Lá sake trị gout vì lá sake có khả năng giảm viêm, lợi tiểu, loại bỏ acid uric dư thừa giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh. Các hợp chất trong lá sake còn giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tuần hoàn máu và giảm sưng đau ở các khớp bị ảnh hưởng bởi gout. Tuy nhiên, việc sử dụng lá sake chỉ nên là một biện pháp hỗ trợ và cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh gout
Trước khi tìm hiểu cách sử dụng lá sake trị gout, cần hiểu rõ gout là gì? Bệnh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Bệnh gout là một loại rối loạn chuyển hóa khi mà lượng acid uric trong máu tăng lên bất thường. Sự gia tăng này dẫn đến việc hình thành và lắng đọng các tinh thể urat trong và xung quanh các khớp, gây ra tình trạng viêm khớp, có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Đặc trưng của bệnh gout là sự đau nhức ở các khớp, thường thấy nhất là tại khớp bàn chân ngón cái. Khi bị viêm, khớp có dấu hiệu sưng, đỏ, nóng và đau từ nhẹ đến rất dữ dội. Cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm.
Các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng tăng acid uric máu bao gồm:
- Sự giảm bài tiết acid uric qua thận hoặc qua đường tiêu hóa.
- Sự tăng sản xuất acid uric trong cơ thể, mặc dù điều này ít gặp.
- Chế độ ăn giàu purin, trong khi khả năng đào thải acid uric kém.
Viêm khớp do gout thường xuất phát từ khớp ngón chân cái nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như mu bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và thậm chí là khớp háng, khớp vai và các khớp khác ở vùng chậu và ngực. Các cơn đau do viêm khớp thường rất dữ dội và có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần trước khi giảm bớt mà không cần điều trị. Khi khớp bị viêm, vùng da xung quanh trở nên nóng, căng và đỏ hoặc có màu tím, đi kèm với sốt, tim đập nhanh, cảm giác lạnh run và mệt mỏi.
2. Lá sake trị gout có hiệu quả không?
Khi tìm kiếm các phương pháp tự nhiên để hỗ trợ điều trị gout, nhiều người thường lựa chọn các loại lá cây phổ biến như lá vối và lá sake.
Cây sake - một loài cây thân gỗ cao tới 20 mét, có lá to và dày, chia thùy theo hình lông chim. Quả của cây sake tương tự như quả mít nhưng nhỏ hơn và có gai tẻ, có thể dùng làm thực phẩm. Lá của cây này có thể thu hái quanh năm và phơi khô để dùng dần. Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất, lá sake còn chứa các thành phần hữu ích cho người bệnh gút.
Theo y học cổ truyền, lá sake có tác dụng lợi tiểu và tiêu viêm, giúp tăng cường đào thải lượng acid uric dư thừa qua nước tiểu, từ đó giảm được lượng acid uric trong máu – nguyên nhân chính gây ra sự hình thành các tinh thể urat dẫn đến bệnh gout. Ngoài ra, với khả năng tiêu viêm, lá sake còn giúp làm giảm các triệu chứng sưng viêm và đau nhức tại các khớp bị ảnh hưởng.
Trong lĩnh vực y học hiện đại, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng trong lá sake có chứa lượng lớn các hoạt chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid - những chất có tác dụng ức chế các yếu tố gây ra rối loạn chuyển hóa, bao gồm cả bệnh gout.
3. Cách dùng lá sake để trị bệnh gout
Sử dụng lá sake là một phương pháp tiết kiệm và đơn giản để điều trị gout ngay tại nhà. Người bệnh có thể sử dụng riêng lá sake hoặc phối hợp với các thành phần khác để tăng cường hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số biện pháp áp dụng lá sake trị gout mà bệnh nhân có thể thử.
3.1 Uống nước lá sake
Sử dụng lá sake trị gout là phương pháp dân gian đơn giản và hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện mỗi ngày. Để chuẩn bị, người bệnh chỉ cần lấy khoảng 3 lá sake tươi, rửa sạch và cắt nhỏ. Sau đó, cho lá vào 2 lít nước và đun sôi. Khi nước đã sôi, giữ lửa nhỏ và tiếp tục đun thêm 10 phút. Cuối cùng, để nước lá sake nguội và sử dụng trong ngày như nước uống hàng ngày.
3.2 Kết hợp quả và lá sake nấu nước uống
Tương tự cách trên, người bệnh cũng có thể tận dụng quả sake để nấu nước uống. Quả sake khi còn xanh có chứa nhựa vì vậy, cần được xử lý cẩn thận trước khi dùng. Bệnh nhân nên gọt sạch vỏ của quả và ngâm vào nước muối để loại bỏ nhựa. Sau khi ngâm, rửa sạch quả và thái mỏng. Lá sake có sẵn quanh năm nhưng quả sake chỉ có mùa. Do đó, bệnh nhân có thể thái nhỏ quả sake và phơi khô để dự trữ, sử dụng dần trong suốt năm.
3.3 Kết hợp lá sake với dưa leo và cỏ xước
Dưa leo có tác dụng thanh nhiệt và lợi tiểu hiệu quả. Cỏ xước - một loại thảo dược, được biết đến với khả năng điều trị các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch và đặc biệt là các bệnh liên quan đến xương khớp. Sự kết hợp của dưa leo, cỏ xước và lá sake tạo nên một bài thuốc hiệu quả trong việc thúc đẩy việc đào thải acid uric ra khỏi cơ thể, giảm bớt các triệu chứng đau nhức do viêm khớp.
Để chuẩn bị, người bệnh cần 100g lá sake tươi, 100g dưa leo và 50g cỏ xước. Đem tất cả nguyên liệu này sắc với 2 lít nước. Đun sôi cho đến khi lượng nước còn khoảng 2/3 thì tắt bếp. Dùng nước thuốc này uống trong ngày, tránh để qua đêm để đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Nước thuốc này có thể được dùng thay thế cho nước lọc hàng ngày.
3.4 Nấu nước lá ổi non, đậu bắp và lá sake trị gout
Để hiệu quả, người bệnh có thể kết hợp lá ổi non và trái đậu bắp tươi cùng lá sake trị gout, đây cũng là bài thuốc được nhiều bệnh nhân tiểu đường ưa chuộng do khả năng giảm acid uric trong máu.
Chuẩn bị nguyên liệu như sau: 100g lá sake tươi, 100g đậu bắp tươi và 50g lá ổi non. Đem tất cả các nguyên liệu này sắc cùng với 800ml nước. Đun sôi và giảm lửa, tiếp tục đun cho đến khi lượng nước giảm còn một nửa. Sau đó để nước nguội và lọc lấy nước, sử dụng trong ngày như uống trà.
3.5 Bài thuốc dùng lá sake trị gout mãn tính
Với bài thuốc Đông y này, người bệnh cần chuẩn bị một danh sách đầy đủ các vị thuốc kết hợp cùng lá sake trị gout mãn tính:
- 3 lá sake.
- 20g nhân ý dĩ.
- 12g đương quy.
- 12g xích thược.
- 10g mỗi loại của thổ phục linh, tỳ giải, mộc thông.
- 8g uy linh tiên.
- 5g tế tân.
- 5g ô đầu.
- 4g quế chi.
Các nguyên liệu này được cho vào một ấm sắc, lọc lấy nước thuốc và dùng trong ngày.
4. Cần lưu ý gì khi sử dụng lá sake hỗ trợ điều trị gout?
Những người muốn sử dụng lá sake trị gout cần chú ý một số điểm quan trọng sau:
Lá sake có thể được sử dụng trong tình trạng tươi hoặc đã được phơi khô. Mặc dù vị của lá có thể thay đổi tùy theo cách bảo quản, công dụng của lá vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá 3 lá sake trong một ngày. Khi pha trà từ lá, cần tránh nấu quá cô đặc bởi trong lá có chứa một lượng nhỏ alkaloid, có thể gây độc nếu uống quá nhiều hoặc uống quá đặc.
Ngoài ra, sau một tuần sử dụng lá sake trị gout liên tục, người bệnh nên tạm dừng một tuần để cơ thể tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không được khuyến khích sử dụng loại nước này. Nếu đang điều trị bệnh bằng thuốc khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung lá sake vào chế độ điều trị của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.