Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và can thiệp nội và ngoại mạch máu.
Cấp cứu thần kinh tăng huyết áp có tỉ lệ biến chứng và tử vong cao, vì vậy, việc kiểm soát huyết áp trong trường hợp cấp cứu thần kinh là phương pháp có lợi, nhưng cũng có thể gây hại nếu không được thực hiện một cách tốt nhất.
1. Vì sao cần kiểm soát tăng huyết áp trong cấp cứu thần kinh
Tăng huyết áp ảnh hưởng nhiều lên cơ chế tự điều hòa của não và có thể dẫn tới tăng áp lực nội sọ và phù não. Việc điều chỉnh huyết áp cao hơn hay thấp hơn đều phối hợp với tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong ở người bệnh.
Trong các nguyên nhân cấp cứu thần kinh tăng huyết áp, nhồi máu não, bệnh não tăng huyết áp và xuất huyết não là chủ yếu. Nguyên nhân thường là do người bệnh có tiền sử tăng huyết áp trước đó, không tuân thủ điều trị hoặc điều trị không phù hợp.
Vì vậy, cần hiểu được sinh lý bệnh để kiểm soát tăng huyết áp ở người bệnh, chẩn đoán nhanh chóng bệnh nền, tiên lượng độ nặng và đưa ra mục tiêu điều trị thích hợp, giảm nguy cơ thiếu máu não cục bộ.
2. Cách kiểm soát tăng huyết áp trong cấp cứu thần kinh
Để kiểm soát tăng huyết áp trong các trường hợp cấp cứu thần kinh, điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ sinh lý mạch máu não. Dưới đây là cách để kiểm soát tăng huyết áp trong cấp cứu thần kinh do các nguyên nhân:
- Đột quỵ thiếu máu não cấp: Đột quỵ là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong và nguyên nhân dẫn tới tàn tật, đột quỵ thiếu máu não cấp chiếm khoảng 70% trong đột quỵ. Tăng huyết áp thường gặp ở những bệnh nhân đột quỵ cấp, khi kiểm soát huyết áp được chỉ định, mục tiêu là dựa trên đánh giá lâm sàng tốt nhất và dữ liệu từ nghiên cứu quan sát.
- Xuất huyết não cấp: Kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân xuất huyết não có huyết áp tâm thu từ 150-220 mmHg và không có chống chỉ định điều trị hạ huyết áp cấp tính. Hạ huyết áp tâm thu cấp tính đến 140 mmHg là an toàn. Người bệnh xuất huyết não có huyết áp tâm thu >220 mmHg thì xem xét hạ áp tích cực với truyền tĩnh mạch liên tục và theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Xuất huyết dưới nhện: Trường hợp này, cần kiểm soát huyết áp bằng cách hạ huyết áp bằng thuốc, nằm nghỉ trên giường bệnh, thắt động mạch cảnh và phẫu thuật nội sọ.
- Tăng áp lực nội sọ: Thường được kiểm soát bằng nội khoa với an thần, liệu pháp thẩm thấu, tăng thông khí kiểm soát và gây mê barbiturat. Đồng thời, cần truyền liên tục các thuốc tác dụng ngắn với đáp ứng liều tin cậy và an toàn, bao gồm labetalol, esmolol và nicardipin là lựa chọn ưu tiên trong kiểm soát tăng huyết áp nặng ở người bệnh.
- Bệnh não tăng huyết áp: Cần theo dõi người bệnh chặt chẽ trong môi trường chăm sóc đặc biệt hoặc chuyên sâu, xem xét theo dõi huyết áp động mạch và áp lực nội sọ. Khuyến cáo điều trị là hạ huyết áp tâm thu thận trọng khoảng 20-25% hoặc huyết áp tâm trương đến 100-110 mmHg trong 1-2 giờ đầu tiên và sử dụng các thuốc tĩnh mạch có thể điều chỉnh liều
3. Thuốc kiểm soát huyết áp
Thuốc kiểm soát huyết áp trong đột quỵ cấp:
- Labetalol: Liều dùng khởi đầu 10-20 mg tĩnh mạch 1-2 phút. Truyền tĩnh mạch tiếp theo 2-8 mg/phút nếu cần. Mục đích giảm 10-15% huyết áp. Tuy nhiên, thuốc có thể gây hen phế quản, nhịp chậm, suy tim sung huyết
- Nicardipin: Khởi đầu truyền 5-10 mg/giờ; chỉnh liều tăng 2,5 mg/giờ mỗi 5 phút đến tối đa 15 mg/giờ; mục đích giảm 10-15% huyết áp. Thuốc có thể gây nhịp nhanh, gây đau thắt ngực.
- Nitroprussid: Khởi đầu truyền tm 0,5 mcg/kg/phút và theo dõi sát huyết áp; Chỉnh liều để đạt huyết áp mục tiêu (đến 8 mcg/kg/phút); Mục đích giảm 10-15% huyết áp. Thuốc có thể gây ngộ độc cyanid, nguy cơ tăng áp lực nội sọ, nguy cơ rối loạn chức năng tiểu cầu.
Thuốc kiểm soát huyết áp trong xuất huyết não cấp:
- Enalaprilat: 1,25-5 mg TM mỗi 6 giờ.
- Esmolol: 250 mcg/kg TM liều tải; truyền 25-300 mcg/kg/phút
- Hydralazine: 5-20 mg TM mỗi 30 phút, truyền 1,5-5 μg/kg/phút
- Labetalol: 5-20 mg mỗi 15 phút; truyền 2mg/phút (tối đa 300 mg/ngày)
- Nicardipine: 5-15mg/giờ
- Nitroprussid: 0,1-10 μg/kg/phút
- Nitroglycerin: 20-400 μg/phút.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.