Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính không thể chữa khỏi (trừ đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường do dùng thuốc). Do đó mục tiêu trong điều trị đái tháo đường là phòng ngừa và điều trị các biến chứng. Để làm được điều này thì kiểm soát đường huyết mục tiêu là yếu tố tiên quyết. Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu đường huyết?
1. Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là tình trạng giảm tiết insulin và kháng insulin ngoại vi gây ra tăng đường huyết. Các triệu chứng sớm liên quan đến tăng đường huyết của bệnh đái tháo đường gồm có:
- Uống nước nhiều
- Khát nhiều
- Tiểu nhiều
- Giảm cân
- Nhìn mờ.
Các biến chứng muộn gồm:
- Bệnh mạch máu
- Bệnh thần kinh ngoại vi
- Bệnh thận
- Chậm lành vết thương và dễ nhiễm khuẩn
2. Mục tiêu kiểm soát đường huyết là bao nhiêu?
Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính có thể gây ra các biến chứng tại mạch máu lớn, mạch máu não, mạnh vành hoặc mạch máu ngoại biên nếu bệnh nhân không đường kiểm soát tốt đường huyết trong cơ thể. Mục tiêu kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường không mang thai sẽ thông qua các chỉ số cụ thể sau:
- Glucose máu đói: 70-130 mg/dl
- Đường huyết sau khi ăn từ 1-2 giờ: dưới 180 mg/dl
- Đường huyết lúc đi ngủ: 110-150 mg/dl
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng cần kiểm soát một số chỉ số xét nghiệm liên quan đến bệnh như sau:
- HbA1c < 6,5% (Dùng để đánh giá kiểm soát đường huyết trong 3 tháng trước đó, cần làm từ 2-4 lần/năm).
- Cholesterol < 170 mg/dl
- LDL < 70 mg/dl
- HDL > 55 mg/dl
- Triglyceride < 150 mg/dl
- Huyết áp nên duy trì ở mức 140/80 mmHg
Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành trên bệnh nhân đái tháo đường theo thứ tự ưu tiên gồm: LDL, HDL HbA1c, tăng huyết áp tâm thu, hút thuốc lá.
3. Làm thế nào để kiểm soát đường huyết mục tiêu?
Nhìn chung các thói quen lành mạnh sẽ giúp lượng đường được duy trì ổn định. Người bệnh đái tháo đường có thể tham khảo một số phương pháp sau:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Chế độ ăn uống chính là chìa khóa cho việc quản lý tốt lượng đường trong máu và ngăn chặn nguy cơ bệnh tiểu đường
- Những thực phẩm giàu protein giúp đường huyết bình thường gồm: cá hồi, thịt bò hoặc cừu, trứng, sữa chua, pho mát
- Một số chất béo tốt gồm: dầu oliu, dầu dừa nguyên chất, quả bơ
- Chất xơ có trong các loại thực phẩm như: rau xanh tươi, trái cây (trừ nước ép), đậu Hà Lan, ngũ cốc nguyên hạt.
Sử dụng nguồn chất ngọt tự nhiên
- Nên dùng bột làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bột dừa hoặc bột hạnh nhân để tạo được vị ngọt tự nhiên
- Nên uống nước, trà đen, trà thảo dược
- Tránh uống nước ngọt, nước trái cây, soda, bia rượu.
Tăng cường tập thể dục đều đặn
- Tập thể dục là phương pháp cân bằng lượng đường huyết bình thường theo nhiều cách khác nhau
- Tập thể dục thể thao tạo điều kiện cho cơ bắp hấp thụ được nhiều glucose để tái tạo năng lượng và mô, giảm được lượng đường trong máu
- Bạn nên tập thể dục từ 30-60 phút các ngày trong tuần với các hình thức như chạy bộ, đạp xe, tập tạ,... có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giảm căng thẳng, tăng sức đề kháng, cân bằng hormone trong cơ thể.
Chế độ nghỉ ngơi phù hợp
- Nghỉ ngơi giúp cơ thể được thư giãn, cân bằng sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh giúp mức độ đường huyết bình thường
- Thiếu ngủ dễ dẫn tới tăng hormone và thèm ăn khiến cho bạn đói, khó kiểm soát được lượng đường huyết
- Nên đặt mục tiêu cần ngủ tối đa 8 tiếng/ ngày để đáp ứng đúng đồng hồ sinh học tự nhiên, giảm thiểu tình trạng mắc bệnh tiểu đường.
- Ngoài ra, ngủ đúng giấc còn giúp cân bằng hormone, giảm lo âu, có đủ sức khoẻ và năng lượng cho việc tập thể dục mỗi ngày.
Nhìn chung các thói quen lành mạnh sẽ giúp lượng đường được duy trì ổn định. Do đó, người bệnh cần có một chế độ ăn uống, làm việc, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý để kiểm soát mức đường huyết mục tiêu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.