Buồn nôn và nôn là những hiện tượng thường gặp trong quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư. Vậy khi nào cần dùng thuốc chống nôn cho người bị ung thư? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn về vấn đề này.
1. Nguyên nhân gây nôn ở bệnh nhân ung thư
Buồn nôn và nôn được gây ra bởi sự điều khiển của não bộ thông qua hệ thống thần kinh thực vật giống như hô hấp và tuần hoàn. Trung tâm nôn ở vỏ não gây ra phản xạ nôn bởi những tác nhân kích thích khác nhau như mùi vị, sự lo lắng, đau, di chuyển hoặc thay đổi sinh hóa máu. Nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn và nôn ở bệnh nhân ung thư chủ yếu là:
- Bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị;
- Bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp xạ trị (sử dụng bằng tia xạ) vào hệ thống tiêu hóa (dạ dày, ruột), gan hoặc não.
Tình trạng buồn nôn và nôn có thể xảy ra chỉ vài giờ sau khi điều trị hoặc một vài ngày sau điều trị ung thư. Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc hóa trị và sinh học đều buồn nôn, nôn. Bên cạnh đó, tần suất và thời gian nôn hoặc buồn nôn xảy ra phụ thuộc loại thuốc, liều dùng cũng như cách dùng thuốc.
2. Các thuốc chống nôn cho người bị ung thư
Với việc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc chống nôn cho bệnh nhân ung thư và sự ra đời của các loại thuốc thế hệ mới đã giúp phòng ngừa và điều trị nôn hiệu quả.
Một số thuốc chống nôn trong ung thư gồm:
- Kháng histamine: Diphenhynhydramine (Dimedrol);
- Kháng cholinergic: Scopolamine;
- Thuốc bình thần:
- Phenothiazine: Clopromazine;
- Methopimazine;
- Butirophenol: Haloperidol;
- Benzamides: Metoclopramide (Primperan), alizapride (Plitican).
- Thuốc kháng Dopamine:
- Domperidone (Molilium);
- Corticoide: Dexamethasone, Prednisolone, Methylprednisolone.
- Thuốc kháng receptor 5HT3 (các setron): Ondansetron, Granisetron.
Bác sĩ điều trị sẽ quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc chống nôn trong ung thư sau khi cân nhắc những yếu tố sau:
- Biện pháp điều trị ung thư có khả năng gây ra nôn và buồn nôn không?
- Người bệnh có tình trạng nôn hoặc buồn nôn nặng đến mức độ nào?
- Người bệnh dùng thuốc cách nào dễ nhất?
- Người bệnh mong muốn dùng thuốc cách nào hơn?
- Bảo hiểm y tế của người bệnh ung thư có chi trả khoản này hay không?
3. Khi nào cần dùng thuốc chống nôn cho người bị ung thư?
Thuốc chống nôn ung thư phải do bác sĩ chỉ định, bởi tùy vào từng phác đồ điều trị hóa chất gây nôn, buồn nôn mạnh, vừa và yếu khác nhau; tùy từng cơ địa mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định cho các thuốc chống nôn khác nhau. Có thể dùng thuốc chống nôn khi truyền hóa chất trước - trong - sau điều trị; một số trường hợp bác sĩ phải cho chỉ định dùng thuốc chống nôn vài ngày sau khi kết thúc đợt truyền hóa chất.
Song song với việc điều trị chống nôn bằng thuốc, bác sĩ sẽ dùng thêm các dung dịch nuôi dưỡng và bồi phụ nước, điện giải cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, bản thân người bệnh và người nhà chăm sóc cần phải cố gắng, chịu khó cho bệnh nhân uống nước hoa quả, dung dịch oresol và cố gắng ăn các món ăn mà hằng ngày bệnh nhân thích.
4. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là một điều đặc biệt quan trọng, bởi cơ thể bệnh nhân đủ dinh dưỡng mới có đủ sức để tiến hành điều trị ung thư. Người nhà bệnh nhân cần chú ý đến những chế độ ăn uống, lên kế hoạch định lượng thức ăn để tránh hoặc làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn khi bệnh nhân tiến hành điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị:
- Chia bữa ăn trong ngày làm nhiều bữa nhỏ, giảm bớt gánh nặng trong mỗi bữa ăn cho bệnh nhân;
- Đồ ăn không nên quá nóng, nguội hoặc còn ấm sẽ giảm bớt mùi của thức ăn, tránh cho bệnh nhân cảm giác khó chịu;
- Nên chọn những loại thực phẩm hoặc chế biến món ăn là các món mà bệnh nhân thích để tăng cảm giác ngon miệng;
- Các thực phẩm khô, súp và đồ uống nên ăn riêng;
- Đồ ăn tốt cho sức khỏe bệnh nhân ung thư là đồ ăn ở dạng lỏng, đồ ăn không quá ngọt, ngấy, cay hoặc có mùi khó chịu;
- Hương vị chanh và bạc hà sẽ dễ ăn hơn;
- Đồ uống tốt cho sức khỏe là nước táo, cam, trà;
- Trong quá trình điều trị ung thư bằng hóa chất, bệnh nhân nên ăn bữa sáng trước 6 giờ, ăn tối trước 7 giờ để làm kéo dài thời gian tiêu thụ thức ăn, làm giảm phản ứng và tăng hấp thụ thức ăn tốt;
- Nếu bệnh nhân nôn nhiều thì cần lưu ý bổ sung chất lỏng, trong trường hợp cần thiết hãy báo cho bác sĩ điều trị đẻ được tiêm tĩnh mạch chất lỏng nhằm duy trì cân bằng nước và điện giải cho bệnh nhân.
Buồn nôn và nôn là một trong những tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư, bên cạnh đó cũng do tâm lý lo lắng của người bệnh hoặc bị kích thích gây nôn do các tổn thương thực thể. Để đưa ra hướng điều trị có hiệu quả cao nhất bác sĩ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây buồn nôn và nôn, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. Bệnh nhân không nên tự ý dùng các thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.