Khi nào bạn cần sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ và đang là nỗi ám ảnh của nhiều người. Căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu tuân thủ sàng lọc định kỳ. Phát hiện sớm các thay đổi bất thường sẽ giúp điều trị kịp thời, giảm thiểu chi phí và hạn chế tử vong.

1. Thực trạng hiện nay: Phát hiện ung thư cổ tử cung khi đã muộn

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ. Điều đáng ngại nhất là ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi thấy ra máu âm đạo bất thường hoặc ra máu khi giao hợp thì thường đã muộn. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, kể cả phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn mở rộng và phối hợp hóa chất, tia xạ cũng không mang lại hiệu quả điều trị cao. Người bệnh gặp kết cục di căn nặng nề, đau đớn trước khi tử vong.

2. Tại sao cần sàng lọc, phát hiện ung thư sớm

Vi rút gây u nhú (sùi mào gà) HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung. Có tới 95-97% phụ nữ bị ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV. Các yếu tố nguy cơ khác phải kể đến là: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, viêm nhiễm kéo dài,...

Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tỷ lệ điều trị khỏi là 80 - 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm còn 75% ở giai đoạn 2; 30 - 40% ở giai đoạn 3 và dưới 15% ở giai đoạn 4. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên chị em phụ nữ có thể chủ quan, không quan tâm đến bệnh.


Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung phát hiện và xử lý sớm đã cứu sống được hàng trăm ngàn người mỗi năm
Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung phát hiện và xử lý sớm đã cứu sống được hàng trăm ngàn người mỗi năm

3. Những tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán viêm do HPV đã giúp xác định và phân loại những người có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung để theo dõi sát sao. Ngoài ra, xét nghiệm phết mỏng tế bào (ThinPrep test) có độ chính xác cao trong phát hiện các tổn thương tiền ung thư hơn các phương pháp cổ điển. Việc phối hợp hai xét nghiệm trên giúp bác sĩ có kế hoạch theo dõi tốt, giảm thiểu chi phí và thời gian thăm khám. Khi đó, thay vì đi khám hàng năm, chị em có thể chỉ cần làm sàng lọc 2-3 näm/lần.


Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể tiêm vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung
Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể tiêm vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung

Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể tiêm vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc xin này chỉ có hiệu lực bảo vệ từ 4- 6 năm và không ngăn ngừa được tất cả các chủng virus HPV gây ung thư nên ngay cả khi đã tiêm phòng, chị em vẫn cần đi khám sàng lọc.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe