Vị thuốc tang bạch bì có tác dụng gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Tang bạch bì dược liệu là vỏ rễ cây dâu tằm sau khi được chế biến để loại bỏ các phần không cần thiết. Vị thuốc tang bạch bì có vị ngọt, tính hàn, không chứa độc tố nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa ho, hen suyễn, phù, viêm. Tác dụng của tang bạch bì giúp lợi tiểu, thanh lọc cơ thể.

1. Vị thuốc tang bạch bì là gì?

Tang bạch bì dược liệu còn có những tên gọi khác như vỏ rễ dâu, sinh tang bì, tang căn bạch bì, mã ngạch bì... Tên khoa học là Cortex mori Albae Radicis, thuốc thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).

Vị thuốc tang bạch bì là phần vỏ của rễ của cây dâu tằm đã được chế biến loại bỏ lớp vỏ bên ngoài và lõi gỗ bên trong. Dâu tằm là loại cây thân gỗ nhỏ, chiều cao khoảng 2 – 3m, có những đặc điểm sinh thái như sau:

  • Lá có phiến, mọc so le, có hình bầu dục, nguyên hoặc chia thành 3 thùy. Phần mép có răng cưa to, cuống lá tròn hoặc hơi bằng, từ cuống tỏa ra 3 gân chính rõ rệt;
  • Hoa dâu tằm là hoa đơn tính, mọc thành bông;
  • Quả dâu tằm là loại quả mọng, mọc ở các đài lá, có màu đỏ và chuyển sang màu đen sẫm khi chín và có thể ăn được;
  • Dâu tằm ra hoa vào tháng 4 – 5 và ra nhiều quả vào tháng 5 – 7 hằng năm;
  • Loại cây này mọc hoang hoặc trồng ở hầu hết các tỉnh thuộc Trung Quốc. Ở nước ta, dâu tằm được tìm thấy ở một số địa phương với số lượng không nhiều và toàn bộ cây đều được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Tang bạch bì dược liệu được chế biến sau khi thu hái phần vỏ rễ cây dâu tằm với yêu cầu vỏ khô đã được tẩy trắng, không nổi mốc, không vụn. Cây dâu tằm được thu hoạch từ cuối mùa thu đến mùa xuân, khi lấy cần cắt bỏ phần già của cây để sang xuân mọc lên chồi mới.

Sau đó tiến hành đào lấy rễ ở dưới đất, chỉ lấy những rễ to có đường kính từ 5mm trở lên. Vị thuốc tang bạch bì có thể thu hoạch gần như quanh năm. Phần rễ của cây dâu tằm sau khi thu hoạch về, đem đi rửa sạch bằng nước để loại bỏ đất, cát, bụi bẩn và tạp chất. Sau đó dùng dụng cụ để cạo bỏ lớp vỏ màu vàng (giữ lại lớp màu trắng ngà) và loại bỏ phần lõi. Phần còn lại được cắt thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi hoặc sấy khô. Một thời gian sau khi phơi, phần tang bạch bì khi bẻ gãy kêu rắc và giòn là đạt chất lượng, có thể đóng gói bao bì để sử dụng.

Bảo quản vị thuốc tang bạch bì trong bao bì kín, để ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào dược liệu, tránh nơi ẩm mốc. Sau mỗi lần sử dụng cần đóng kín bao bì để sử dụng vào các lần sau.

2. Thành phần hóa học của tang bạch bì dược liệu

Các thành phần chính có trong tang bạch bì bao gồm:

  • Albafuran, Albanol, Albafuran B, C;
  • Mulberin, Mulberochomen, Mulberanol, Mulberofuran;
  • Cyclomulberin, Cyclomulberochro;
  • Kuwanon, Oxydihydromorusin (Morusinol).

Ngoài ra tang bạch bì dược liệu còn chứa các hoạt chất như:

  • Umbelliferon;
  • P-tocopherol;
  • Sitosterol;
  • Ethyl 2,4 – dihydroxybenzoate;
  • Dihydrokaempferol;
  • Resinotanol

Tang bạch bì dược liệu có vị ngọt, tính hàn, không độc. Quy vào các kinh Phế, Tỳ.


Tang bạch bì dược liệu là vỏ rễ cây dâu tằm sau khi được chế biến để loại bỏ các phần không cần thiết
Tang bạch bì dược liệu là vỏ rễ cây dâu tằm sau khi được chế biến để loại bỏ các phần không cần thiết

3. Tang bạch bì có tác dụng gì?

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, tác dụng của tang bạch bì bao gồm:

Theo Y Học Cổ Truyền, tác dụng của tang bạch bì dược liệu bao gồm:

  • Chữa ho, hen suyễn, khó thở;
  • Hạ sốt;
  • Trị chứng tiểu rắt;
  • Sưng phù mặt.

Liều lượng sử dụng tang bạch bì mỗi ngày là khoảng 6 – 12g. Cách dùng phổ biến là sắc lấy nước uống, có thể chia thành nhiều lần sử dụng nếu cảm thấy chưa quen hoặc khó uống.

4. Các bài thuốc từ tang bạch bì dược liệu

4.1. Bài thuốc trị viêm phổi

Có thể sử dụng vị thuốc tang bạch bì chữa viêm phổi theo 2 bài thuốc dưới đây:

  • Bài thuốc số 1: Sử dụng các thành phần tang bạch bì, tía tô, hoàng liên mỗi loại 8g, lá tre 12g, kim ngân hoa 16g cùng với thạch cao và sài đất mỗi loại 20g. Đem tất cả các thành phần sắc lấy nước uống, chia làm nhiều sử dụng trong ngày;
  • Bài thuốc số 2 (Bạch hổ thang gia giảm): Sử dụng 8g vị thuốc tang bạch bì, 4g cam thảo, 16g kim ngân hoa, 20g thạch cao cùng với liên kiều, hoàng liên, tri mẫu và hoàng cầm mỗi loại 6g, đem sắc lấy nước uống.

4.2. Bài thuốc chữa hen suyễn, viêm phế quản, sốt nhẹ

  • Bài thuốc số 1: Sắc lấy nước uống với các dược liệu tang bạch bì và lá tỳ bà mỗi loại 12g;
  • Bài thuốc số 2 (Bột tả bạch): 12g mỗi loại tang bạch bì và địa cốt bì, 20g ngạnh mễ và 8g sinh cam thảo. Đem tất cả sắc lấy nước uống trong ngày;
  • Bài thuốc số 3: Sắc lấy nước uống với các vị thuốc sau: 20g tang bạch bì dược liệu, 12g hạt tía tô và 8g cam thảo.

4.3. Bài thuốc trị phù thũng, viêm thận và tiểu ít

  • Bài thuốc số 1: sử dụng 20g tang bạch bì và 63g xích tiểu đậu để sắc lấy nước uống;
  • Bài thuốc số 2: Dùng các vị thuốc tang bạch bì, vỏ gừng, vỏ quả câu mỗi loại 12g cùng với phục linh bì và trần bì mỗi loại 8g để sắc lấy nước dùng, sử dụng trong ngày.

4.4. Bài thuốc trị viêm phế quản mãn tính

Sử dụng tang bạch bì cùng với tỳ bà diệp mỗi loại 10g, sau đó tiến hành sắc lấy nước và sử dụng trong ngày.

4.5. Bài thuốc trị viêm cầu thận cấp phù (mức độ nhẹ)

Sắc lấy nước uống với các thành phần bao gồm tang bạch bì, sinh khương bì, trần bì, đại phúc bì mỗi loại 10g và 12g phục linh bì. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc và sử dụng liên tục để đem lại kết quả như mong đợi.


Sử dụng tang bạch bì trong bài thuốc trị ho do nhiệt đàm
Sử dụng tang bạch bì trong bài thuốc trị ho do nhiệt đàm

4.6. Bài thuốc trị ho do nhiệt đàm

Sử dụng tang bạch bì và đại cốt bì mỗi loại 12g cùng với 4g cam thảo để sắc lấy nước uống.

4.7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bao tử và thực quản

Thành phần: 30g vị thuốc tang bạch bì tươi, 100g giấm ăn để nấu trong vòng 1 giờ. Sau đó loại bỏ cặn, chỉ sử dụng phần nước, nếu thấy chua có thể cho ít đường để dễ sử dụng.

5. Một số lưu ý khi sử dụng tang bạch bì dược liệu

Các bài thuốc có thành phần tang bạch bì dược liệu và các vị thuốc khác khi sử dụng cần lưu ý cho các đối tượng có tiền sử dị ứng hoặc mẫn cảm với chúng hoặc lưu ý các trường hợp sau:

  • Ho do cảm phong hàn;
  • Mắc bệnh tiểu không tự chủ, tiểu nhiều lần;
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.

Tương tác của tang bạch bì dược liệu: Khi sử dụng tang bạch bì cần lưu ý không sử dụng đồng thời các bài thuốc khác có các vị sau vì có thể gây phản tác dụng thuốc hoặc gia tăng nguy cơ tác dụng phụ:

  • Ma tử;
  • Quế tâm;
  • Tục đoạn.

Vị thuốc tang bạch bì có vị ngọt, tính hàn, không chứa độc tố nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa ho, hen suyễn, phù, viêm. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị bạn nên chọn mua dược liệu tại các địa chỉ bán thuốc uy tín và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe