ổ nhồi máu mới hình thành.
- Xuất huyết não: Biểu hiện liệt nửa người đột ngột kèm đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và các biểu hiện của hội chứng màng não. Chọc dịch não tủy thấy dịch não tủy có máu không đông đều ở cả 3 ống. Chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy khối máu tụ tăng tỷ trọng trong nhu mô não, xung quanh có hình ảnh phù não và đè đẩy chèn ép các tổ chức kế cận.
Hội chứng yếu liệt nửa người xuất hiện từ từ do nguyên nhân:
- U não với triệu chứng liệt nửa người tiến triển tăng dần theo thời gian kèm hội chứng tăng áp lực trong sọ. Yếu liệt nửa người tiến triển tăng dần trong nhiều ngày thường là các khối u lành tính như u màng não, u tế bào hình sao, u thần kinh đệm ít nhánh. Liệt nửa người tiến triển nhanh trong vài tuần thường gặp trong áp xe não và u não ác tính.
- Viêm não bán cấp: Bệnh nhân thường có hội chứng nhiễm trùng và các triệu chứng tổn thương não như rối loạn ý thức, động kinh, rối loạn trương lực cơ, thường biểu hiện hai bên. Chụp CT sọ não thấy hình ảnh các ổ giảm tỷ trọng rải rác, kèm theo biểu hiện phù não.
Hy vọng thông qua bài viết đã giúp bạn biết được cần làm gì khi gặp hội chứng yếu liệt nửa người. Nếu còn thắc mắc gì, hãy liên hệ bác sĩ để được giải đáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.