Cách chữa viêm khớp thường sẽ khá đa dạng và phổ biến, từ việc dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ cho đến những thay đổi lối sống để giảm thiểu triệu chứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Hỗ trợ chữa viêm khớp tại nhà
Điều trị viêm khớp là một tiến trình đòi hỏi cần có sự kết hợp giữa dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và giảm triệu chứng tại nhà.
1.1. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc dùng thuốc, người mắc bệnh xương khớp thường được khuyên thay đổi thói quen sinh hoạt, bổ sung hoạt động có lợi để hỗ trợ cho những cách chữa viêm khớp đang áp dụng.
Giảm cân: Nếu có dấu hiệu thừa cân, bác sĩ sẽ chỉ định việc lên kế hoạch giảm cân thông qua ăn uống và tập luyện thể dục thể thao. Điều này giúp giảm áp lực lên các khớp bị đau, hạn chế chấn thương khớp trong tương lai.
Bơi lội: Những bài tập dưới nước không tạo áp lực lên khớp bị đau, nên thường được khuyến khích để làm giảm triệu chứng.
Chườm nóng lạnh: Người bệnh đau khớp, đặc biệt là khớp đầu gối, có thể sử dụng các miếng chườm nóng hoặc túi nước đá chườm lạnh để giảm đau.
Thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị hỗ trợ người đau xương khớp như gậy, miếng lót giày, miếng nâng chỗ ngồi trong nhà vệ sinh, … có thể bảo vệ khớp và cải thiện khả năng sinh hoạt hàng ngày.
Châm cứu: Là một biện pháp mang tính chất hỗ trợ, được dùng để giảm đau, có thể kết hợp với những biện pháp điều trị khác.
Mát xa: Những buổi mát xa có tác dụng tăng cường độ lưu thông máu, làm ấm các khớp bị ảnh hưởng, qua đó góp phần giảm đau cho cơ thể.
1.2. Vật lý trị liệu
Đây cũng là một cách chữa viêm khớp thường được sử dụng, với những bài tập tương đối đa dạng. Mục tiêu nhắm tới chủ yếu là để cải thiện khả năng chuyển động của khớp, đồng thời tăng cường sức khỏe cho các cơ xung quanh khớp. Biện pháp này thường đi kèm với dụng cụ hỗ trợ và đồ bảo hộ để tăng tính hiệu quả, đồng thời bảo vệ khớp khỏi những thương tổn bên ngoài.
1.3. Sử dụng thuốc theo chỉ định
Người mắc bệnh viêm khớp luôn phải điều trị chủ yếu bằng thuốc, dựa vào đơn mà bác sĩ kê sau khi được chẩn đoán loại viêm khớp đang mắc phải.
Thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs): Những loại thuốc ibuprofen và naproxen natri thường sẽ có tác dụng giảm đau, giảm viêm. Tác dụng phụ có thể gặp phải là bị kích ứng dạ dày. Thuốc NSAIDs thường có dạng uống hoặc bôi lên vùng da bị đau khớp.
Thuốc chống kích ứng: Một số loại kem, thuốc dạng mỡ có chứa tinh dầu bạc hà hoặc Capsaicin, một chất dược tạo nên vị cay cho ớt. Xoa chúng lên vùng da ngoài khớp bị đau có thể góp phần giảm đau, nhờ việc ngăn cản tín hiệu cơn đau truyền từ khớp lên não.
Thuốc Corticosteroid: Thường gặp là Prednisone, có tác dụng giảm viêm, giảm đau và chậm tiến trình tổn thương khớp. Thuốc có thể dùng dưới dạng viên uống hoặc tiêp trực tiếp vào vùng khớp bị đau. Một vài tác dụng phụ có khả năng gặp phải là loãng xương, tăng cân và tiểu đường.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Thường dùng để giảm tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp, giúp các khớp và các mô còn khỏe mạnh khác tránh bị những thương tổn vĩnh viễn. Tác dụng phụ thường gặp là tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Cần đảm bảo việc sử dụng loại thuốc nào với liều lượng như thế nào đều phải theo chỉ định của bác sĩ kê đơn.
2. Chẩn đoán viêm khớp
Các căn bệnh viêm khớp, đau khớp luôn mang lại sự khó khăn dành cho người bệnh. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, do đó hầu hết mọi người đều muốn nhanh chóng xác định cách chữa viêm khớp sớm nhất có thể khi phát hiện bệnh. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ để có thể đưa ra phương án điều trị viêm khớp sao cho hiệu quả nhất.
2.1. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm
Bằng cách phân tích dịch trong cơ thể, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán loại viêm khớp mà người bệnh đang mắc phải. Thông thường quá trình xét nghiệm này xoay quanh việc lấy mẫu máu, xét nghiệm nước tiểu và quan trọng nhất là lấy dịch khớp. Bác sĩ sẽ làm sạch và gây tê cho khu vực bị đau, sau đó đưa kim vào để rút một ít dịch khớp ra mang đi xét nghiệm.
2.2. Xét nghiệm bằng hình ảnh
Đây là một biện pháp xét nghiệm kết hợp, giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn về những dấu hiệu khác thường trong khớp, từ đó đưa ra cách chữa viêm khớp phù hợp. Một số xét nghiệm hình ảnh mà người bệnh thường được yêu cầu bao gồm:
Chụp X-Quang: Sử dụng phóng xạ mức độ thấp để chụp hình xương, qua đó phát hiện ra tình trạng mất sụn, tổn thương xương và gai xương. Mặc dù có thể không tiết lộ những tổn thương xương sớm, nhưng thường được dùng để theo dõi tiến trình bệnh.
Chụp CT: Dùng tia X chụp từ nhiều góc độ khác nhau, kết hợp cùng các thông tin để đưa ra hình ảnh cắt ngang của cấu trúc bên trong xương. Chụp CT có thể cho thấy cả phần xương và những mô mềm xung quanh.
Chụp MRI: Bằng việc kết hợp sóng vô tuyến với từ trường mạnh, chụp MRI giúp tạo ra các hìn hảnh cắt ngang chi tiết hơn về những mô mềm như sụn, gân và dây chằng.
Siêu âm: Phương pháp xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh của các mô mềm, sụn và túi hoạt dịch. Siêu âm cũng thường được dùng để bác sĩ xác định vị trí tiêm rút dịch khớp hoặc tiêm thuốc vào khớp.
3. Điều trị viêm khớp tại bệnh viện
Với những trường hợp viêm khớp trở nặng hoặc đã áp dụng những cách chữa viêm khớp tại nhà mà vẫn không có tiến triển, người bệnh cần đến phòng khám, bệnh viện để được điều trị chuyên sâu.
Sửa khớp: Dạng phẫu thuật tác động đến bề mặt khớp nhằm mục đích giảm đau và cải thiện chức năng. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành nội soi khớp thông qua những vết mổ nhỏ để có sự điều chỉnh.
Thay khớp: Cách chữa viêm khớp này được thực hiện trong trường hợp phần khớp bị viêm nghiêm trọng, cần phải thay bằng khớp nhân tạo. Các khớp thường được thay thế là khớp hông và khớp gối.
Nối khớp: Liệu pháp phẫu thuật áp dụng cho các khớp nhỏ, như khớp trong cổ tay, mắt cá chân và ngón tay. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ hai đầu của hai xương trong khớp và khâu chúng lại với nhau. Sau một thời gian, phần xương được nối sẽ lành lại để tạo thành khớp mới.
Nhìn chung, viêm khớp là một tình trạng bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở bất kì nhóm đối tượng nào, trong bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt, những người lớn tuổi thường sẽ có nguy cơ cao hơn. Do đó chúng ta cần biết những cách chữa viêm khớp phổ biến để phòng những tình huống bất ngờ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.