IBS-C và Táo bón mãn tính: Triệu chứng có gì khác nhau?

IBS-C và táo bón mãn tính có nhiều triệu chứng giống nhau nên khó chẩn đoán. Tuy nhiên, chúng có một số triệu chứng khác biệt và cần được xác định chính xác để điều trị đúng cách. Việc phân biệt giữa IBS-C và táo bón mãn tính là rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Nguyễn Huyền Nhung - Bác sĩ Nội Tiêu hóa - Đơn nguyên Nội tiêu hóa - Gan mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Làm sao để biết đang mắc Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C) hay táo bón mãn tính?

Khi cố gắng đi tiêu bình thường nhưng không thể và tình trạng này lặp lại đều đặn trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, có thể cơ thể đang gặp vấn đề về tiêu hóa. Nếu đi tiêu không quá hai lần một tuần và tình trạng này kéo dài ít nhất 3 tháng, có thể người bệnh đã mắc phải tình trạng táo bón mãn tính.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có khả năng bệnh nhân đang mắc phải Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (ISB-C). Lý do là vì triệu chứng của hai căn bệnh này cực kỳ giống nhau. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh. Tuy vậy, vẫn có một số khác biệt nhỏ về triệu chứng cũng như nguyên nhân để phân biệt IBS-C và táo bón mãn tính.

2. Những triệu chứng giống và khác nhau

2.1. Các triệu chứng tương tự nhau

Sau đây là một số triệu chứng khá giống nhau khiến người bệnh khó xác định được liệu bản thân đang mắc phải táo bón mãn tính hay IBS-C:

  • Gặp khó khăn trong đi tiêu.
  • Đi phân vón cục, cứng.
  • Cảm thấy như chưa đi hết phân.
  • Thường bị đầy hơi.

2.2. Những triệu chứng khác nhau giữa IBS-C và táo bón mãn tính

Mặc dù hầu hết các triệu chứng của táo bón mãn tính và hội chứng ruột kích thích thể táo bón đều khá giống nhau, vẫn có một vài đặc điểm khác biệt khi mắc phải hội chứng ruột kích thích thể táo bón.

  • Bị đau bụng nghiêm trọng và cực kì khó chịu nhưng sẽ biến mất sau khi đi ngoài.
  • Đi ngoài bình thường hoặc phân lỏng, nhiều nước giữa các cơn táo bón.
  • Buồn nôn. 
Tình trạng hội chứng ruột kích thích thể táo bón có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.
Tình trạng hội chứng ruột kích thích thể táo bón có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

3. Các nguyên nhân dẫn đến hai căn bệnh trên

3.1. Nguyên nhân dẫn đến táo bón mãn tính

Tình trạng táo bón mãn tính thường xuất phát từ những nguyên nhân khá nghiêm trọng, có thể kể đến tắc đường ruột. Theo chẩn đoán từ các bác sĩ, một số nguyên nhân sau có khả năng dẫn tới táo bón mãn tính:

  • Sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc trị bệnh Parkinson, bệnh tim hoặc những tình trạng khác.
  • Bệnh tiểu đường loại 2 hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
  • Các vấn đề y tế làm tăng canxi trong máu hoặc làm tụt canxi.
  • Tổn thương tủy sống.
  • Những vấn đề về đại trực tràng, như ung thư hoặc hẹp trực tràng. 
Nguyên nhân do một số loại thuốc là điểm khác biệt giữa IBS-C và táo bón mãn tính.
Nguyên nhân do một số loại thuốc là điểm khác biệt giữa IBS-C và táo bón mãn tính.

3.2. Nguyên nhân gây ra Hội chứng ruột kích thích thể táo bón

Nguyên nhân gây bệnh là điểm khác biệt chính giữa IBS-C và táo bón mãn tính. Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C) có những nguyên nhân đặc thù không giống với táo bón mãn tính:

  • Thức ăn đi qua ruột chậm.
  • Gặp vấn đề về vi khuẩn, hormone hoặc hóa chất trong ruột.
  • Sai lệch trong trao đổi thông tin giữa não bộ và ruột.
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc IBS-C hoặc các tình trạng rối loạn tiêu hóa khác.  
  • Các căn nguyên tâm lý như chứng rối loạn lo âu, trầm cảm...

4. Làm sao để chẩn đoán táo bón mãn tính và IBS-C?

Khi mắc các bệnh liên quan đến táo bón, việc xác định nguyên nhân cụ thể không đơn giản. Bác sĩ sẽ bắt đầu với tiền sử bệnh lý và một số bước khám sức khỏe cơ bản. Sau đó, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề về tuyến giáp.

Lấy mẫu phân là một xét nghiệm phổ biến để bác sĩ kiểm tra xem có bị nhiễm khuẩn không. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chụp X-Quang, chụp CT hoặc nội soi để kiểm tra xem phân có di chuyển qua đại tràng và trực tràng một cách bình thường hay không. 

Sử dụng thiết bị nội soi để chẩn đoán táo bón hoặc IBS-C.
Sử dụng thiết bị nội soi để chẩn đoán táo bón hoặc IBS-C.

Mặc dù IBS-C và táo bón mãn tính đều liên quan đến táo bón nhưng vẫn chưa có xét nghiệm cụ thể nào dành riêng cho hội chứng ruột kích thích thể táo bón. Bác sĩ thường thu thập thông tin từ các xét nghiệm cơ bản khác để loại trừ các bệnh khác. Các triệu chứng như sụt cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc có máu trong phân có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiem trọng ở đường tiêu hóa và khách hàng cần thăm khám ngay với các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa.

Để chẩn đoán IBS-C, bác sĩ dựa vào một bộ triệu chứng, bao gồm mức độ đi tiêu và cảm giác chướng bụng dữ dội nhưng giảm đi sau khi đi tiêu.

Tóm lại, IBS-C và táo bón mãn tính đều gây ra tình trạng táo bón nhưng chúng có những khác biệt quan trọng. IBS-C thường đi kèm với các triệu chứng như đau bụng và chướng bụng, trong khi táo bón mãn tính tập trung vào khó khăn trong việc đi tiêu mà không có đau bụng rõ rệt. Việc chẩn đoán chính xác dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm cơ bản giúp bác sĩ phân biệt giữa hai tình trạng này. Hiểu rõ sự khác biệt giữa IBS-C và táo bón mãn tính là bước quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe