Viêm là phản ứng của cơ thể diễn ra một cách tự nhiên để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số vitamin kháng viêm có lợi cho sức khỏe.
1. Viêm là gì?
Viêm được chia làm hai loại: Viêm cấp tính và viêm mạn tính dựa trên thời gian diễn ra của bệnh. Viêm cấp tính xảy ra nhanh chóng và kết thúc trong một thời gian ngắn, trong khi đó viêm mạn tính sẽ tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nếu như hệ miễn dịch không đủ để chống lại các tác nhân gây bệnh ban đầu.
Khi cơ thể bị thương hoặc gặp phải tác nhân gây viêm, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để sửa chữa và tái tạo vết thương nhằm đưa cơ thể về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, nếu như các triệu chứng viêm như sưng, nóng xung quanh vết thương, đỏ và đau vẫn còn tồn tại dai dẳng sau khi vết thương đã phục hồi thì khả năng là bạn đang gặp phải tình trạng viêm mạn tính.
Nếu tình trạng viêm mạn tính không được kiểm soát sẽ góp phần gây ra các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư, bệnh Alzheimer...
Ngoài ra nguy cơ mắc phải viêm mạn tính còn liên quan đến những yếu tố khác như chế độ ăn uống, tiền sử gia đình, lối sống,..
2. Một số chất và vitamin kháng viêm
Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra một số vitamin với tác dụng chống viêm, chúng được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng các loại thực phẩm có trong tự nhiên.
2.1. Vitamin A
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin A có tác dụng giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái cân bằng, không hoạt động quá mức để dẫn đến viêm. Vitamin A có 2 dạng tồn tại, bao gồm Beta-carotene (tiền vitamin A) và vitamin A. Cả 2 dạng đều đóng vai trò là một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại.
Những nguồn thực phẩm giàu vitamin A tốt cho sức khỏe bao gồm cà rốt, rau cải thìa, cải xoăn, rau bina và các loại rau ăn lá,...
2.2. Vitamin kháng viêm nhóm B
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân thiếu hụt vitamin B6 thường sẽ có nồng độ protein phản ứng C (CRP) cao. Đây là một hợp chất có khả năng gây ra chứng viêm, nhất là ở các bệnh viêm dưới dạng tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Bạn có thể sử dụng một số thực phẩm giàu vitamin B như cải xoăn, nấm, ớt chuông, dưa đỏ, cá ngừ và các loại thịt gia cầm.
Ngoài ra, vitamin B còn có một dạng khác là folate, do đó bạn có thể bổ sung axit folic hằng ngày với liều lượng thấp để làm giảm viêm bằng các thực phẩm như gan, măng tây, rau lá màu xanh đậm,...
2.3. Vitamin C giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh
Vitamin C chống viêm là tác dụng được nhiều người biết đến nhờ vai trò giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt. Ngoài ra, vitamin C còn giúp loại bỏ các gốc tự do gây viêm và làm giảm protein phản ứng C.
Nguồn bổ sung vitamin C tốt nhất là từ chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Chúng không những chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể cải thiện sức khỏe mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
2.4. Vitamin D giảm viêm nhiễm
Từ lâu các nhà khoa học đã xác định được có mối liên quan giữa việc thiếu hụt vitamin D và việc mắc các bệnh viêm nhiễm. Khi cơ thể được cung cấp đủ vitamin D sẽ góp một phần lớn vào quá trình ngăn chặn các phản ứng viêm của cơ thể.
Ngoài nguồn vitamin D tự nhiên có sẵn trong ánh nắng mặt trời, bạn có thể bổ sung từ những nguồn thực phẩm xung quanh chúng ta như cá, lòng đỏ trứng, sữa... Khi nghi ngờ thiếu hụt vitamin D, bạn nên đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm định lượng và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các viên tổng hợp vitamin.
2.5. Vitamin E chống oxy hóa
Đây là một loại vitamin kháng viêm rất tốt. Theo kết quả từ một bài phân tích tổng hợp vào năm 2015 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Âu đã công nhận rằng vitamin E có đặc tính chống viêm và bệnh nhân đang mắc các bệnh viêm cần được bổ sung loại vitamin này.
Trong tự nhiên, thực phẩm giàu vi chất này có thể được tìm thấy ở trong các loại hạt như hạt hướng dương và hạt hạnh nhân. Một số loại trái cây và rau như quả bơ và rau bina cũng rất giàu vitamin E.
2.6. Vitamin K giảm triệu chứng viêm
Một báo cáo trên Tạp chí Trao đổi chất (Metabolism) cho thấy vitamin K có thể làm giảm các triệu chứng viêm, giúp đông máu và bảo vệ sức khỏe của xương. Mặc dù vitamin K cần thiết cho sức khỏe của xương nhưng hầu hết mọi người không cung cấp đủ hàm lượng từ chế độ ăn hằng ngày.
Lượng vitamin K được khuyến cáo bổ sung đối với nam giới trưởng thành vào khoảng 120 microgam (mcg) và phụ nữ nên bổ sung 90mcg.
Vitamin K được chia làm hai loại là vitamin K1 và K2. Vitamin K1 có chứa trong các loại rau như cải xoăn, bông cải xanh, bắp cải, rau bina và vitamin K2 có trong trứng và thịt gia cầm.
2.7. Bromelain hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Đây là thành phần chính có chứa trong nước ép dứa với khả năng chống viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn. Trong một số trường hợp nhẹ như viêm gân và chấn thương cơ nhẹ như bong gân thì nước ép dứa cũng là một sự lựa chọn hữu ích. Một số nghiên cứu đã chỉ ra bromelain có thể làm giảm nguy cơ viêm sau các thủ thuật nha khoa, mũi, chân. Tuy nhiên vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ các loại thuốc kháng viêm được kê đơn bởi bác sĩ vì nước ép trái cây sẽ không bao giờ là đủ.
2.8. Capsaicin kiểm soát phản ứng viêm
Đây là thành phần giúp tạo ra vị cay nóng trong ớt và có tác dụng ngăn chặn một nhóm protein kiểm soát phản ứng của cơ thể đối với chứng viêm. Các sản phẩm thuốc bôi ngoài da cũng có chứa thành phần này với công dụng chủ yếu là giảm đau tức thì và kháng viêm.
2.9. Curcumin giảm chứng viêm
Curcumin được tìm thấy trong nghệ và đây là thành phần tạo nên màu vàng đặc trưng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại dược liệu truyền thống của Ấn Độ này có thể giúp chữa một số bệnh nhất định, bao gồm viêm khớp, bệnh viêm ruột và bệnh gan nhiễm mỡ. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong các loại gia vị,, kem, đồ uống và thuốc xịt.
2.10. Tỏi hạn chế tình trạng sưng tấy
Tỏi có tác dụng làm chậm các enzym gây viêm và làm tăng cung cấp máu đến các cơ quan của cơ thể. Bạn có thể thêm 2-4 tép tỏi tươi vào trong bữa ăn hằng ngày để hạn chế tình trạng sưng tấy và gia tăng hương vị của đồ ăn. Ngoài ra, sử dụng dầu tỏi xoa trực tiếp vào các khớp và cơ bị sưng cũng là một phương pháp hữu hiệu được nhiều người sử dụng.
2.11. Gừng kháng viêm
Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng gừng có tác dụng kháng viêm tương tự như ibuprofen giúp khắc phục tình trạng sưng tấy ở bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như dùng steroid. Ngoài ra, còn giúp giảm đau cơ sau khi tập thể dục.
2.12. Axit béo omega-3
Cơ thể không tự sản sinh ra loại axit béo này mà cần được bổ sung thông qua các loại dầu cá hoặc một số thực phẩm. Các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ, cải xoăn, dầu thực vật và hạt lanh, các loại hạt và trứng từ gà được nuôi bằng hạt lanh.
2.13. Resveratrol giúp chữa bệnh viêm khớp
Hợp chất tự nhiên này được tìm thấy trong một số loại quả mọng và quả hạch có thể giúp chữa bệnh viêm khớp. Các loại quả giàu hợp chất resveratrol bao gồm nho, dâu tằm, đậu phộng, quả việt quất, quả hồ trăn, nam việt quất.
2.14. Kẽm ngăn ngừa viêm nhiễm
Vi chất này không chỉ có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm mà còn rất cần thiết cho nhiều chức năng khác của cơ thể. Kẽm có chứa nhiều trong ngũ cốc, thịt gà, các loại thịt đỏ. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung kẽm dưới dạng viên uống.
Trên đây là danh sách các vitamin kháng viêm được lấy từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, bao gồm rau, trái cây, thịt, cá, cũng như các loại thực phẩm tăng cường vitamin. Ngay cả ở dạng thuốc bổ sung, các vitamin này có thể làm giảm viêm mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com