Khám liệt nửa người gồm những gì?

Liệt nửa người là tình trạng yếu hoặc liệt vận động chủ động ở một nửa bên thân thể do tổn thương đường vỏ-gai do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy cách khám bệnh nhân liệt nửa người như thế nào?

1. Tổng quan Hội chứng liệt nửa người

Hội chứng liệt nửa người xảy ra khi bó tháp bị tổn thương, có thể có hoặc không có tổn thương thần kinh sọ kèm theo với biểu hiện lâm sàng là tình trạng mất vận động hữu ý ở tay và chân cùng bên cơ thể.

Nguyên nhân gây liệt nửa người có thể do tổn thương thần kinh trung ương tại vị trí não bộ hoặc tủy sống. Do tính chất bắt chéo của bó tháp nên tổn thương não sẽ gây ra liệt nửa người bên đối diện, tổn thương tủy sẽ gây liệt cùng bên tổn thương.

Diễn tiến bệnh có thể xảy ra đột ngột, cấp tính hoặc từ từ tùy vào nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân của Hội chứng liệt nửa người:

  • Cấp tính: Đột quỵ (nhồi máu não, xuất huyết não), chấn thương não gây xuất huyết não, chấn thương cột sống gây chèn ép tủy, nhồi máu tủy, viêm não, viêm tủy sống,...
  • Bán cấp, mạn tính: U não, u tủy sống, rỗng tủy,...

2. Cách khám bệnh nhân liệt nửa người

Khám bệnh nhân liệt nửa người giúp nhận diện hội chứng liệt nửa người, định khu vị trí tổn thương và xác định nguyên nhân.

Nguyên tắc khám bệnh nhân liệt nửa người: So sánh hai bên, thăm khám từng đoạn chi, khám có trình tự theo tư thế: tư thế ngồi, nằm, đứng và đi.

Khám liệt nửa người nên khám theo trình tự: Đầu, thần kinh sọ, vận động, cảm giác, phản xạ,... để tránh bỏ sót.

2.1 Khám tri giác

Quan sát sự đáp ứng của bệnh nhân với kích thích môi trường xung quanh (âm thanh, hình ảnh), trả lời câu hỏi người khám và kích thích đau (khi cần thiết).

2.2 Khám ở đầu

Quan sát và sờ tìm vết rạn, lồi lõm, chú ý vết thương sọ.

Khám tư thế đầu – cổ: chú ý hiện tượng chóng mặt, buồn nôn khi quay đầu cổ.

2.3 Khám 12 đôi dây thần kinh sọ

  • Dây I: Hiện tượng ngửi, ảo khứu.
  • Dây II: Khám thị trường, thị lực, đáy mắt.
  • Dây III, IV, V: Khám vận nhãn: người bệnh đưa mắt nhìn sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới.
  • Dây V: Khám cảm giác hai bên vùng mặt theo phân nhánh cảm giác của dây V. Khám vận động: bảo người bệnh cắn răng người khám sờ cơ nhai, cơ thái dương, há miệng – lệch hàm về bên tổn thương khi có liệt V vận động.
  • Dây VII: Khám các động tác há miệng (hàm lệch về bên lành), thổi lửa, nhắm mắt (dấu Charles Bell), trợn mắt (mất nếp nhăn trán). Từ đó phân biệt liệt VII trung ương và liệt VII ngoại biên.
  • Dây VIII: Đánh giá thính lực, triệu chứng chóng mặt, rung giật nhãn cầu.
  • Dây IX, X, XI: Khám vận động vòm họng, dấu vén màn, phản xạ vùng hầu họng.
  • Dây XII: Bệnh nhân thè lưỡi ra (lưỡi lệch về bên tổn thương), rụt lưỡi lại (lười lệch về bên lành).

2.4 Khám vận động

Khám vận động hữu ý:

  • Người bệnh thực hiện những động tác thông thường như: nắm xòe bàn tay, co – duỗi cẳng tay, giơ tay lên cao, co – duỗi cẳng chân.
  • Khám cơ lực: Đánh giá mức độ liệt thông qua thang điểm cơ lực:
    • Độ 0/5: Không có sự co cơ.
    • Độ 1/5: Co cơ nhìn thấy được nhưng không hoặc gây ra cử động chi rất nhỏ.
    • Độ 2/5: Có cử động chi nhưng không thắng được trọng lực.
    • Độ 3/5: Cử động thắng trọng lực nhưng không thẳng được sức cản.
    • Độ 4/5: Cử động thắng được phần nào sức cản của người khám.
    • Độ 5/5: Cơ lực bình thường.
  • Các nghiệm pháp cơ lực: Nghiệm pháp Barre ở tay và chân, nghiệm pháp Mingazzini.

Khám vận động phối hợp:

Người bệnh thực hiện lần lượt 2 bên, cùng mức những động tác sau:

  • Ngón tay chỉ mũi: bệnh nhân dùng ngón trỏ chạm vào ngón trỏ của người khám sau đó chạm vào mũi bệnh nhân và lặp lại động tác này nhiều lần.
  • Gót chân – đầu gối: bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, yêu cầu bệnh nhân đặt gót chân xuống đúng lên trên đầu gối chân kia và trượt gót chân đều đặn xuống dọc theo mào xương chày đến mu bàn chân.
  • Lật úp bàn tay liên tiếp.

Qua các nghiệm pháp này phát hiện tình trạng bất thường:

  • Bình thường: Chỉ đúng đích.
  • Quá tầm: Chỉ quá đích.
  • Rối tầm: Rối loạn trong khi chỉ nhưng đúng đích.
  • Mất liên động: Không lật úp bàn tay liên tiếp được.

Khám vận động thụ động:

Khám trương lực cơ gồm đánh giá về độ chắc của cơ, độ co duỗi, độ ve vẩy.

2.5 Khám phản xạ

Phản xạ gân xương:

  • Phản xạ gân cơ nhị đầu.
  • Phản xạ trâm quay.
  • Phản xạ gân – cơ tam đầu.
  • Phản xạ gân gối.
  • Phản xạ gân gót.

Đánh giá tình trạng tăng phản xạ: Đáp ứng mạnh, nhạy, đa động, lan tỏa; giảm phản xạ: đáp ứng yếu và mất phản xạ: Không đáp ứng.

Phản xạ da bụng, da bìu

Phản xạ bệnh lý:

  • Dấu Hoffmann (+): Khi búng nhẹ vào móng tay ngón 3 hoặc 4 gây ra gấp không chủ ý của đốt xa ngón cái và ngón trỏ.
  • Dấu Babinski: Khi dùng 1 vật sạch như đầu gỗ hơi gai, chìa khóa vạch chậm vào bờ ngoài của lòng bàn chân bắt đầu từ gót chân đến đầu xương đốt bàn của chân thì cong vào trong và dừng lại ở đốt ngón 1. Babinski (+) khi ngón cái của bệnh nhân duỗi lên và các ngón khác còn lại thường xòe ra.

2.6 Khám cảm giác

  • Khám cảm giác nông: Cảm giác sờ chạm, đau, nhiệt theo vùng rễ cảm giác.
  • Khám cảm giác sâu: Cảm giác nhận biết đồ vật, cảm giác về tư thế, vị trí.

Thông qua hỏi bệnh sử, thăm khám liệt nửa người kết hợp với các xét nghiệm và phương pháp thăm dò chức năng sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán xác định hội chứng liệt nửa người, định khu vị trí tổn thương và nguyên nhân gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe