Buồn nôn và nôn ở người lớn là triệu chứng thường gặp và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Lúc này việc dùng thuốc chống nôn sẽ giúp ứng phó với tình trạng này. Vậy khi nào cần dùng thuốc chống nôn cho người lớn thích hợp và hiệu quả, an toàn nhất? Cùng theo dõi thông tin dưới đây để biết cách sử dụng thuốc chống nôn hiệu quả khi gặp phải tình trạng này.
1. Nguyên nhân gây nôn
Nôn là quá trình tống đẩy các thành phần có trong dạ dày ra ngoài do cơ thành bụng co thắt không tự chủ khi cơ thắt tâm vị và cơ thắt thực quản dưới bị giãn ra. Nói một cách dễ hiểu thì nôn là một phản ứng của đường tiêu hóa nhằm đẩy thức ăn thải bỏ trong dạ dày qua đường miệng.
Nôn có thể xuất phát từ đường tiêu hoá hoặc hệ thần kinh trung ương hoặc cũng có thể là kết quả của một số tình trạng toàn thân.
Các nguyên nhân phổ biến gây buồn nôn và nôn có thể là do:
- Viêm dạ dày ruột.
- Sử dụng thuốc.
- Chất độc (ngộ độc thực phẩm, tiếp xúc với chì...).
- Say tàu xe.
- Uống quá nhiều rượu.
- Viêm ruột thừa.
- Trào ngược axit, trào ngược dạ dày thực quản.
- Dị ứng thực phẩm...
Đây là những nguyên nhân gây nôn thường gặp. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác gây tình trạng buồn nôn và nôn nhưng không quá phổ biến. Khi gặp tình trạng buồn nôn và nôn thì nhiều người nghĩ ngay đến việc dùng thuốc chống buồn nôn để khắc phục tình trạng này.
2. Có mấy loại thuốc chống nôn?
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống nôn cho người lớn khác nhau. Trong đó, người ta phân chia thành các nhóm sau:
2.1. Thuốc chống nôn nhóm ức chế thụ cảm thể serotonin
Về mặt tác động chính của cơ chế gây nôn thì thuốc ức chế thụ cảm thể serotonin có tác dụng chống nôn mạnh nhất. Bởi vì, chúng có khả năng gắn kết vào thụ cảm thể serotonin ở ruột và ở trên não bộ. Từ đó, làm bất hoạt cung thần kinh phản xạ nôn từ đường tiêu hóa tới thần kinh trung ương.
Nhóm thuốc chống nôn này chuyên được dùng để chống nôn trong các trường hợp phẫu thuật, điều trị ung thư hoặc điều trị hóa chất.
2.2. Nhóm ức chế dopamin
Thuốc chống nôn cho người lớn thuộc nhóm ức chế dopamin là tác động trên thần kinh trung ương. Nhóm này chống được nôn là vì chúng làm bất hoạt các hoạt động của dây thần kinh gây nôn có liên quan đến dopamin.
Nhóm này được phân làm làm hai phân nhóm nhỏ là thuốc ức chế dopamin trong đường tiêu hóa và ức chế dopamin trên não bộ. Sự ức chế này giúp làm giảm nhu động ruột và không có phản ứng co bóp để gây ra nôn.
2.3. Nhóm kháng histamin
Nhóm kháng histamin là nhóm thuốc chống nôn thường gặp nhất trong thực tế. Kháng histamin có tác dụng ức chế thụ cảm thể của histamin ở trên đường tiêu hóa. Thuốc làm giảm nhu động dạ dày và giảm nhu động ruột là chính, do đó tạo ra hiệu quả chống nôn.
Thuốc thường được sử dụng chống nôn do tiền đình, chóng mặt, say tàu xe hoặc các biểu hiện nôn tương tự.
2.4. Nhóm dẫn xuất cannabinoid (dẫn xuất của morphin)
Một nhóm thuốc chống nôn khác cũng thường được dùng hàng ngày đó là nhóm dẫn xuất cannabinoid hay còn gọi là dẫn xuất của morphin.
Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột và làm giảm tiết dịch tiêu hóa, đồng thời làm giảm phản ứng vận động ngược của đường tiêu hóa, Vì vậy nên có tác dụng chống nôn.
Tuy nhiên, hiệu lực chống nôn của nhóm thuốc này không mạnh nhưng lại có hiệu lực làm giảm tiêu chảy mạnh hơn. Thuốc thường được dùng hỗ trợ trong điều trị nôn do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn.
Ngoài 4 nhóm thuốc điều trị nôn ở người lớn được nêu trên thì vẫn còn một số nhóm thuốc chống nôn khác như: Thuốc ức chế thụ cảm thể neurokinin 1, nhóm kháng và nhóm corticoid.
3. Vậy khi nào cần dùng thuốc chống nôn cho người lớn?
Thời điểm dùng thuốc chống nôn cho người lớn thích hợp sẽ có tác dụng ngăn chặn tình trạng nôn hiệu quả.
Để có hiệu quả chống nôn mạnh thì bạn cần phải dùng thuốc trước thời điểm nôn xảy ra ít nhất là 30 phút. Đây là thời gian tối thiểu để cho các thuốc phong tỏa các thụ cảm thể cần thiết nhằm tạo ra phản ứng chống nôn an toàn.
Vì thế, để chống nôn do tàu xe thì bạn nên dùng thuốc trước khi tàu xe khởi hành 30 phút. Đối với trường hợp sợ sau phẫu thuật bị nôn thì bạn cần uống thuốc chống nôn trước 1 giờ phẫu thuật. Đôi khi, đường uống không đủ mạnh thì bác sĩ sẽ tìm thuốc bằng đường tiêm thay thế.
Trong các trường hợp nôn do ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn thì bạn chỉ nên dùng thuốc chống buồn nôn sau khi các mầm bệnh hoặc các độc tố đã được thải ra hết. Thường thì sau 2 lần nôn ban đầu là các chất độc đã bị loại bỏ ra khỏi dạ dày, lúc này bạn hãy uống thuốc thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng tích trữ chất độc trong dạ dày.
Trong trị liệu ung thư, phản ứng nôn mạnh hơn và liệu pháp uống thuốc điều trị nôn đôi khi không hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc và dùng đến liệu pháp tiêm. Để ngăn chặn nôn hiệu quả thì bạn cần dùng thuốc chống nôn trước điều trị 1 giờ và tiếp tục dùng sau 1-2 giờ điều trị.
Khi dùng thuốc chống nôn phối hợp sẽ hiệu quả hơn dùng độc một loại thuốc. Vì thế, trong một số trường hợp, người ta tính đến việc dùng kết hợp thuốc chống nôn. Do vậy, ngay sau 1 giờ dùng thuốc chống nôn mà vẫn còn triệu chứng nôn thì bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp thêm 1 hoặc 2 loại khác nữa để nhanh chóng đạt được hiệu quả chống nôn.
4. Tác dụng phụ của thuốc chống nôn cho người lớn
Mỗi một nhóm thuốc chống nôn khi sử dụng sẽ thường gặp phải các tác dụng phụ khác nhau, bao gồm:
- Thuốc kháng histamin thường có tác dụng phụ gây buồn ngủ, khô mũi và khô miệng.
- Các thuốc corticosteroid có thể làm tăng cảm giác ngon miệng, mụn trứng cá và khát nước.
- Thuốc ức chế thụ thể dopamin thường gây tác dụng phụ mệt mỏi, táo bón, ù tai, khô miệng, bồn chồn và co thắt cơ bắp.
- Thuốc ức chế thụ thể neurokinin 1 (NK1) gây tác dụng phụ khô miệng, giảm lượng nước tiểu và ợ nóng.
- Thuốc ức chế thụ thể serotonin thường có các tác dụng phụ là mệt mỏi, khô miệng và táo bón...
Trong quá trình sử dụng các loại thuốc chống nôn, một số biến chứng có thể xảy ra như: Co thắt hoặc co giật, yếu cơ, thay đổi nhịp tim, mất thính lực, buồn ngủ, ảo giác, nhầm lẫn...
Chú ý: Nếu gặp phải các tác dụng phụ trên khi dùng thuốc chống nôn thì người bệnh hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn, chỉ định cách xử trí kịp thời.
5. Tương tác thuốc của thuốc chống nôn cho người lớn
Thuốc chống nôn dùng cho người lớn có thể gây tương tác với một số loại thuốc điều trị khác làm tăng tác dụng phụ của thuốc đang dùng. Vì vậy, trước khi dùng thuốc chống nôn thì bạn nên cho bác sĩ biết về các loại thuốc mà bạn đang dùng để được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp nhằm tránh các tương tác bất lợi.
Các thuốc có thể tương tác với thuốc chống nôn bao gồm: thuốc trị viêm khớp, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, chất làm loãng máu...
Trong quá trình sử dụng thuốc chống nôn nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc hoặc có biến chứng do thuốc. Thì bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ biết để được tư vấn cụ thể hoặc đi khám ngay để xử lý kịp thời và thích hợp.
Trên đây là những thông tin về thuốc chống nôn cho người lớn. Hy vọng những thông tin này đã giúp mọi người biết được thời điểm khi nào cần dùng thuốc chống nôn? Từ đó biết cách sử dụng thuốc chống nôn đúng cách và đạt được hiệu quả chống nôn tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.